"MC quốc dân" chia sẻ kim chỉ nam trong cuộc đời làm nghề, làm người của anh chính là hướng đến "sự tử tế". Do đó, Lại Văn Sâm tự nhận mình không ham tiền, ham quyền.

Lại Văn Sâm: 'Tôi không tham tiền, tham quyền, chỉ thích ăn cơm nhà vợ nấu'

bai cao | 09/09/2017, 08:31

"MC quốc dân" chia sẻ kim chỉ nam trong cuộc đời làm nghề, làm người của anh chính là hướng đến "sự tử tế". Do đó, Lại Văn Sâm tự nhận mình không ham tiền, ham quyền.

"MC quốc dân" chia sẻ kim chỉ nam trong cuộc đời làm nghề, làm người của anh chính là hướng đến "sự tử tế". Do đó, Lại Văn Sâm tự nhận mình không ham tiền, ham quyền.Kể từ khi chính thức rời VTV3, MC - Nhà báo Lại Văn Sâm từ chối nhiều lời đề nghị phỏng vấn. Anh bảo: "Tôi nghỉ hưu, có gì mà nói".

Mãi đến khi nhận lời dẫn dắt chương trình Little Big Shots phiên bản Việt, anh mới đồng ý gặp gỡ.Đơn giản, lần này Lại Văn Sâm có nhiều điều để chia sẻ.

Anh đến điểm hẹn đúng giờ, đơn giản và cởi mở, lạc quan, thậm chí có phần dễ tính so với những gì mọi người suy nghĩ về một cái tên quá lừng lẫy trong làng truyền hình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả trong chuyến công tác miền Nam lần này, Lại Văn Sâm có bà xã đi cùng. Người phụ nữ của MC Ai là triệu phú trước nay được xem như một "bí ẩn". Tuy nhiên, kể từ khi về hưu, hay nói vui theo cách Lại Văn Sâm là từ khi "được làm người", anh mới thoải mái dẫn vợ đi cùng mỗi chuyến công tác.

Suốt buổi trò chuyện, anh thỉnh thoảng lại đưa ánh mắt về phía vợ để cẩn thận "check" những thông tin về cậu con trai, hay đơn giản là tìm sự đồng tình bằng câu nói nhẹ nhàng: "Đúng không, Hường nhỉ?".

Con trai anh - Lại Bắc Hải Đăng - từng rất thành công trong vai trò MC của Vườn cổ tích, đạo diễn Đồ Rê Mí. Việc anh làm host Little Big Shots có phần nào do gợi ý của con?

- Nó còn không biết tôi nhận lời. Sáng hôm sau, hai bố con ngồi uống cà phê, tôi mới kể vừa nhận lời một chương trình dành cho trẻ con. Khi biết tôi làm phiên bản Việt của Little Big Shots, nó liền thốt lên: “Đây là chương trình mà con rất thích. Con vẫn hay nói nếu chọn một nơi để quay lại dẫn thì đây là chương trình duy nhất con sẽ nhận”.

Hải Đăng là fan của show này và xem rất nhiều. Không biết chừng nếu tôi chưa nhận lời, cậu ấy lại ngăn cản để “tranh” làm với bố.

Nó cũng có nói một câu bông đùa nhưng tôi biết trong đó vẫn có ý thật lòng rằng: “Bố hỏi nhà sản xuất xem có số đặc biệt nào để hai bố con cùng dẫn chung có khi lại hay”. Đăng là đứa nhìn nhận mọi thứ rất tinh tế nên tôi nghĩ rằng có sự tin tưởng nhất định dành cho bố.

Khi Little Big Shots Vietnam công bố Lại Văn Sâm là người dẫn, khán giả bình luận họ thở phào nhẹ nhõm vì may mắn không phải Trường Giang, Trấn Thành... Anh nói gì về điều này?

- Tôi sau khi xem một vài tập của chương trình đã nói ngay với vợ: “Tại sao họ không gọi Đại Nghĩa, Xuân Bắc hay Trấn Thành?”. Tôi nghĩ nếu chọn những gương mặt này thì “ăn” ngay lập tức, lại hoàn toàn đáp ứng đúng yêu cầu của phiên bản gốc là người dẫn là diễn viên hài.

Các bạn tôi nói trên vừa dí dỏm vừa quen làm việc với trẻ con, sẽ có lợi thế trong việc khai thác các em cũng như tạo những khoảnh khắc gây cười. Khi gặp nhà sản xuất và chuyên gia đến từ Anh, tôi cũng bày tỏ suy nghĩ này.

Nhưng họ chia sẻ đây không phải là chương trình hài. Mặt trời bé con đúng là chương trình giải trí nhưng không phải nơi chọc cười khán giả, càng không được phép lấy trẻ con ra làm trò vui cho người xem. Nó phải ở cấp độ nào đấy cao hơn thế. Đôi khi nói với trẻ em, nhưng đôi khi cũng nói với người lớn.

Ở khía cạnh nào đó, các bạn kia quá quen thuộc qua hàng loạt chương trình tài năng nhí, nên việc mời tôi cũng là một tính toán để “lạ” và mới hơn.

Kèm theo đó, công chúng tất nhiên cũng đặt kỳ vọng chương trình mà Lại Văn Sâm làm host sẽ có “có tâm, có tầm và đẳng cấp hơn hẳn”, anh có bị áp lực?

- Tôi từng giữ thái độ bình thản thì bây giờ đã bắt đầu cảm nhận được những áp lực qua câu hỏi này. Lần này áp lực không đến từ lãnh đạo VTV mà là từ khán giả. Thông tin bạn vừa nói thật sự “khủng bố” tinh thần tôi đấy.

Bao giờ cũng thế, khán giả luôn tìm ra lý do để đặt sự kỳ vọng khi có chương trình mới. Còn tôi lại không nghĩ ai đó có để đáp ứng được tất cả kỳ vọng của mọi người, Lại Văn Sâm cũng không ngoại lệ.

Có người thích, có người không thích, thậm chí có nhiều người không chịu nổi tôi, đó cũng là chuyện bình thường. Phần tôi chỉ biết cố gắng làm hết những gì mình phải làm.

Tất nhiên sẽ có ai đó thất vọng thì cũng xin hãy rộng lượng, đừng lấy đó làm lý do để oán hận hay giận dỗi các cháu. Còn nếu sau này chương trình không như mong đợi hoặc tôi chưa thể hiện như mong đợi, thì lỗi là ở tôi chưa làm tới nhiệm vụ của mình.

Làm truyền hình thực tế dễ gây tranh cãi, có thể ảnh hưởng đến tên tuổi lẫn hình ảnh mà anh gầy dựng vài chục năm qua. Anh có lường trước điều này?

- Tôi vừa đọc một bài viết của tỷ phú Jack Ma, trong đó có ý tôi rất thích: “Đừng nghĩ bạn được tất cả yêu mến. Người ta chỉ nói về những điều chưa được chứ ít ai nói đến những cái được”.

Đội tuyển U22 Việt Nam vừa rồi là minh chứng rõ ràng. Trước đó, lứa này nhận được kỳ vọng rất lớn. Bỗng nhiên tuyển bị loại ngay vòng loại, không thể đặt chân vào vòng bán kết lập tức bao nhiêu tội lỗi được đổ lên những người trước đó mà họ gửi biết bao kỳ vọng.

Tôi thấy không có gì ghê gớm đến mức chỉ việc các cháu không vào được vòng bán kết mà mọi người lại lao vào chỉ trích thậm tệ như thế. Thật sự không đáng!

Nói chung, không chỉ bóng đá mà công việc dẫn chương trình tại Việt Nam không chuyên nghiệp cao. Nhưng mọi người cũng nên nghĩ trong bất cứ việc nào cũng có những tai nạn. Chuyện thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài ý muốn, đôi khi phần lớn cần nhiều sự may mắn.

Trước đây, Lại Văn Sâm luôn giữ thái độ im lặng trong tất cả tình huống. Còn lần này, nếu có tranh cãi xảy ra, anh sẽ chọn cách ứng xử ra sao?

- Một tên tội phạm khi bị bắt sẽ nói “Nếu biết phải trả giá, có khi là một án tử hình thì chắc tôi sẽ không làm”. Nói như vậy để hiểu với tôi, chữ “nếu” rất vớ vẩn và không thích nó một tí nào.

Trở lại với câu hỏi, nếu đó là lỗi của tôi, tôi sẽ không bao giờ trốn tránh.

Anh vừa nói có người thích cũng có người không thích, thậm chí có người không chịu nổi mình. Có vẻ anh hơi khiêm tốn, bởi Lại Văn Sâm từ lâu đã được xem là “MC quốc dân”?

- Tôi tin trên đời này không có gì là tuyệt đối, ngay cả những bức tượng được điêu khắc, chạm trổ tinh vi nhưng khi nhìn ở góc độ nào đó vẫn có khiếm khuyết. Nhưng có một điều tôi có thể khẳng định rằng mình là người tử tế. Có lẽ sự tử tế này được khán giả cảm nhận và họ đối xử tử tế lại với tôi. Hiện tại, tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp bị phỉ báng.

Nhắc đến đây tôi lại nhớ một câu chuyện rất xúc động. Năm ngoái, một lần tôi đi ăn phở ở Hà Nội có gặp thanh niên trông rất ngầu, xăm trổ đầy người. Cậu này sau hồi chần chừ đã đến xin chụp ảnh và chia sẻ rất ngưỡng mộ Lại Văn Sâm.

Sau đó, chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn và cậu ấy tâm sự vừa được tự do sau 17 năm chịu hạn tù vì tội giết người, giờ đã hoàn lương và lái taxi được 6 tháng.

Đó là thời điểm tôi gặp vài chuyện không vui, nên sau cuộc gặp gỡ với thanh niên này, vợ tôi an ủi: “Thôi Sâm ạ, Sâm đừng buồn bực vì những chuyện đấy nữa. Một cậu vừa đi tù vì giết người còn có cảm tình với Sâm thì Sâm nên tự hào”. Tôi thấy đúng và từ đó được giải tỏa rất nhiều.

Anh vừa khẳng định mình là người tử tế. “Sự tử tế” có phải là kim chỉ nam trong công việc lẫn cuộc sống của anh?

- Đúng. Bố tôi là người vô cùng tử tế. Ông chỉ là thợ thủ công, trình độ học vấn không cao nhưng với tôi, ông là thần tượng. Ông khái tính và tử tế đến mức tôi nghĩ ít có người hơn ông ở khoản này.

Ông dạy tôi điều đấy từ bé, cho nên gia đình tôi dù khá đông con và nghèo, nhưng 6 anh chị em yêu thương, sống nề nếp và tử tế từ bé đến lớn. Đến giờ, tôi vẫn cố gắng giữ gìn những gì mà bố để lại.

Và “sự tử tế” cũng là bài học đầu tiên anh dạy con trai Lại Bắc Hải Đăng?

- Đúng thế. Tôi nói với con trai từ bé rằng không nhất thiết phải là người quá thông minh, quá giỏi hay thành đạt trong lĩnh vực này kia, nhưng nhất định phải là một người tử tế.

Có thời gian, mọi người nói rất nhiều về sự phát triển của các đứa trẻ trong các gia đình, trong đó có nhiều trường hợp xấu xảy ra. Tôi chỉ nói với các bạn lứa sau của mình rằng có lẽ bây giờ điều quan trọng nhất khi nuôi dạy một đứa trẻ chính là phải dạy nó có thành một người tử tế hay không. Điều này không đơn giản đâu, thật sự rất khó nhất là khi có quá nhiều thứ tác động từ bên ngoài.

Hiện tại khi Lại Bắc Hải Đăng đã có gia đình riêng, sự nghiệp ổn định, anh còn tiếp tục dạy con trai những bài học về sự tử tế hay đã hoàn toàn yên tâm?

- Bây giờ thì tôi hoàn toàn yên tâm, còn hài lòng thì chưa vì nó còn nhiều thứ phải hoàn thiện. Thằng con tôi, ngay từ khi còn bé, tôi đã đặt sự tin tưởng không ai có thể làm nó xấu đi được.

Khi học lớp 4, Hải Đăng bị bạn đánh, ném mực vào áo. Tôi hỏi vì sao không biết phản ứng, nó bảo các bạn đông, đánh không lại. Thế tôi nói: “Ngày mai, bố đèo Ca (tên gọi ở nhà của Hải Đăng - PV) đến trường, gọi bạn kia ra để hai đứa đánh tay đôi chứ không thể để bị bắt nạt”. Nó mới bảo: “Không, các bạn đánh chán rồi lại thôi”. Chỉ với câu nói đó, tôi rất vui.

Hay một lần nhà tôi bị trộm, ông ngoại chạy đuổi theo để bắt lại còn “ông Ca” thì đuổi theo để… nhặt dép tên trộm làm rơi và đưa lại. Qua những câu chuyện như thế, tôi tin con mình sẽ là một đứa tử tế, nhân hậu, không nuôi trong mình sự thù hận. Về sau này, tôi thấy những đánh giá về con trai của mình vẫn đúng.

Hải Đăng từng nói là con trai của Lại Văn Sâm không đơn giản như mọi người nghĩ, phải lao động gấp nhiều lần để khẳng định mình. Anh đã bao giờ nghĩ đến cái bóng quá lớn mà mình để lại trong cuộc đời con trai?

- Có bóng hay không thì còn tùy cây, như cây thông mọc thẳng tắp thì lấy đâu ra bóng. Tôi cũng không biết mình có phải cái cây có bóng hay không. Tôi từng nói với cả lãnh đạo đài truyền hình Việt Nam rằng “Nếu thằng Ca không phải con tôi thì nó khá hơn nhiều rồi”.

Tôi nói ra điều này cả ban biên tập chắc cũng sẽ đồng ý, rằng những chương trình lớn, phức tạp, những ý tưởng mới, tôi đều trông cậy cả vào cậu ấy. Hồi nó chuyển công tác vào Huế và Sài Gòn, tôi đã nói vui trong một cuộc họp ở đài: “Tôi bây giờ như Nick Vujicic, bị mất đi cánh tay thân cận”.
Về phần Hải Đăng, tôi không biết nó có chịu áp lực hay không. Riêng tôi không bao giờ tạo sức ép cho con, cũng chưa bao giờ nói: “Ca phải thế này, Ca phải thế kia”.

Bố con chúng tôi việc ai nấy làm, cậu ấy đưa lên nếu OK thì tôi duyệt, không thì tôi đưa ra ý kiến và cậu ấy có quyền phản biện. Nếu vẫn chưa thể thuyết phục được tôi thì bỏ qua, rất sòng phẳng và không có bất cứ sự ưu ái hay kỳ vọng nào quá lớn.

Nếu có áp lực nào đó thì do chính cậu ấy tạo ra chứ không phải từ phía tôi. Có một điều tôi yêu cầu thì Hải Đăng đã đạt được chính là làm người tử tế, còn lại tôi không có đòi hỏi nào khác.

Định kiến “con ông cháu cha” có khiến anh càng phải cố gắng giữ sự công bằng, thậm chí nghiêm khắc khi làm sếp con trai?

- Nhiều người hỏi thẳng “có phải vì anh làm ở đấy nên sự nghiệp con trai gặp nhiều thuận lợi hay không?”. Phần tôi chỉ giao đúng việc đúng người, người nào có khả năng tốt nhất thì tôi giao.

Nếu người có thể hoàn thành chương trình này tốt nhất là Hải Đăng thì tôi giao, nếu không tôi sẽ giao người khác, cậu ấy có thích đến mấy cũng không được làm. Tôi cũng không bao giờ đặt ra nguyên tắc phải công bằng, khách quan, vì tôi không bao giờ có suy nghĩ như thế thì tự răn mình để làm gì?

Trước mỗi chương trình quan trọng, chúng tôi sẽ có cuộc họp nội bộ. Ai cảm thấy phù hợp với chương trình này hãy giơ tay, và họ sẽ là những người làm tốt chương trình đó. Còn lãnh đạo đài không bao giờ nghi ngờ tôi ưu ái con trai, ít nhất là chưa ai nói với tôi điều đó hoặc cũng có thể mọi người không tiện nói thì tôi không biết.

Lại Bắc Hải Đăng được bổ nhiệm Phó ban VTV3. Tương lai không xa, cậu ấy có thể sẽ ngồi vào chiếc ghế mà anh đã để lại. Anh đánh giá như thế nào về “người kế nhiệm” này?

- Nó chưa ngồi vào vị trí đó thì làm sao tôi có thể đánh giá được. Mọi thứ phải thể hiện qua công việc, chứ không thể nói bằng cảm tính. Tôi nghĩ mình không có quyền đưa ra đánh giá hay nhận định nào cả.

Trong công việc, bố con anh giữ đúng nguyên tắc và vai vế, còn khi về nhà, cả hai ứng xử ra sao?

- Chúng tôi bỏ hết công việc và cũng có nhiều câu chuyện vớ vẩn lắm. Chẳng hạn như nó thích Manchester United, tôi lại thích Liverpool. Năm ngoái, chúng tôi cá cược và tôi thắng.

Cậu ấy rất cay cú nhưng vẫn phải chấp nhận mua cho tôi một chiếc điện thoại (cười). Hay mỗi khi đến nhà dùng cơm, tôi nói vui vợ nó nấu không ngon bằng vợ tôi thì nó bênh vực hết mực.

Trong việc nuôi dạy hai đứa cháu, nó cũng hay bất bình vì ông bà chiều chuộng hai cháu nội quá. Tôi và vợ quan niệm không nên cấm đoán hai đứa trẻ, chúng nó thích thế nào thì cố gắng đáp ứng trong khuôn phép. Nhưng Hải Đăng và vợ nó thì không, đôi khi bảo ông bà làm ảnh hưởng đến “sự nghiệp” giáo dục con cái chúng nó.

Ảnh đại diện điện thoại cũng là bức ảnh tôi thích nhất, chụp cô cháu gái khi gia đình đi nghỉ ở Phú Quốc. Nó rất thích uống cà phê với ông nội nhưng bố mẹ không cho.

Khi đấy, tôi hỏi “Thích không, ông cho thử miếng” thì nó lập tức đồng ý. Nhưng vừa húp một ngụm thì bị bố phát hiện và lườm. Lúc đấy, ánh mắt của con bé vừa hồi hộp vừa sợ bố phát hiện, vừa rất đáng yêu.

Nói chung, gia đình tôi cũng không có nguyên tắc gì cả, cứ sống ngẫu hứng, vui vẻ thuận theo tự nhiên. Nhưng điều quan trọng chính là có gì không hài lòng hãy nói ra, đừng nên giữ trong lòng, đôi khi dẫn đến trầm cảm, tự kỷ.

Hai cháu nội có biết ông là người nổi tiếng?

- Nó biết, vì mỗi lần đi cùng ông nội nó lại thấy có người xin chụp ảnh. Một lần, thằng em 4 tuổi hỏi: “Tại sao mọi người đều yêu ông nội thế nhỉ”? Con bé lớn 6 tuổi bảo ngay: “Không, không phải yêu, mọi người ngưỡng mộ ông”.

Sau khi nghỉ hưu, anh có đề bạt cá nhân thay thế nào với lãnh đạo đài, ví dụ như chị Tạ Bích Loan?

- Không. Việc bổ nhiệm người nào là do ông Tổng giám đốc. Ông ấy thấy ai phù hợp, có thể giúp mình thì phân công, còn tôi không đề bạt ai cả.

Đã có người đặt câu hỏi, tại sao nhà báo Lại Văn Sâm chưa được ngồi vào những vị trí xứng đáng của "khai quốc công thần", ví như Phó tổng VTV chẳng hạn. Anh nghĩ sao?

- Mỗi người một quan niệm. Tôi thấy mình làm trưởng ban VTV3 cũng là quá sức. Khi được bổ nhiệm lên vị trí này, tôi không nhận và ít nhất 2 lần từ chối ông Tổng giám đốc Hồ Anh Dũng. Sau này, ông Dũng vẫn mang câu chuyện này nói với mọi người rằng: “Ai cũng được như ông Sâm thì không bao giờ có sự đấu đá, cạnh tranh”.

Trong 2 lần nói chuyện với ông Dũng, tôi bày tỏ quan điểm đơn giản rằng mình như bác sĩ phẫu thuật làm lâu năm, không chắc là giỏi nhưng chắc chắn sẽ có kinh nghiệm. Bây giờ nếu vị bác sĩ này lên làm lãnh đạo, để cho các cậu mới ra trường cầm dao mổ thì mức độ rủi ro cao hơn.

“Nếu anh đưa em lên làm quản lý đồng nghĩ với việc mất đi một bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm và cũng chưa chắc có một quản lý tốt”, tôi nói với ông Dũng như một cách từ chối.

Thật ra, tôi cũng ở trong “diện quy hoạch” lên vị trí Phó tổng giám đốc VTV, nhưng nhiều lần bầu bạt thì tôi đều xin rút. Tôi biết mình là ai và luôn tự nhận mình không có tố chất làm lãnh đạo, nên cứ cố gắng làm quá sức sẽ không tốt, đôi khi không chỉ hại đến mình mà còn ảnh hưởng cả tập thể.

Trong cuộc sống có quá nhiều cám dỗ về danh vọng - tiền tài, anh làm thế nào để luôn là chính mình như lời vừa khẳng định ở trên, dám thẳng thắn từ chối những thứ ai cũng làm mọi cách để đạt được nhưng theo anh lại nghĩ là không hợp với mình?

- Chúng ta đôi khi hay đổ lỗi cho khách quan, nói rằng trước cám dỗ dễ bị lung lay. Tôi không tin!

Trên đời, có hai thứ mà tôi không bao giờ tham là tiền và quyền. Tôi không giàu nhưng cũng không thiếu tiền, tôi càng không bao giờ có suy nghĩ làm giàu. 12 năm ở Nga về, nhiều người cùng thế hệ tôi chịu khó làm ăn có thể mang về gần 10.000-15.000 USD.

Riêng hai vợ chồng tôi hì hục tích góp, tiết kiệm các kiểu được đúng 1,7 cây vàng, ngoài ra trong hành lý chỉ có những thứ như đường, sữa.

Tôi không tham tiền nên không ai có thể cám dỗ tôi bằng tiền cả. Chưa bao giờ một cá nhân hay tập thể nào có thể dùng tiền để nhờ tôi làm việc này, việc kia. Có thể họ biết điều này nên chả ai đến “đút lót” tôi bao giờ.

Về quyền, tôi càng không bao giờ mơ đến. Tôi chỉ thích làm nghề thôi. Do đó, nói về cám dỗ thì tôi chưa thấy có thứ gì có thể lung lay được mình.

Với nhiều người, về hưu đồng nghĩa với an hưởng, nghĩ dưỡng hoặc vui thú điền viên. Còn với Lại Văn Sâm, về hưu được anh định nghĩa thế nào?

- Thật ra tôi chưa nghỉ đâu, 3 tháng qua vẫn làm việc đấy, từ ghi hình Ai là triệu phú cho đến tham gia một số hoạt động của vài địa phương. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ nghỉ hưu là vui thú điền viên. Kể cả nếu không làm gì tôi cũng không thích hợp với việc trồng cây cảnh hay ngắm cá vàng.

Với tôi, nghỉ hưu tức được làm một con người tự do, muốn làm gì thì làm. Thời điểm này, tôi sướng ở chỗ là không còn chịu trách nhiệm như mấy chục năm qua.

Thời gian bây giờ là của mình, quyết định là của mình, thích chơi gì thì chơi, muốn đi đâu thì đi, chương trình nào được mời nếu cảm thấy thích thì tham gia, không thì từ chối.

Nhiều người bị sốc trong giai đoạn đầu khi vừa nghỉ hưu, anh thì sao?

- Trước đây tôi cũng nghe nhiều người nói chuyện đấy, nhưng tôi thấy sốc hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Riêng tôi, ngày 1/7 là ngày tôi thích vô cùng, được thở phào nhẹ nhõm như anh nông dân vừa hoàn thành sứ mạng.

Có thể 30 năm qua tôi chưa làm được nhiều thứ, nhưng ít ra tôi đã làm hết sức. Bây giờ, thế hệ sau sẽ làm tiếp, còn Lại Văn Sâm chuyển sang cuộc sống mới.

Một bạn hỏi tôi sẽ làm gì sau khi nghỉ hưu, tôi trả lời “sẽ làm người” (cười). Tất nhiên trước đây tôi cũng làm người, nhưng nói một cách văn vẻ là làm “nô bộc” của dân chẳng hạn. Còn bây giờ tôi là người bình thường, tự do, thoải mái.

Không còn quá bận rộn vì công việc nhà nước, 2 tháng qua quỹ thời gian anh dành cho vợ thay đổi ra sao?

Bây giờ, 100% thời gian tôi có vợ bên cạnh. Nhưng đừng nói cô ấy đi theo tôi, cô nghe được là mắng đấy. Tôi phải dỗ dành, mời vật vã cô mới đồng ý đi cùng. (cười to)

Một ngày của tôi bắt đầu từ 6h30, tập thể dục đến 8h sau đó cùng vợ đi ăn sáng, uống cà phê. Từ 9-10h, tôi đọc báo hoặc xem TV, 10h-11h30, tôi viết lách gì đó rồi chuẩn bị ăn trưa. Từ trước đến nay, tôi chỉ ăn cơm vợ nấu ở nhà, còn người khác nấu tôi rất khó ăn. Cuối tuần nếu có điều kiện, chúng tôi đi chơi với cháu.

Trước đây, Lại Văn Sâm không chơi mạng xã hội, còn hiện tại khi có nhiều thời gian hơn, anh có đổi ý để bắt kịp giới trẻ?

- Không bao giờ. Có lẽ tôi vẫn thuộc thế hệ cũ nên không quen với việc chuyện gì thuộc về đời tư hay suy nghĩ về vấn đề nào đấy cũng đưa ra để tất cả bàn tán. Người Nga có câu “biến con muỗi thành con voi”, tôi nghĩ đây là điều không hay.

Đã có đơn vị đề nghị lập cho tôi một Facebook chính thức và tìm cách xóa bỏ những trang mạo danh ngoài kia, nhưng tôi bảo cũng chả cần. Nhiều lần tôi đề nghị những người lấy tên tôi để đặt cho Facebook của họ hãy gỡ đi và dùng tên thật nhưng cuối cùng vẫn đầy ra như thế.

Cũng có người bày tôi kiện tụng, nhưng tôi không có thời gian. Thời gian tôi để làm việc khác, con người tôi thế nào thì vẫn là thế đấy.

Không đề cập đến chuyện vật chất, xin hỏi sau 30 năm cống hiến, khối “tài sản” mà Lại Văn Sâm nhận được nhiều nhất là gì?

- Nói nghe có vẻ bay bổng, văn hoa, nhưng tài sản lớn nhất tôi tích góp được chính là tình cảm của khán giả. Tôi đi đâu cũng được người ta yêu quý, con nít gặp tôi không “chào ông”, “chào bác” hay “chào chú” mà “chào Lại Văn Săm”, nghe vậy tôi thích lắm. Ra nước ngoài cũng vậy, tôi cũng rất được quý. Ở VTV, ít người được như tôi về khoản này.

Vâng, đó là tài sản lớn nhất mà tôi có. Còn về tiền bạc, nhiều người nghĩ tôi giàu, nhưng tôi không giàu như mọi người nghĩ đâu. Tôi không bao giờ nghèo nhưng không giàu như các bạn bây giờ.

Các bạn làm tôi quá kinh ngạc vì nghe bảo chạy một show là có trong tay chục triệu đồng, thậm chí trăm triệu đồng. Tôi chưa bao giờ được như thế.

Nhưng tôi vẫn hay nói với các bạn trẻ rằng người Việt có câu, “gái có công thì chồng không phụ”, cứ làm đi rồi mọi thứ sẽ đến, kể cả tiền. Như tôi lúc đầu, cả đội VKT làm miệt mài, đắm đuối xong cuối tháng, chúng tôi dồn hết nhuận bút để ăn một bữa ăn khá bình thường nhưng vẫn phải góp thêm.

Đến khi làm SV 96, tôi được đài truyền hình của Nhật hỏi thu nhập sau mỗi chương trình là bao nhiêu. Tôi không dám nói vì sợ họ khinh mình.

Như bạn thấy đó, cuối cùng tôi dù không làm việc với mục đích kiếm tiền nhưng vẫn có tiền, vẫn sống tốt với nghề. Người ta vẫn nói làm giàu không khó, nhưng với tôi, làm giàu là cực-kỳ-khó. Tôi ngưỡng mộ những doanh nghiệp giàu có, vì tôi không biết làm cách nào để giàu cả.

Nhưng ngược lại, điều mà các đại gia không có nhưng tôi lại có chính là tình cảm từ những người không phải ruột thịt. Sau tất cả, tôi vẫn có thể kiêu hãnh tuyên bố mình vẫn có điểm hơn được người khác.

Theo Zing.VN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lại Văn Sâm: 'Tôi không tham tiền, tham quyền, chỉ thích ăn cơm nhà vợ nấu'