Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, lãnh đạo Trí Việt, Gelex, Đất Xanh… vừa đăng ký mua thêm nhiều cổ phiếu.

Lãnh đạo doanh nghiệp lớn công bố kế hoạch mua cổ phiếu nhằm “đỡ giá”

Hoài Lam | 22/04/2022, 14:46

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, lãnh đạo Trí Việt, Gelex, Đất Xanh… vừa đăng ký mua thêm nhiều cổ phiếu.

Lãnh đạo Trí Việt, Đất Xanh, GELEX… đăng ký mua cổ phiếu

Ngày 22.4, Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (mã chứng khoán TVC) thông báo ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu TVC trong bối cảnh thị trường đang biến động mạnh.

Hiện tại, ông Phạm Thanh Tùng đang nắm giữ khoảng 4,7 triệu cổ phiếu TVC, chiếm 3,96% vốn điều lệ. Nếu thực hiện thành công, ông Phạm Thanh Tùng sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên khoảng 12,39% tương ứng 14,7 triệu cổ phiếu. Tính đến sáng 22.4, cổ phiếu TVC đang giao dịch xung quanh mức giá 11.000 đống/cổ phiếu sau chuỗi giảm sàn liên tục 4 phiên liền.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu TVB và TVC của Chứng khoán Trí Việt giảm sàn liên tục gần đây. Ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt, vừa bị khởi tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Được biết TVB đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp gần đây, mất gần 50% thị giá so với đầu tháng 4. Trong khi đó, TVC cũng chung mạch giảm tương tự, từ vùng giá trên 20.000 đồng xuống còn hơn 10.000 đồng.

Trước đó, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) vừa thông báo đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Tập đoàn Đất Xanh về việc đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu DXG.

Dự kiến giao dịch này sẽ được thực hiện từ ngày 27.4 đến 26.5 tới, theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn hoặc thỏa thuận. Khi hoàn tất, tổng số cổ phiếu DXG do ông Thìn nắm giữ sẽ tăng lên tới gần 105 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu cũng tăng từ 17,22% lên 18,04% vốn điều lệ của tập đoàn.

cp2.jpg
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công bố kế hoạch mua cổ phiếu

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Tuấn thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX (mã chứng khoán GEX) vừa đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu GEX nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 25.4 - 25.5 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Hiện ông Nguyễn Văn Tuấn sở hữu 192.275.997 cổ phiếu GEX, tương đương 22.58% cổ phiếu đang lưu hành. Nếu mua thành công số lượng cổ phiếu đã đăng ký, số cổ phiếu GEX thuộc sở hữu của ông Tuấn sẽ tăng lên 202,275,997 cổ phiếu. Trước đó, trong tháng 11.2021, ông Tuấn cũng đã đăng ký mua thêm 30 triệu cổ phiếu GEX để nâng sở hữu từ 18,75% lên 22,58%.

Giao dịch của CEO GELEX diễn ra giữa lúc cổ phiếu GEX liên tục lao dốc do những tin đồn xoay quanh doanh nghiệp và lãnh đạo. Trước những diễn biến tiêu cực, hôm 12.4, GELEX đã lên tiếng khẳng định mọi hoạt động của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Công ty cho biết "phản đối kịch liệt" những hành vi đưa tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Ngoài ra, hàng loạt cổ đông nội bộ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán LPB) đã đăng ký mua vào cổ phiếu với mục đích tăng sở hữu.

Cụ thể, ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đăng ký mua thêm 23.062 cổ phiếu. Ông Dương Công Toàn - Phó chủ tịch HĐQT đăng ký mua 33.829 cổ phiếu theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Hai phó tổng giám đốc của ngân hàng này cùng một số người nhà của ban lãnh đạo cũng đăng ký mua thêm cổ phiếu LPB. Theo đó, tổng số cổ phiếu LPB được lãnh đạo, người nội bộ và người nhà đăng ký mua vào là hơn 3,5 triệu cổ phiếu.

Hiện cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đang đà giảm giá mạnh liên tiếp trong những phiên gần đây. Chốt phiên giao dịch ngày 20.4, giá cổ phiếu LPB giảm sàn xuống mức 16.050 đồng/cổ phiếu và tiếp tục mất giá trong phiên ngày 21.4.

Đáng chú ý, cổ phiếu LPB xuất hiện một số phiên có giao dịch thỏa thuận giá trị lớn trong tháng 3. Chẳng hạn, phiên 16.3, có gần 47 triệu cổ phiếu LPB được trao tay theo phương thức này với giá 22.400 đồng/cổ phiếu, giá trị hơn 1.051 tỉ đồng. Tiếp đến phiên 21.3, lại có hơn 18,7 triệu cổ phiếu được trao tay với giá 22.400 đồng/cổ phiếu, tương đương 420 tỉ đồng.

Thị trường tụt mạnh, có thể có nhịp phục hồi

Đầu tháng 4, chỉ số VN-Index đạt mức cao lịch sử là 1.524 điểm. Tuy nhiên, đến giữa tháng, liên tiếp các sự kiện bắt giam nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vì thao túng chứng khoán đã đẩy thị trường lao dốc rất mạnh và kéo chỉ số VN-Index rớt khỏi mốc 1.400 điểm.

Kết phiên giao dịch ngày 21.4, VN-Index giảm 14,51 điểm (-1,05%) xuống 1.370,21 điểm. Độ rộng là tiêu cực với 311 mã giảm (92 mã giảm sàn), 58 mã tham chiếu, 132 mã tăng (8 mã tăng trần). HNX-Index giảm 13,43 điểm (-3,53%) xuống 366,61 điểm. Độ rộng là tiêu cực với 189 mã giảm (63 mã giảm sàn), 39 mã tham chiếu, 47 mã tăng (5 mã tăng trần).

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index đã có phiên giảm thứ 6 liên tiếp, lần cuối mà chỉ số này giảm 6 phiên liên tiếp là vào cuối tháng 6.2020. Chỉ báo RSI (14) hiện chỉ ở mức 25 điểm, đây là mức quá bán (<30) xấp xỉ với đợt giảm tháng 7.2020 và thậm chí còn hơn cả mức quá bán vào tháng 1.2021 và tháng 7.2021.

cp.png
Thị trường chứng khoán tụt 6 phiên liên tiếp

Trong khi đó, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng khi chỉ số VN-Index hình thành dấu hiệu đảo chiều ngắn hạn và giao dịch gần vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.350 điểm. Đồng thời, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán tháo ở giai đoạn này vì thị trường có thể sớm xác lập vùng đáy ngắn hạn hoặc sớm xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật.

Ngoài ra, chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps giảm về đường trung bình 200 phiên và có dấu hiệu xuất hiện nhịp hồi phục trong 1, 2 phiên tới, hay nói cách khác là áp lực bán tháo có thể giảm ở những phiên giao dịch tới.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh trong phiên và vẫn ưu tiên đưa margin về mức thấp để tránh tình trạng bị bán giải chấp từ các công ty chứng khoán. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát và chờ đợi dấu hiệu đảo chiều rõ ràng hơn”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo doanh nghiệp lớn công bố kế hoạch mua cổ phiếu nhằm “đỡ giá”