Tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp phép cho việc nhận chìm 62.000 mét khối bùn thải từ nạo vét duy tu luồng cảng Sa Kỳ xuống biển xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), đồng thời đang xem xét vị trí đổ thải khoảng 65.000 mét khối từ việc nạo vét luồng hàng hải Dung Quất do Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất.

Lãnh đạo Quảng Ngãi nói gì về việc cho nhận chìm bùn thải xuống biển

Lê Đình Dũng | 02/11/2017, 18:10

Tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp phép cho việc nhận chìm 62.000 mét khối bùn thải từ nạo vét duy tu luồng cảng Sa Kỳ xuống biển xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), đồng thời đang xem xét vị trí đổ thải khoảng 65.000 mét khối từ việc nạo vét luồng hàng hải Dung Quất do Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất.

Vị trí xả thải không ảnh hưởng bãi biển du lịch

Ngày 27.10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký giấy phép cho Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc được nhận chìm 62.000 m3 vật chất từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ xuống vùng biển xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Dự án nhận chìm bùn thải có tổng kinh phí dự toán gần 9 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.

Vật chất được phép nhận chìm bao gồm: cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò và bùn trầm tích. Sẽ có 2 tàu hút bụng tự hành có công suất dưới hoặc bằng 2500 CV, 6 xà lan chuyên dụng vận chuyển vật liệu nạo vét với công suất lớn hoặc bằng 300 m3/01 xà lan vận chuyển. Các vật chất sẽ được nhận chìm theo hình thức mở đáy xả.

Bãi biển Mỹ Khê ở xã Tịnh Khê

Vùng biển xã Tịnh Khê có bãi biển Mỹ Khê, là bãi biển du lịch nổi tiếng của Quảng Ngãi. Trả lời Một Thế Giới về lo ngại việc nhận chìm bùn có gây ô nhiễm cho biển du lịch hay không, ông Nguyễn Quốc Tân, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Vị trí nhận chìm bùn thải được quy hoạch gần khu vực hòn Bàn Than, nằm ở cuối xã Tịnh Khê, cách xa bãi biển Mỹ Khê nên hoàn toàn không ô nhiễm. Khu vực này trước đến nay vẫn đổ thải ra đó”.

Theo ông Tân, việc nạo vét luồng lạch ở cảng Sa Kỳ được làm thường xuyên, khoảng 2 năm một lần. Tuy nhiên bây giờ theo luật mới nên bộ hồ sơ nhận chìm được làm rất kỹ.

“Việc nhận chìm thải sẽ được giám sát bởi một tổ giám sát cộng đồng được thành lập gồm các đơn vị như đại diện địa phương, cảng vụ hàng hải, biên phòng… Đồng thời, trên các tàu vận chuyển cũng lắp đặt camera giám sát hành trình”, Phó giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi cho hay.

Tiếp tục tìm vị trí đổ 65.000m3 bùn thải ở cảng Dung Quất

Theo ông Nguyễn Quốc Tân, vào tháng 10.2016, Cục Hàng hải Việt Nam đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc giới thiệu và chấp thuận vị trí đổ vật liệu nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải Sa Kỳ và luồng hàng hải Dung Quất năm 2017.

Tuy nhiên, do luồng hàng hải Sa Kỳ mang tính cấp bách hơn, vũng quay tàu ra đảo Lý Sơn bị cạn nên tỉnh ưu tiên cho làm trước.

Một tàu vận chuyển tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn

Về luồng hàng hải Dung Quất được giao thực hiện nạo vét duy tu đến chuẩn tắc -12m với khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 65.000m3.

Trong công văn, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị: “UBND tỉnh Quảng Ngãi rà soát, giới thiệu và chấp thuận vị trí đổ vật liệu nạo vét trên bờ gần khu vực nạo vét để phục vụ san lấp mặt bằng, hoặc các mục đích khác, nhằm đảm bảo công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải Sa Kỳ và luồng hàng hải Dung Quất đạt hiệu quả về tính kinh tế-kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cũng như hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát thi công công trình. Qua đó hạn chế tối đa việc đổ vật liệu nạo vét ra biến, góp phần hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường biển”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Tân, dù chủ đầu tư đã đề xuất tỉnh tìm vị trí đổ thải trên bờ nhưng tìm không ra nên chấp thuận cho nhận chìm xuống biển. Sở TN-MT cũng đã có văn bản gửi các đơn vị, sở, ngành địa phương có nhu cầu san lấp mặt bằng đề xuất vị trí đổ vật chất nhưng không đơn vị nào có nhu cầu.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo Quảng Ngãi nói gì về việc cho nhận chìm bùn thải xuống biển