Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các nội dung và quy định về đấu thầu và trong các lĩnh vực y tế cơ bản đã được giải quyết các bất cập. Ban soạn thảo đã lắng nghe từng bệnh viện, từng chuyên gia để tham vấn ý kiến.

‘Lắng nghe từng bệnh viện, từng chuyên gia để hoàn thiện quy định đấu thầu liên quan lĩnh vực y tế’

Sơn Lam | 25/05/2023, 07:00

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các nội dung và quy định về đấu thầu và trong các lĩnh vực y tế cơ bản đã được giải quyết các bất cập. Ban soạn thảo đã lắng nghe từng bệnh viện, từng chuyên gia để tham vấn ý kiến.

Cần quy định chỉ định thầu trong trường hợp khẩn cấp

Về chỉ định thầu, điểm c khoản 1 Điều 23 quy định "việc chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, tránh nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân".

Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho hay, qua đại dịch COVID-19 cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vắc xin, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng, các quy định về quản lý đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập.

dau-thau.jpg
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, bà Kiều đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự án luật nội dung khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) cho biết dự thảo vẫn chủ yếu quy định đối với hoạt động đấu thầu trong tình trạng bình thường, chưa đủ chặt chẽ và cụ thể để đảm bảo thực hiện công tác đấu thầu trong các trường hợp khẩn cấp như là chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.

Theo bà An, thực tiễn thời gian vừa qua, việc áp dụng Luật Đấu thầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đã cho thấy sự bất cập lớn khi các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra buộc các đơn vị phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục về đấu thầu. Trong khi, tại thời điểm mua sắm tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đòi hỏi phải đáp ứng kịp thời để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

song-an.jpg
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An)

“Từ thực tiễn nêu trên, tôi đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo luật quy trình, trình tự, thủ tục đấu thầu đối với các trường hợp cấp bách, bất khả kháng như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh để nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức căn cứ thực hiện, tránh trường hợp sau khi thực hiện lại có những cách hiểu khác nhau”, bà An nêu.

Cần hướng dẫn rõ ràng để tránh áp dụng tùy tiện chỉ định thầu

Bà Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng quy định này là rất cần thiết trong thực tế, tuy nhiên có một số thuật ngữ nội dung quy định chưa rõ về nội hàm, khái niệm thế nào là "gói thầu cần triển khai ngay", có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu. Cụm từ "cần triển khai ngay" được quy định tại Luật Đấu thầu từ năm 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo bà Hà, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 "chỉ định thầu được áp dụng cho gói thầu chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường, do yêu cầu về giải pháp công nghệ" là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Điều 28 cũng tại dự thảo luật này "đàm phán giá được áp dụng với các gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế chỉ có 1 hoặc 2 hãng sản xuất".

“Như vậy, với gói thầu chỉ có duy nhất 1 hãng sản xuất trên thị trường sẽ áp dụng đàm phán giá hay chỉ định thầu? Luật cần quy định rõ trường hợp nào áp dụng đàm phán giá, trường hợp nào áp dụng chỉ định thầu, để các đơn vị khi tổ chức mua sắm áp dụng đúng quy định pháp luật, bởi vì 2 hình thức này có phương thức xác định giá gói thầu rất khác nhau”, bà Hà nói.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế, bà Hà cho rằng điều 55 là điều khoản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành y tế, tuy nhiên về tổng thể những nội dung quy định tại điều này tương đối phức tạp và khó áp dụng trong thực tế.

ha(1).jpg
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội)

“Đối với điểm a khoản 1 Điều 55, có thể hiểu đây là hình thức lựa chọn nhà thầu với trường hợp máy mượn, máy đặt. Mặc dù vậy nội dung diễn đạt trong quy định chưa đầy đủ, bởi trên thực tế đối với trường hợp này, bên cạnh yêu cầu của chủ đầu tư còn có chính sách của nhà cung cấp. Ngoài ra, quy định việc nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu chỉ chuyển giao quyền sử dụng là chưa rõ tính chất của quan hệ, vì có thể là cho thuê hoặc cho mượn, trong khi thực tiễn nhà cung cấp là cho mượn”, bà Hà nói và đề xuất bổ sung thêm chính sách của nhà cung cấp và quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc trong đấu thầu y tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, vấn đề tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực y tế là một nội dung mà các đại biểu rất quan tâm và yêu cầu phải có một giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc.

“Ở đây tôi xin nhấn mạnh, bên cạnh một số vướng mắc trong thời gian vừa qua trong quy định của luật thì hầu hết những vướng mắc lại chủ yếu phát sinh từ tổ chức thực hiện hay thi hành hoặc là những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của nghị định và thông tư”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, có một số vấn đề ở luật, nhưng trên thực tế thì khâu tổ chức thực hiện không tốt, do một số quy định trong các nghị định cũng chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ, đồng bộ và do một số quy định, thông tư gây khó khăn. Vừa qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc này thông qua rất nhiều các nghị quyết mà gần đây nhất là Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đã cơ bản giải quyết được một số vấn đề này.

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo luật đã có một chương riêng và cũng có rất nhiều điều khoản để quy định các vấn đề liên quan đến y tế và theo hướng là tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện; tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp với cả tính đặc thù chuyên môn của ngành; bổ sung quy định cho việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu của nhà thầu hay chúng ta gọi là mô hình máy đặt, máy mượn lần này cũng được quy định hết…”, ông Dũng nêu.

Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng các nội dung và quy định về đấu thầu và trong các lĩnh vực y tế đến nay cơ bản đã được giải quyết các bất cập.

“Chúng tôi đã phải tổ chức rất nhiều cuộc để nghe từng bệnh viện, từng chuyên gia để tham gia xem còn vấn đề gì để cố gắng nghiên cứu đưa đầy đủ vào đây. Tuy nhiên, hôm nay cũng có một số đại biểu có phát biểu bổ sung thêm thì chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp để làm sao hoàn thiện được đầy đủ hết tất cả những vấn đề liên quan”, ông Dũng nói.

Có đại biểu phát biểu về mua sắm tập trung ở Điều 53 khoản 1 điểm a là "trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung", đại biểu nói rằng nên bỏ khoản này. Tôi có một câu hỏi vậy thì lấy thuốc đâu để điều trị cho bệnh nhân bệnh hiếm, một thực tiễn đã hàng chục năm ở nhiều bệnh viện và cá nhân tôi cũng thấy rất thấm thía điều đó.

Khi tôi hỏi những bác sĩ ở dưới là tại sao không điều trị cho bệnh nhân thì họ bảo là bọn em không có thuốc, hỏi tại sao không mua cho bệnh nhân, trả lời là thưa thầy đấu thầu ít quá, 3 lọ, 5 lọ người ta không bán. Bây giờ ở Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu chung cho cả nước, 3 lọ, 5 lọ, 50 lọ, 100 lọ… cộng lại được một gói thầu lớn thì mới có nhà cung cấp.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Hà Nội

Bài liên quan
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Lắng nghe từng bệnh viện, từng chuyên gia để hoàn thiện quy định đấu thầu liên quan lĩnh vực y tế’