Festival tôm Cà Mau 2023 là cơ hội "quý như vàng" giúp cho con tôm của địa phương vươn ra thị trường quốc tế.

Làm gì để con tôm Cà Mau vươn ra thị trường quốc tế?

Trần Quốc Khải | 22/11/2023, 14:09

Festival tôm Cà Mau 2023 là cơ hội "quý như vàng" giúp cho con tôm của địa phương vươn ra thị trường quốc tế.

Vùng đất Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật nổi tiếng, trong đó có con tôm. Từ lâu, tôm ở vùng đất cực nam này là ngành hàng chủ lực giúp người dân làm giàu và có đóng góp quan trọng vào kinh tế địa phương.

2-mo-hinh-tom-rung-dat-tieu-chuan-quoc-te-o-xa-vien-an-dong-mang-lai-hieu-qua-on-dinh-cho-nguoi-dan.jpg
Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ở Cà Mau đã đạt tiêu chuẩn quốc tế về tôm sạch

Đa dạng hóa cách nuôi theo tiêu chuẩn tôm sạch

Tỉnh Cà Mau có hơn 300.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với nhiều mô hình nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế như: lúa – tôm sú đạt tiêu chuẩn ASC đầu tiên ở Việt Nam tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình; tôm sinh thái dưới tán rừng đạt các chứng nhận quốc tế Naturland, EU Organic, Canada Organic, BAP, Selva Shrimp về tôm sạch...

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau là địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Tỉnh có chiều dài bờ biển trên 254km với ba mặt giáp biển, có hơn 80 cửa sông thông ra biển chịu ảnh hưởng bởi 2 chế độ triều đặc trưng của vùng biển Đông và biển Tây. Phần lớn diện tích đất của Cà Mau đều có nguồn nước với chất lượng khá tốt, đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi tôm.

Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp, với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P...).

Đây là thế mạnh của tỉnh Cà Mau, góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới trong thời gian qua. Từ tiềm năng, lợi thế, giá trị tạo ra con tôm Cà Mau đã có đóng góp quan trọng, có vai trò quyết định cho sự phát triển của ngành hàng tôm Việt Nam ở cả hiện tại và tương lai.

1.jpg
Tôm sinh thái đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp đời sống người dân ổn định hơn - Ảnh: camau.gov.vn

Ông Trần Minh Trí, ngụ ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, ông áp dụng mô hình tôm rừng sinh thái theo hướng hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế khoảng 6 năm nay. Tôm ông Trí nuôi được thương lái thu mua cao hơn giá thị trường từ 1.000 – 3.000 đồng/kg. Để bán được giá cao, tôm phải đạt tiêu chuẩn sạch, có ghi nhật ký nuôi, nguồn nước trong vuông tôm phải sạch...

“Quá trình nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế, người nuôi phải thực hiện đúng cam kết với đơn vị thu mua như không được sử dụng các chất cấm; không nuôi gia súc, gia cầm sả thải ra ao nuôi. Định kỳ, có nhân viên của đơn vị thu mua đến từng hộ để khảo sát, kiểm tra vùng nuôi; nông dân được hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm và tổ chức nhiều buổi tập huấn. Việc xây dựng mô hình nuôi này đã tạo được chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra nên người nuôi rất an tâm”, ông Trí cho hay.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú cho biết, Viên An Đông là xã trọng điểm nuôi tôm rừng đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu. Địa phương hiện có 521 hộ dân với diện tích nuôi 2.436ha đạt chứng nhận EU Organic.

Ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Đông đánh giá, mô hình nuôi tôm rừng theo tiêu chuẩn quốc tế ở địa phương mang lại hiệu quả cao, giúp người nuôi ổn định cuộc sống. “Bên cạnh những tiện ích mà mô hình tôm rừng mang lại, những hộ nuôi tôm còn được chi trả phí dịch vụ môi trường rừng với 500.000 đồng/ha/năm. Tuỳ theo nhu cầu của người dân, bà con có thể nhận chi trả bằng con giống hoặc tiền mặt. Hiện địa phương quản lý chặt chẽ vùng nuôi, trên địa bàn không có hộ nuôi công nghiệp để tránh làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái nuôi tôm theo tiêu chuẩn sạch”, ông Hảo nói.

2-sau-95-ngay-tha-nuoi-hien-dan-tom-cua-anh-binh-dat-trong-luong-30-conkg.jpg
Nuôi tôm sạch không sử dụng đang trở thành xu hướng của người nuôi tôm Cà Mau

Hiện nay, tôm sạch không sử dụng chất cấm và chất kháng sinh nên được thế giới rất ưa chuộng và có nhu cầu sử dụng lớn. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện đã xuất hiện mô hình nuôi tôm bằng thảo dược rất hiệu quả. Theo người nuôi, mô hình này giúp bảo vệ môi trường nuôi sạch mầm bệnh, giúp tôm sinh trưởng, phát triển tốt và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Anh Nguyễn Thanh Bình, ngụ huyện Năm Căn – người nuôi đầu tiên áp dụng nuôi tôm bằng thảo dược ở Cà Mau xác định: “Bảo vệ môi trường là bảo vệ hệ sinh thái trong tự nhiên được phát triển theo hướng bền vững. Nếu môi trường bị ô nhiễm thì việc chăn nuôi không hiệu quả do xuất hiện nhiều mầm bệnh gây hại cho tôm. Chính vì thế, tôi chọn cách phòng bệnh hơn là trị bệnh và việc nuôi tôm bằng thảo dược là lựa chọn tối ưu của tôi”.

Theo anh Bình, mặc dù việc nuôi tôm bằng thảo dược vất vả hơn việc nuôi bằng kháng sinh, nhưng bù lại anh có được sản phẩm sạch để cung ứng ra thị trường. “Nuôi tôm bằng thảo dược không hề đơn giản do phải kiểm soát con tôm liên tục nên đòi hỏi người nuôi phải kiên trì và am hiểu. Thảo dược giúp tôm ngừa bệnh và tăng sức đề kháng là chủ yếu, khi cần vẫn sử dụng kháng sinh nhưng ở một tỉ lệ vừa phải. Hiện tôi có mấy dòng thảo dược sử dụng trong nuôi tôm để thay thế kháng sinh. Cứ khoảng 5 ngày tôi trộn thảo dược vào thức ăn cho tôm một lần. Giờ người nuôi tôm nhiều nên môi trường ngày càng phức tạp. Do đó mình phải giữ gìn môi trường nuôi để tránh bị ô nhiễm”, anh Bình chia sẻ thêm.

Tôm Cà Mau – nâng tầm thương hiệu Việt

Với người dân Cà Mau, con tôm là sinh kế vừa giúp người dân làm giàu. Đến nay, thương hiệu tôm Cà Mau đã trở nên nổi tiếng, được thị trường thế giới ưa chuộng. Nghề làm tôm khô ở Cà Mau đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên người dân rất tự hào.

Ngày 10.12, lần đầu tiên tỉnh Cà Mau tổ chức Festival tôm với quy mô cấp khu vực.

Đây là cơ hội để con tôm Cà Mau vươn xa hơn ra thị trường quốc tế. Sự kiện được xem là bước đột phá của địa phương trong việc giới thiệu, quảng bá các sản từ phẩm con tôm. Thúc đẩy, phát huy tiềm năng, thế mạnh về ngành hàng tôm của Cà Mau nhằm đẩy mạnh mời gọi hợp tác đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

3-nho-duoc-nuoi-bang-thao-duoc-nen-tom-rat-khoe-manh.jpg
Nuôi tôm bằng thảo dược góp phần gìn giữ môi trường nuôi không bị ô nhiễm

Hiện tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Festival tôm Cà Mau 2023 là sự kiện lớn được tổ chức với quy mô khu vực. “Thông qua sự kiện, địa phương hướng đến xây dựng các thương hiệu ngành tôm Cà Mau. Sự kiện thu hút gần 400 gian hàng tham gia trưng bày triển lãm, thương mại, gian hàng ẩm thực, thiết bị, dây chuyền, quy trình, công nghệ chế biến tôm; sản phẩm tôm chế biến công nghiệp, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm; thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong thuỷ sản; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái; sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, sạch bệnh”, ông Vũ thông tin.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, Festival tôm 2023 được tổ chức với kỳ vọng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu tôm Cà Mau và các sản phẩm OCOP của địa phương đến du khách trong và ngoài nước. Góp phần phát triển các ngành nghề, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, thương mại, công nghệ, chế biển tôm và các sản phẩm phụ phẩm từ tôm.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
7 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để con tôm Cà Mau vươn ra thị trường quốc tế?