Theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Lãi suất cho vay cao đang cản trở các doanh nghiệp

Một Thế Giới | 01/07/2015, 05:00

Theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo do Viện kinh tế - Tài chính tổ chức ngày 30.6, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng lãi suất cho vay cao và lạm phát đang thấp nhất trong những năm gần đây.

Hiện nay, mức lại suất cho vay trung bình trên thị trường khoảng 8,5% trong khi lạm phát chỉ ở mức 1%, mức lãi suất cho vay thực dương là 7,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, lãi suất cao đối với một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động ở mức trung bình trên thị trường, lợi nhuận kiếm được từ các khoản vay thêm sẽ không đủ để trả nợ lãi suất và sớm hay muộn các doanh nghiệp này cũng sẽ thu hẹp quy mô sản xuất.

Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh. Đồng thời, gây khó khăn cho các con nợ trong đó có cả nợ xấu và nợ công. Các tính toán cho thấy, nếu lãi suất cho vay thực (lãi suất cho vay sau khi trừ đi lạm phát) tăng thêm 1%, tỷ lệ đầu tư/GDP sẽ giảm khoảng 0,76 điểm phần trăm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6.2015 tăng 0,55% so với tháng 12.2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tốc độ lạm phát trong vòng 1 năm qua đang có xu hướng giảm mạnh, nền kinh tế đang ở tương đối gần mức lạm phát 0%, đồng thời lại đang ở rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết, mức lạm phát 0,55% trong 6 tháng có tác động tích cực, giúp ổn định kinh tế vi mô, đạt mức tăng trưởng 4 năm gần đây cao, GDP khả năng đạt được kế hoạch. 
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, mặt trái cũng phải tính đến đó là tăng trưởng như nội lực vẫn còn yếu, thể hiện ở mức nhập siêu 3,75 tỉ USD, xuất khẩu trong nước thấp, xuất khẩu thủy sản thấp nhất trong nhiều năm qua. Khả năng cạnh tranh các DN trong nước còn yếu, giá điện chưa minh bạch…

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, tình trạng lạm phát thấp không phải bây giờ mới xuất hiện, khi tốc độ lạm phát tháng 12.2014 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống mức 1,845, vấn đề lạm phát thấp đã được đặt ra.

Ông nói thêm, kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này khiến cho chênh lệch tổng cầu, tổng cung liên tục giảm và kéo theo lạm phát giảm theo.

“Đứng trên quan điểm tổng cầu là yếu tố tác động lâu dài và mang tính quyết định, xu hướng lạm phát giảm sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên. Do đó, với mô hình dự báo lạm phát trên cơ sở chênh lệch tổng cầu – tổng cung cho kết quả là lạm phát tháng 12.2015 so với cùng kỳ năm trước sẽ ở mức 0,9%”, TS. Độ nhận định.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh, điểm đáng lưu ý trong diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm là chỉ số giá giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do tác động của sự giảm mạnh giá lương thực, chủ yếu là giá gạo".
TS Nguyễn Thị Kim Thanh cũng cho rằng, việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài cùng với vốn FDI sẽ khiến dòng tiền tăng mạnh, nhu cầu đầu tư tăng cao. Điều đó đặt ra thách thức cho việc kiểm soát dùng tiền để kiểm soát lạm phát.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất cho vay cao đang cản trở các doanh nghiệp