Càng nhiều giai thoại xung quanh bài thơ "Tiếng thu" với Con nai vàng ngơ ngác, thì càng chứng tỏ bài thơ này thành công. Đơn giản vì chỉ một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thì mới có những giai thoại về nó, xung quanh nó.
Sáng nay, trang Facebook của nhà báo Lưu Trọng Văn có dẫn lại bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa trên báo Thể thao văn hóa cách đây 11 năm để giải oan cho giai thoại văn chương liên quan đến bài thơ Tiếng thu của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư.
Bài viết trên Thể thao văn hóa được Lưu Trọng Văn (con trai thi sĩ Lưu Trọng Lư) dẫn lại đã đặt vấn đề với hoài nghi “Tiếng thu là bài thơ Lưu Trọng Lư đã sao chép của Nhật Bản”, trong đó ông Khoa khẳng định: “Thật là oan cho Lưu Trọng Lư. Ông đã mất lâu rồi, nên không thể thanh minh được. Và nếu còn sống, tôi nghĩ Lưu Trọng Lư có lẽ cũng chả thèm thanh minh, bởi ông chấp gì cái lý sự đó. Tác phẩm của ông sẽ thay ông mà sống. Chỉ có điều, cái sự ngang trái ấy vẫn tiếp tục diễn ra. Bắt đầu là một người vu lên, không biết do lòng đố kỵ hay hiềm khích cá nhân gì đó, hoặc đơn giản hơn, có thể vì một cách hiểu đơn giản nào đó, thế rồi sau đó, bao nhiêu người hùa theo, nói theo, rồi nói mãi, đến nỗi cái sai dần dần thành có lý. Ai nói khác đi thì hùa nhau mạt sát, quy chụp về chính trị, thậm chí đẩy luôn người ta sang phía “địch” để dễ đối xử”.
Đồng thời, ông Trần Đăng Khoa không ngần ngại khẳng định: “Người đầu tiên vu cho Lưu Trọng Lư cái việc làm rất không lấy gì làm đẹp này là ông Nguyễn Vỹ trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến. Cứ như ông Nguyễn Vỹ thì Tiếng thu chính là bài Tanka của thi sĩ Nhật Bản nổi tiếng Sarumaru ở thế kỷ 7”.
Cuối cùng, ông Khoa kết luận: “Mới hay Tiếng thu của Lưu Trọng Lư và Tanka của nhà thơ Nhật Bản Sarumaru là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Vậy mà suốt nửa thế kỷ nay, người ta cứ a dua nhau, người nọ nói theo người kia, cho rằng Lưu Trọng Lư đã sao cóp của nước ngoài. Cái nghi án văn chương rất oan khuất ấy cứ bám riết lấy Lưu Trọng Lư, cho cả đến khi ông đã nằm dưới ba thước đất. Đó là một điều rất đỗi đau xót. Người khảo sát văn bản này, một nhà thơ trẻ biết tiếng Pháp không dám tin ở khả năng ngoại ngữ của mình, đã tìm đến nhà thơ Tế Hanh nhờ thẩm định lại. Khi ấy, Tế Hanh vẫn còn khỏe mạnh. Tế Hanh là một thi sĩ tài đức, người rất giỏi tiếng Pháp, ông đã dịch nhiều thơ thế giới từ bản tiếng Pháp, cũng là người cùng thời với Lưu Trọng Lư. Tế Hanh đã kinh ngạc kêu lên: “Ô lạ nhỉ. Bài thơ này chẳng có gì liên quan đến Tiếng thu. Sao lại đổ vấy cho anh Lư sao cóp?”. Sở dĩ có nghi án ấy, là vì Nguyễn Vỹ. Sau khi phê phán Lưu Trọng Lư lấy thơ Nhật Bản, Nguyễn Vỹ đã đưa ra bằng cớ là bản dịch của mình, nhưng thực ra, Nguyễn Vỹ đâu có dịch, ông lấy luôn bài thơ Lưu Trọng Lư tráo vào rồi kêu ầm lên là bắt được kẻ gian. Những người nhẹ dạ, u mê tin theo thì chúng ta chả trách làm gì, nhưng những nhà thơ từng giỏi tiếng Pháp, những nhà phê bình nghiên cứu có tiếng là uyên thâm, cũng tin theo, rồi nói theo, mà cứ nói đi nói lại mãi”.
Tuy nhiên, Giáo sư Trần Văn Thọ đang sinh sống tại Nhật lại có góc nhìn khác về câu chuyện này. Trong bài viết đăng trên ấn phẩm Xuân 2021 báo Đà Nẵng, Giáo sư Thọ cho biết “Trong tủ sách của tôi cũng có cuốn Văn thi sĩ tiền chiến và chắc đã đọc phần tác giả viết về Lưu Trọng Lư nhưng không hiểu sao tôi không nhớ gì về nghi vấn này”.
Đồng thời, Giáo sư Thọ cung cấp thông tin: “Ở đây có rừng thu, có con nai đạp trên lá vàng và trong bài Tiếng thu cũng có những hình ảnh này. Nhưng cảm nhận về con nai của hai thi sĩ thì khác. Lưu Trọng Lư nghe tiếng nai ngơ ngác đạp trên lá vàng, trong khi Sarumaru Dafu nghe tiếng kêu của con nai trong mùa gọi tình, vang vọng từ rừng sâu. Nguyễn Vỹ trong cuốn sách nói trên cứ khăng khăng rằng Lưu Trọng Lư đã bắt chước bài thơ tanka của Nhật và nói như thế trước mặt tác giả cùng người bạn chung (Nguyễn Xuân Huy) tại nhà trọ của Lưu Trọng Lư ở phố Hàm Long. Cũng theo Nguyễn Vỹ, hôm đó Lưu Trọng Lư đã phản luận rằng bài thơ của mình có phần đầu (hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ) nên không thể nói là giống hoàn toàn. Tôi nghĩ tác giả Tiếng thu chỉ trả lời cho qua chuyện vì cách đặt vấn đề của Nguyễn Vỹ trong buổi gặp của 3 người bạn không có vẻ gì nghiêm túc”.
Như vậy, thông tin từ Giáo sư Trần Văn Thọ cho thấy nghi án văn chương liên quan bài Tiếng thu cũng chỉ là chuyện bông đùa chứ không nặng nề như cách diễn giải của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Và cuối cùng, Giáo sư Trần Văn Thọ nêu ý kiến cá nhân của ông: Theo tôi, nếu Lưu Trọng Lư đọc được bài tanka của Sarumaru (qua bản tiếng Pháp) và mượn hình ảnh “rừng thu, con nai vàng” để sáng tác thì bài thơ của ông vẫn là một kiệt tác trong văn chương Việt Nam. Trong âm nhạc hay thơ văn, người sau lấy cảm hứng từ người xưa để làm nên những tác phẩm mới có giá trị mới là chuyện thường thấy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quan hệ giữa nhà thơ Nguyễn Vỹ và Lưu Trọng Lư là bạn bè, ít nhất là trong bối cảnh câu chuyện nêu trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến. Trong suốt cả phần kể về Lưu Trọng Lư ở cuốn ấy, ông Nguyễn Vỹ luôn kể về nhà thơ Lưu Trọng Lư với góc nhìn của người bạn. Ngay cả phần liên quan đến bài thơ Tiếng thu thì những trao đổi, nghi vấn của ông Nguyễn Vỹ đều trao đổi trong nhóm bạn với sự có mặt của ông Lưu Trọng Lư và dường như họ bông đùa bỡn cợt nhau nhiều hơn. Thậm chí, ông Lư còn nói: “Huy, mầy thấy thằng Vỹ có điên không?” rất vui đùa cùng nhau. Do đó, chúng tôi cho là rất khó dùng chi tiết trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến để quy chụp rằng ông Nguyễn Vỹ vu oan cho người bạn của mình.
Càng nhiều giai thoại xung quanh Tiếng thu với Con nai vàng ngơ ngác, càng chứng tỏ bài thơ này thành công. Đơn giản vì chỉ một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thì mới có những giai thoại xung quanh, giai thoại ăn theo sự nổi tiếng đó. Do vậy, hãy tự hào về một tác phẩm nếu có nhiều giai thoại xung quanh.
Bài "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Và đây là bài thơ cổ tanka, viết năm 893, được cho là của Sarumaru Dafu (không rõ năm sinh, năm mất):
奥山に(Oku yama ni)
紅葉踏み分け(Momiji fumi wake)
鳴く鹿の(Naku shika no)
こえ聞く時ぞ(Koe kiku toki zo)
秋は悲しき(Aki wa kanashiki)Có thể dịch nghĩa như sau:
“Nghe tiếng nai kêu và đạp trên lá phong rẽ lối đi trong rừng sâu, mùa thu buồn làm sao!”
Bản tiếng Nhật
Bản dịch thứ hai là của nhà thơ Karl Petit, in trong cuốn La poésie japonaise (Ed. Seghers), mà theo ông Nguyễn Vỹ, Karl Petit đã dịch đảo ngược, nhưng lại đúng với nguyên văn bản tiếng Nhật:
Aux profondeus de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles d’ e’rable
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi
Ah! que l’ automne m’ est lourdement triste!
Bản tiếng Pháp