“Từng ngày ba mẹ thở theo con” là cuốn tùy bút mới nhất của Lê Minh Quốc với những tâm sự của một người lần đầu làm cha ở tuổi 60.

Lê Minh Quốc và tùy bút ‘Từng ngày ba mẹ thở theo con’

Tiểu Vũ | 17/12/2022, 22:58

“Từng ngày ba mẹ thở theo con” là cuốn tùy bút mới nhất của Lê Minh Quốc với những tâm sự của một người lần đầu làm cha ở tuổi 60.

Lê Minh Quốc cái tên quá quen thuộc, quá nổi tiếng trong làng văn nghệ và báo chí Việt Nam. Để có một bản lý lịch đầy đủ về Lê Minh Quốc cũng không phải là điều quá khó, chỉ gần lên Google gõ đúng tên anh, chưa tới một giây, hàng loạt kết quả có cụm từ khóa “nhà thơ Lê Minh Quốc” xuất hiện…

Thế nhưng nếu căn cứ vào Google mà gọi Lê Minh Quốc là nhà thơ thì có lẽ thiệt thòi cho anh quá. Lê Minh Quốc không chỉ là một nhà thơ, anh được báo giới Sài Gòn xem như “nhà của mọi nhà” bởi Lê Minh Quốc gần như “phủ sóng” trên mọi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, từ viết báo đến làm thơ, viết văn, biên khảo, nghiên cứu văn hóa Việt.

quoc-gui-tieu-vu-1.jpg
Lê Minh Quốc hân hoan với tác phẩm của mình - Ảnh: NVCC

Nếu có một kỷ lục cho người có tác phẩm xuất bản nhiều nhất thì có lẽ người nhận sẽ là Lê Minh Quốc. Chưa tính các tập thơ văn, bút ký tiểu thuyết, nhưng riêng ở lĩnh vực nghiên cứu biên khảo Lê Minh Quốc đã có hàng loạt công trình đồ sộ như Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam (NXB Trẻ, 1996), Hành trình chữ viết (NXB Trẻ, 2000), Hỏi đáp Báo chí Việt Nam (NXB Trẻ, 2001), Người Quảng Nam (NXB Trẻ, 2012), Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2021)…

Không chỉ nổi tiếng với “nghề chữ”, ở góc khác của đời thường Lê Minh cũng nổi tiếng là người “chậm có vợ, muộn sinh con” nhất làng văn nghệ thành phố… Rồi một ngày nọ, bất ngờ Lê Minh Quốc thông báo mời đám cưới ai nấy cũng đều ngỡ ngàng. Ở tuổi 59, lần đầu tiên Lê Minh Quốc bước lên xe hoa với một nữ đồng nghiệp. Việc Lê Minh Quốc lấy vợ được báo chí Việt Nam lúc đó gọi là “sự kiện gây sốt cộng đồng mạng văn nghệ sĩ”… Một năm sau Lê Minh Quốc được làm cha khi vừa đúng tuổi 60…

Những ai theo dõi kỹ chặng đường hoạt động nghệ thuật của Lê Minh Quốc cũng dễ dàng nhận ra, việc làm cha ở tuổi 60 là một bước ngoặc lớn trong sự nghiệp và cuộc sống thường nhật của anh. Theo nhà thơ Trần Hoàng Nhân thì từ ngày bé Mì (tên khai sinhLê Minh Quốc Ấn) chào đời, thời gian biểu của Lê Minh Quốc chỉ còn dành cho con. Đến độ mặt mũi hốc hác, hai mắt trũng sâu, râu ria quên cạo để tập trung hết cho bé Mì. Phải đặt mình trong hoàn cảnh của Lê Minh Quốc mới thấu hiểu phần nào sự cực đoan trong tình yêu của ông nhà thơ này dành cho con…”

Vẫn tham gia đều đặn vào việc nghiên cứu văn hóa, viết sách báo, xuất hiện trong các show truyền hình, sự kiện... nhưng Lê Minh Quốc vẫn dành phần lớn thời gian của mình cho con gái đầu lòng. Từ đó, anh em bạn bè với Lê Minh Quốc bắt đầu quen với kiểu Lê Minh Quốc vội vàng vàng cáo từ chỗ này, tạm biệt chỗ kia để về với con gái. Mọi người không ai thấy khó chịu vì điều đó mà còn xem Lê Minh Quốc như là hình mẫu của một “người cha mẫu mực, người chồng tiêu chuẩn của thời đại”.

gia-dinh-nha-tho-le-minh-quoc-8179.jpg
Gia đình nhỏ của Lê Minh Quốc qua nét vẽ của một họa sĩ

Cũng từ những yêu thương dành cho con gái, năm 2019 Lê Minh Quốc đã cho ra đời tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến, 99 bài thơ anh viết tặng con được xem như những trang nhật ký ăm ắp tình yêu của nhà thơ ở tuổi lục tuần… Cuốn sách đã giành Giải thưởng Sách quốc gia 2022.

Nhưng dường như đối với Lê Minh Quốc, tình yêu thương của anh dành cho gia đình, cho con gái là thứ tình cảm không bao giờ được lấp đầy. Và trong nỗ lực vun đắp cao thêm, đầy thêm, nhiều thêm tình yêu dành cho con gái, bước sang năm 2022 Lê Minh Quốc tiếp tục cho ra mắt cuốn tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con. Cuốn tùy bút gồm 3 chương với 20 bài viết bằng ngôn ngữ giản dị bình thường chuyển tải những câu chuyện thường nhật, những tâm tư tình cảm của anh trong những ngày cùng vợ chăm con đã làm rung động biết bao người đọc.

Về tác phẩm của Lê Minh Quốc, nhà thơ Trần Hoàng Nhân chia sẻ: “Tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con vừa rất riêng nhưng cũng rất chung, ở đó không chỉ là chuyện của một gã đàn ông lần đầu được làm cha, mà qua đó có cả không gian và chi tiết giống như nhiều gia đình khác. Các bậc làm cha, làm mẹ luôn cho đi không nghĩ suy tính toán thiệt hơn miễn là con của mình được hạnh phúc. Yêu thương cho nhau không lỗi hẹn bao giờ. Cho nhau cũng chính là nhận lại…”

319099975_858545565298110_8113066032510806969_n.jpg
Lê Minh Quốc và con gái - Ảnh: NVCC 

Ở một góc nhìn khác, Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang đưa ra nhận xét: “Khi đọc Từng ngày ba mẹ thở theo con, trong tay người đọc đang cầm một trong những bí kíp đó. Ai trong chúng ta cũng sẽ nở một nụ cười vô cùng hòa ái mà thừa nhận thông điệp: “Tình yêu của cha mẹ dành cho con là giá trị toàn cầu, phổ biến từ ngàn xưa đến nay và mãi mãi tồn tại”. Một quyển sách mà người cha đã tranh thủ chiếc bánh thời gian đã xé lẻ, chia năm xẻ bảy để ghi nhận tỉ mỉ về năm tháng trao đổi bài học yêu thương với đứa trẻ. Đọc và đồng cảm với hành trình này, ta sẽ nỗ lực tiếp tục làm cha mẹ tốt và răn mình phải luôn là một đứa con yêu kính mẹ cha. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái của mỗi người sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong những bối cảnh xã hội khác nhau, nhưng khi làm cha mẹ tốt là ta đã trao cho con trẻ cơ hội trở thành người khỏe mạnh cả về thể chất và tâm hồn, và có quan hệ con người đầy tình yêu thương…”

Video tóm tắt nội dung sách của Lê Minh Quốc: 

Với tác giả Lê Minh Quốc, cuốn sách Từng ngày ba mẹ thở theo con như là cách để anh lan tỏa những năng lượng tích cực từ gia đình nhỏ của mình đến với cộng đồng. Những câu chuyện anh viết chẳng khác gì cuốn “cẩm nang chăm sóc con nhỏ” cho các ông bố bà mẹ bĩm sữa. Trích đoạn dưới đây là ví dụ: 

Bé chưa biết nói, lúc đau đớn, chỉ cất tiếng khóc làm sao ta có thể an ủi, vỗ về bằng tiếng nói yêu thương để bé yên lòng? Có đưa con vào bệnh viện, giữa chốn đông người ấy mới thấy con trẻ cần mình biết chừng nào. Rất cần. Lúc ấy, trên thế gian rộng lớn này bé chỉ có một nơi bấu víu, chính là cha là mẹ, không ai khác có thể thay thế. Cứ nhìn vào ánh mắt cầu khẩn ắt rõ. Ánh mắt trìu mến, van xin ấy ắt rõ. Thương lắm. Sực nghĩ, mọi hình ảnh, mọi kiệt tác trên đời này, mải mê ngắm nhìn ắt mỹ cảm của ta được thỏa mãn nhưng với con lại không. Ngắm nhìn con mình, kỳ lạ thay, mỗi khoảnh khắc, mỗi lúc ta lại phát hiện ra sự đáng yêu khác, mới mẻ khác, bao giờ cũng tinh khôi”.

Từng ngày ba mẹ thở theo con được hiểu như là tác phẩm của Lê Minh Quốc viết riêng cho con gái bé bỏng của anh, nhưng trong cái riêng đó là câu chuyện của hàng triệu gia đình có con nhỏ khác, mỗi người đọc đều có thể thấy bóng dáng những đứa con yêu quý của họ trong đó trong tác phẩm của Lê Minh Quốc. 

Cảm giác khi có con: “Có trễ tràng, muộn màng quá không?

Hỏi như thế vì bây giờ, tôi mới dám quả quyết một cách chắc chắn: Trên đời này, có tuyệt tác khiến người ta ngắm nhìn mải mê không chán, mạo muội nghĩ rằng chỉ có thể là lúc ngắm nhìn con cái. Đơn giản lúc ấy, họ được nhìn ngắm nhìn lấy hình hài của chính mình đã được tái sinh lần nữa. Cuộc tái sinh có thật dưới gầm trời này, không chỉ một mà có thể đôi ba lần. Điều này đơn giản quá, ai cũng biết nhưng tại sao lúc đã lục thập, tôi mới “ngộ” ra? Có trễ tràng, muộn màng quá không? Không gì muộn màng. Không gì quá sớm. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là đúng lúc, đúng thời điểm. Tự an ủi như vậy, bởi vì rằng, hành trình nuôi con là một chặng đường dài. Bền lòng và nhọc lòng, âu lo và hân hoan”.

Dặn dò con sau này:

“Con hãy là con. Đừng nghĩ về ba. Vì rằng, khi con 18, chững chạc vào đời, lúc ấy ba đã bước qua tuổi “cổ lai hy” (xưa nay hiếm), liệu thân xác mỏi mòn, mệt mỏi ấy còn có ích gì cho con nếu con ỷ lại, dựa dẫm? Con hãy cứ thản nhiên đi vào dòng đời. Cứ sống theo sự lựa chọn của chính con. Đừng sợ hãi. Đừng sợ sống. Cuộc sống này, con ơi, ba cảm nhận rằng nó kỳ lạ mà mầu nhiệm vĩnh hằng. Lúc ngã lòng, con hãy nhớ ngày con sắp đầy tháng, ba từng dặn dò:

Đã yêu thương là gắn kết tấm lòng
Vạn dặm đường dài lên rừng, xuống biển
Vững tin có những người lương thiện
Vẫn cùng mẹ ba nâng bước con đi

Trên trái đất này dù thế nào đi nữa, con hãy tin bao giờ cũng có những lòng lương thiện đồng hành với mình, dù giữa mình và họ chưa hề gặp nhau bao giờ. Ấy là nhân duyên trong sự vận hành của vũ trụ này, giữa con người với con người, vì bất kỳ trong sâu thẳm mỗi người đều hiện hữu lòng nhân. Ba kể cho con nghe câu chuyện nhỏ. Cảm động. Và, ấn tượng về lòng nhân”.

Lê Minh Quốc

Bài liên quan
Nhà thơ Lê Minh Quốc tái xuất với 'Hào khí Đông A'
Lê Minh Quốc là một cây bút đa tài, một nhà thơ đa tình, một họa sĩ cuồng màu... nhưng lại khá nghiêm cẩn khi viết về những vấn đề sử học, nghiên cứu. Đó là lý do vì sao những bộ sách dạng 'lịch sử bỏ túi' của anh xoay quanh những đề tài 'hóc búa' này vẫn được bạn đọc tin cậy. Hào khí Đông A là tái xuất mới của anh đáng được giới thiệu để người yêu sách tìm đọc...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lê Minh Quốc và tùy bút ‘Từng ngày ba mẹ thở theo con’