Đa số thương nhân nước ngoài đến Long An mua thanh long đưa về nước, họ là người làm ăn kiếm lời. Họ hiểu thị trường chúng ta quá sâu, trong khi ta hiểu thị trường của họ quá ít

Làm gì khi thương nhân nước ngoài xâm nhập sâu vào thị trường nông sản?

Văn Kim Khanh | 02/04/2022, 13:38

Đa số thương nhân nước ngoài đến Long An mua thanh long đưa về nước, họ là người làm ăn kiếm lời. Họ hiểu thị trường chúng ta quá sâu, trong khi ta hiểu thị trường của họ quá ít

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho rằng: “Chúng ta hay đổ thừa về thương nhân nước ngoài thâm nhập sâu, thao túng giá, lũng đoạn thị trường nông sản, điều đó cũng có. Tuy nhiên, khi nông sản gặp khó khăn về đầu ra, chúng ta cần nhìn lại cách làm ăn của nông dân mình, ngành nông nghiệp phải sớm chấn chỉnh nhiều mặt để nông sản Việt Nam vươn xa trong tương lai”

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, hiện nay thanh long xuất khẩu loại 1 lên giá 10.000 đồng/kg. Hết hàng, lượng cung ít thì nó lên giá. Nếu chúng ta có cách cân đối mùa vụ thanh long một năm thu hoạch 2 vụ thay vì 5 vụ như hiện nay, giá thanh long xuất khẩu sẽ tăng cao trở lại.

canh-tac-tiep-tuc-lo.jpg
Long An, nơi có diện tích thanh long gần 123.00ha. Ảnh: VKK

Từ chuyện thanh long lên giá xuống giá như hiện nay, chúng ta trở lại chuyện lưu truyền trong dân lâu nay, “Thương nhân Trung quốc xâm nhập sâu thị trường nông sản”. Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết: "Hiện nay thương nhân nước ngoài họ thuê kho. Họ có đường dây xe tải vận chuyển hàng. Họ mua thanh long tận ruộng. Mỗi vụ thanh long, họ có thể biết được sản lượng chúng ta thu hoạch bao nhiêu. Vì vậy, họ định giá, thu mua, người trồng thanh long xem như nắm đằng chuôi”.

images.jpg
Nhiều kho thanh long ở Long An do thương nhân nước ngoài thuê để đóng hàng xuất khẩu. Ảnh: TL

Phản ánh thực tế này, ông Lê Văn Tám, xã viên HTX Bình Quới cho rằng, hiện nay phía thương nhân Trung Quốc mua thanh long đòi hỏi phải có chứng chỉ VietGap, truy xuất nguồn hàng hóa nông sản xuất khẩu, phải giữ cho trái đẹp, không bị dập... Nếu đạt các tiêu chuẩn trên, giá đầu tư trồng thanh long khoảng 13.000 đồng/kg giá vốn. Họ mua loại tốt mới chỉ với giá 10.000 đồng/kg. Các xã viên trồng thanh long vẫn bị lỗ.

Thật vậy, tại Long An hiện nay người Trung Quốc họ qua “ăn dầm, nằm dề” thu mua thanh long đóng container chở về Trung Quốc. Họ thuê kho, họ cho người đến tận vườn mua mão thanh long khi thu hoạch. Với thanh long loại 1, họ cho trải thảm để trái thanh long khỏi bầm dập, để xuất khẩu bán được giá cao. Với những cách làm này người trồng thanh long thấy bất an khi nghĩ rằng họ can thiệp sâu vào nông sản nước ta. Họ đạp giá thanh long xuống thấp vì lợi nhuận?

ben-xe-tan-thanh.jpg
Cửa khẩu đóng mở bất chợt đang làm khổ người trồng thanh long. Ảnh: TL

Phân tích vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho rằng: “Nói cho công bằng, đa số thương nhân nước ngoài đến Long An mua thanh long đưa về nước, họ là người làm ăn kiếm lời. Chuyện phổ biến hiện nay họ hiểu thị trường chúng ta quá sâu, trong khi ta hiểu thị trường của họ quá ít. Họ muốn kiếm lợi nhuận. Thị trường chập chờn kiểu Trung Quốc nay đóng mai mở cửa bời chính sách Zero F0 của Trung Quốc, bản thân họ cũng bị thiệt hại nặng. Như vậy, để hạn chế những thiệt hại về giá thanh long khi xuất khẩu, hiện nay chúng ta cần chấn chỉnh về diện tích, mùa vụ, thị trường tiêu thụ đa dạng, chế biến sản phẩm thanh long. Cuối cùng còn là  khâu sản xuất đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo yêu cầu thị trường. Có như thế, chuyện thanh long trên thị trường mới ổn định".

klbt.jpg
Lựa khoai trước khi đi cân. Ảnh: VKK

Thói quen của nông dân ĐBSCL từ lâu ai cũng rõ. Nghe nói khoai lang đang trúng giá., vậy là nhà nhà trồng khoai lang, người người trồng khoai lang. Nghe nói thanh long xuất khẩu trúng giá, vậy là người người liên liếp trồng khoai lang xuất khẩu. Không biết ngày mai thị trường nông sản mình trồng ra sao? Không biết bán cho ai nếu số lượng trồng ra quá lớn?

klbi2nh-tan.jpg
Khoai lang Bình Tân. Ảnh:  Văn Kim Khanh

Tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long trước đây khoảng 15 năm. Khoai lang tím Nhật xuất khẩu qua Trung Quốc được giá. Vậy là người người trồng khoai lang, nhà nhà trồng khoai lang. Từ 5.000 ha khoai lang của huyện hằng năm, không lâu diện tích khoai tăng lên 12.000ha. Rồi khủng hoảng thừa, rồi có thông tin thương nhân nước ngoài kết hợp với thương lái địa phương đạp giá khoai xuống thấp vì lợi nhuận.. Rồi nhiều người trồng khoai thua lỗ khi xuất khẩu ùn ứ...

Chung quanh chuyện thương nhân nước ngoài xâm nhập sâu thị trường nông sản nước ta, ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Nhìn chung, thương nhân nước ngoài họ đến tận địa phương thu mua nông sản là chuyện bình thường. Vấn đề là họ làm ăn sòng phẳng và chấp hành pháp luật Việt Nam. Giá nông sản lên xuống là do thị trường, họ cũng không thao túng được đâu. Nền nông nghiệp của chúng ta vẫn còn quen theo cách làm cũ, chưa hiện đại. Nông dân còn trồng cây gì, nuôi con gì theo phong trào. Chúng ta chưa làm theo kiểu nông nghiệp hiện đại, nuôi trồng theo hợp đồng, hợp tác, xuất khẩu đến thị trường nào theo tiêu chuẩn của họ để ta điều chỉnh sản xuất. Chính vì vậy, trước khi trách người, chúng ta nên trách mình đã cố gắng trước nhu cầu của các nước khi họ nhập nông sản chưa. Ngay bây giờ, nông dân với ngành nông nghiệp phải đổi mới khi muốn xuất hàng qua Trung Quốc. Vì họ đang nâng cao yêu cầu nhập khẩu nông sản theo chuẩn mới”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì khi thương nhân nước ngoài xâm nhập sâu vào thị trường nông sản?