Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng quyết định điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Động thái này đã gây ra nhiều bất ngờ do Chính phủ đang yêu cầu toàn bộ hệ thống ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Lãi suất tiền gửi ‘bất ngờ’ điều chỉnh tăng ở nhiều ngân hàng

Phan Diệu | 11/07/2016, 17:13

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng quyết định điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Động thái này đã gây ra nhiều bất ngờ do Chính phủ đang yêu cầu toàn bộ hệ thống ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, OCB vừa công bố bảng biểu lãi suất huy động mới theo hướng tăng dần các kỳ hạn ngắn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng ở mức 5,2%/năm, 3 tháng 5,5%/năm, tăng 0,1%/năm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên từ 7-7,7%/năm, mức khá cao so với thị trường.

Trong khi đó, Sacombank bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động tăng 0.1% ở các kỳ hạn 1 tháng lên 4.7%, 6 tháng lên 5.8% và mức lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm.

VPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân ở hầu hết các kỳ hạn từ 5-12 tháng với mức tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5. Đối với đối tượng khách hàng có tiền gửi trên 10 tỉ đồng, ngân hàng này cũng điều chỉnh tăng 0,2% và 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 6,9%.

“Ông lớn” Vietcombank mới đây cũng đã điều chỉnh mức lãi suất huy động mới, tăng 0,1% đối với kỳ hạn 3 tháng, từ 5% lên 5,1%; kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%.

Trước đó, hồi tháng 6, nhiều ngân hàng cũng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi.

Theo đó, Viet Capital Bank đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7% mỗi năm. Với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2% một năm. Với tiền gửi online thì tăng thêm 0,05 - 0,3%/năm.

Eximbank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 7 tháng thêm 0,1%, từ 5,4% lên 5,5%. Nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng từ 5,7% lên 5,8%.

Không kém cạnh, VIB cũng đã áp mức lãi suất huy động mới cho khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng, tăng 0,15% từ 4,75% lên 4,9%.

Hiện tại, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động VND kỳ hạn dài tăng nhẹ trongquý 1/2016 (tăng 0,1-0,5 điểm % so với cuối năm 2015 và tăng 0,3 – 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2015) và duy trì khá ổn định trong quý 2/2016. Tuy nhiên, từ 14.6.2016, tại một số ngân hàng thương mại nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 điểm % so với cuối năm 2015.

Nguyên nhân lãi suất huy động tăng thời gian gần đây chủ yếu do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn, nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Thời gian tới, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng thương mại nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn.

Dự kiến, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 50% từ 1.1.2017 và xuống 40% từ 1.1.2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnhtín dụng trung dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiền gửi ‘bất ngờ’ điều chỉnh tăng ở nhiều ngân hàng