Lật giở các loại từ điển Hán Việt, không thấy từ “đăng cơ”. Tẩn mẩn tìm trong những từ điển thuần Việt, cũng không có “đăng cơ”. Vậy các nhà báo lấy nó từ đâu để dùng trong trường hợp tân vương Nhật? Chịu.

Làm gì có đăng cơ

02/05/2019, 07:39

Lật giở các loại từ điển Hán Việt, không thấy từ “đăng cơ”. Tẩn mẩn tìm trong những từ điển thuần Việt, cũng không có “đăng cơ”. Vậy các nhà báo lấy nó từ đâu để dùng trong trường hợp tân vương Nhật? Chịu.

Thái tử Naruhito đăng quang, mở đầu triều đại mới niên hiệu Lệnh Hòa ở nước Nhật - Ảnh: Internet

Thế giới hai ngày qua (30.4, 1.5) nhiều sự kiện nóng. Nóng nhất là tình hình chính trị biến động ở xứ Venezuela tận Nam Mỹ khiến những ai quan tâm thời sự quốc tế phải theo dõi từng giờ từng phút. Và chuyện nữa ở nước Nhật Bản, dân ta quen gọi là xứ Phù Tang, hoặc xứ Mặt trời mọc, là nhà vua thoái vị, nhường ngôi cho con.

Đối với nước Nhật và dân Nhật, đó là sự kiện trọng đại, lễ trọng, mấy chục năm, thậm chí hơn nửa thế kỷ mới xảy ra một lần. Điều rất đáng lưu ý về sự kiện này ở chỗ hoàng gia, chính quyền và người Nhật tổ chức lễ trọng rất giản dị, gọn gàng mà vẫn nghiêm trang, gây ấn tượng mạnh về tính cách Nhật. Lễ thoái vị của cựu vương, Nhật hoàng Akihito rời ngôi báu, chỉ diễn ra trong 10 phút vào ngày 30.4, rất cảm động. Lễ đăng quang, lên ngôi vua của tân vương, Nhật hoàng Naruhito cũng rất ngắn gọn, chỉ 10 phút, ngày 1.5, mở đầu một triều đại mới có tên Lệnh Hòa (sự tươi đẹp).

Ở Việt Nam, hầu hết các tờ báo, trong mục thời sự đều thông tin về sự kiện Nhật Bản hiếm có này. Chỉ có điều, không biết xuất phát, xuất xứ từ đâu, mà rất nhiều báo, kể cả những tờ lớn có uy tín hoặc đông đảo bạn đọc như Thanh Niên, Zing, Thế Giới, Dân Trí, Ngôi Sao… đều tường thuật, miêu tả sự lên ngôi của thái tử Naruhito bằng từ “đăng cơ”, chẳng hạn: lễ đăng cơ, tân vương đăng cơ, thái tử Naruhito đăng cơ, v.v..

Rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có từ “đăng cơ” ấy. Ít người đọc quan tâm tới nghĩa của từ đó nên cứ vui vẻ chấp nhận. Chả nhẽ đây là một kiểu cách sáng tạo ngôn ngữ, bổ sung từ vựng vào kho tiếng Việt?

Lật giở các loại từ điển Hán Việt, không thấy từ “đăng cơ”. Tẩn mẩn tìm trong những từ điển thuần Việt, cũng không có “đăng cơ”. Vậy các nhà báo lấy nó từ đâu để dùng trong trường hợp này? Chịu.

Trong chế độ phong kiến, hoặc ở các nước còn chính thể quân chủ, mỗi khi có vua mới, người ta làm lễ, gọi là lễ “đăng cực”, lễ này còn được gọi theo cách phổ biến, trang trọng là “đăng quang”. Đối lập với đăng quang là thoái vị. Nếu vua cũ (cựu vương) rời ngôi để nhường cho con-cháu thì gọi là “thoái vị”. Thoái vị cũng có thể do tự nguyện hoặc bị ép buộc. Tháng 8.1945, cách mạng vô sản thành công, chấm dứt triều đại phong kiến từng tồn tại cả nghìn năm ở nước ta. Vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, và cũng là của chế độ phong kiến Việt Nam, đã bị buộc thoái vị (rời ngôi, rút lui khỏi ngôi vua), nộp ấn-kiếm tượng trưng quyền lực cho phe cách mạng và “trở thành công dân một nước độc lập, dân chủ, cộng hòa”.

“Đăng” theo từ điển Hán Việt là trèo lên, leo lên, bước lên. Đăng đài là bước lên đài, đăng sơn là leo lên núi. Cụ Hồ Chí Minh sau khi được thả ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch tháng 9.1943 đã viết bài thơ Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi) gửi về cho các đồng chí ở nhà để báo tin mình còn sống và đã tự do. “Cực” là từ Hán Việt, có nghĩa chỗ cao nhất, ngôi vua. Trên đời, vua là cao nhất. Ngôi vua cao nhất trong xã hội, vì vậy gọi là “cực”. Hai đầu mỏm của trái đất, nơi cao nhất, xa nhất ở phía bắc và phía nam được gọi là Bắc cực, Nam cực. Cực đỉnh là đỉnh cao nhất. Cực lạc (từ dùng của nhà phật) là nơi đỉnh cao vui sướng nhất. Với những người leo núi, trèo lên tới đỉnh Chomolungma dãy Himalaya hoặc đỉnh Fanxipan dãy Hoàng Liên Sơn tức là đã tới cực.

“Quang” là ánh sáng, sáng suốt, vẻ vang. Theo quan niệm xưa, vua chính là ánh sáng, là sáng suốt nhất thiên hạ. Vì vậy, quang cũng có nghĩa là vua.

Đăng cực là lên (đăng) ngôi vua (cực). Đăng quang cũng có nghĩa như thế, lên (đăng) ngôi vua (quang). Để nói về trường hợp vị vua mới nào đó lên ngôi, người ta dùng từ đăng quang cho trang trọng.

Không ai dùng từ “đăng cơ” để nói về vua lên ngôi, trừ mấy tờ báo thời nay. “Cơ” là từ Hán Việt, có nghĩa nền nhà, cái gốc, cái then cài, bộ phận trọng yếu của thứ gì đó… Không hề có nghĩa nào liên quan tới nhà vua, ngôi vua. Khi viết “thái tử Naruhito đăng cơ” chỉ thời nay mới ít nhiều hiểu đó là sự lên ngôi vua, nhưng về mặt ngôn ngữ thì sự sáng tạo đó đã góp phần đưa tiếng Việt vào ngõ cụt.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì có đăng cơ