Trong khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh chưa từng thấy thì lãi suất cho vay lại chỉ giảm nhỏ giọt. Nhiều người vay tiền phải than trời vì lãi suất cho vay đang gần gấp đôi lãi tiết kiệm.

Lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt: Ngân hàng lãi lớn, người vay ‘than trời’

Phan Diệu | 14/12/2020, 20:24

Trong khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh chưa từng thấy thì lãi suất cho vay lại chỉ giảm nhỏ giọt. Nhiều người vay tiền phải than trời vì lãi suất cho vay đang gần gấp đôi lãi tiết kiệm.

Lãi suất cho vay giảm không xứng

Theo ghi nhận của Một Thế Giới, từ đầu tháng 12 đến nay, xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng vẫn tiếp diễn. Thậm chí, nhiều “ông lớn” giảm mạnh lãi suất tới 0,2% ở các kỳ hạn, dù lãi suất đã giảm mạnh trong tháng 10 và 11.

Điển hình tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 9 tháng đã giảm 0,1%, về mức 4%/năm, so với mức 4,1%/năm trong tháng 11. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng từ 5,9%/năm xuống 5,7%/năm, kỳ hạn 36 tháng từ 5,6%/năm xuống còn 5,4%/năm. Hiện tại, mức lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 5,8%/năm thay vì 5,9%/năm trước đó.

Tương tự, tại Viettinbank, nhà băng này tiếp tục điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng hiện chỉ còn 3,1%/năm; kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất giảm 0,2%, xuống chỉ còn 3,4%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng cũng giảm 0,2%, niêm yết ở mức 4%/năm. Hiện nay, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Vietinbank là 5,6%, áp dụng cho kỳ hạn dài từ 12 tháng và đến trên 36 tháng.

Một “ông lớn” khác cũng quyết định điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất tiết kiệm là BIDV. Hiện nay, lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 5,6%/năm, áp dụng với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ngân hàng cuối cùng trong nhóm “Big 4” là Agribank cũng không nằm ngoài xu hướng giảm lãi suất huy động trong tháng này. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được Agribank niêm yết ở mức là 3,1%/năm; kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng có cùng lãi suất là 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng cũng giảm xuống còn 4%/năm.

Ở khối ngân hàng cổ phần, Nam A Bank quyết định giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-11 tháng, từ mức 6,4% xuống còn 6,2%/năm. Lãi suất tiền gửi 18-29 tháng tại ngân hàng này cũng chỉ còn 6,8%/năm, giảm 0,2%/năm so với trước đây.

Đáng chú ý, mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm liên tục điều chỉnh giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn cao ngất ngưởng, nhất là cho vay trung và dài hạn. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng chỉ đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà thấp trong thời gian ưu đãi, dao động từ 6-12 tháng. Sau thời gian này, lãi suất tính theo mức lãi suất huy động 12 tháng hoặc 13 tháng, cộng theo biên độ rất cao, lên đến 3,8-4,5%.

Điều này khiến khách hàng có nhu cầu vay vốn “than trời” vì cả lãi suất cho vay mới cũng như các khoản dư nợ hiện hữu không giảm như kỳ vọng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến ngân hàng dư tiền, trong khi doanh nghiệp và người dân lại thiếu vốn giá rẻ để phục vụ sản xuất, kinh doanh. 

lai-suat-tien.jpg
Việc lãi suất cho vay giảm không tương xứng cũng giúp lợi nhuận ngân hàng tăng đáng kể

Ngân hàng lãi lớn dù COVID-19

Báo cáo về lợi nhuận của ngành ngân hàng quý 3/2020 của Fiin Group (chuyên phân tích dữ liệu tài chính, xếp hạng tín nhiệm) cho thấy lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng trong năm 2020 dự kiến vẫn tăng trưởng 10,2% so với năm trước, bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Riêng quý 3/2020, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết tăng 12,6% so với quý trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng này giảm nhẹ 1% so với quý trước nhưng lại tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính cả giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh 10,2% so với cùng kỳ.

Fiin Group cho rằng việc biên lãi ròng NIM (chênh lệch giữa thu nhập và chi phí) của 21 ngân hàng niêm yết tăng mạnh trong quý 3 trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, điều này phản ánh lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức đi xuống lãi suất đầu vào hiện nay.

"NIM trong quý 3 của các ngân hàng này đang ở mức cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý 1/2018 - giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng. Để có được mức NIM cao này là do các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ Bản Việt) tăng lên 9,2%/năm, từ mức 9%/năm trong quý 3.

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với quý trước, trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự lại giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất tiền gửi thời gian qua", nhóm phân tích của Fiin Group chỉ rõ.

Đáng chú ý, Fiin Group còn cho biết tín dụng cá nhân ở một số ngân hàng có dấu hiệu hồi phục trở lại trong quý 3/2020. Việc này đã góp phần vào việc tăng lợi nhuận, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ cao. Vì vậy, việc tín dụng cá nhân tăng tốc trở lại sẽ góp phần vào việc tăng thu nhập lãi thuần và NIM của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao hơn và biên lãi ròng lớn.

Bài liên quan
Lãi suất từ công ty tài chính của ngân hàng cao hơn tín dụng đen
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên), lãi suất cho vay tại các công ty tài chính của ngân hàng thương mại cao hơn cả tín dụng đen, còn thu hồi nợ thì thuê dịch vụ với nhiều hình thức, thủ đoạn...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt: Ngân hàng lãi lớn, người vay ‘than trời’