Dùng nhan sắc và trí tuệ, Esther Lachmann đã nỗ lực thoát khỏi khu ổ chuột Moscow, và sau đó giành lấy vị thế ‘nữ hoàng giải trí’ tại Paris hoa lệ, vào nửa đầu thế kỉ 19. Có thể nói, bà là một trong những kỹ nữ nổi tiếng nhất nước Pháp từng biết đến.

La Païva: Từ nàng kỹ nữ nghèo đến ‘bà hoàng’ nổi tiếng

03/12/2017, 15:08

Dùng nhan sắc và trí tuệ, Esther Lachmann đã nỗ lực thoát khỏi khu ổ chuột Moscow, và sau đó giành lấy vị thế ‘nữ hoàng giải trí’ tại Paris hoa lệ, vào nửa đầu thế kỉ 19. Có thể nói, bà là một trong những kỹ nữ nổi tiếng nhất nước Pháp từng biết đến.

Thường được nhắc nhớ qua nghệ danh La Païva, cuộc đời người phụ nữ này đầy thăng trầm, ẩn giấu không ít chi tiết ly kỳ.

Ngược về nước Pháp khoảng 150 năm trước, trong giai đoạn chuyển hóa từ chế độ quân chủ sang đế quốc, La Païva gần như là một “ngôi sao” trong xã hội thượng lưu Paris. Bên cạnh sở hữu khối tài sản đồ sộ, nhà cửa xa hoa, nàng kỹ nữ còn chiếm lấy trái tim của hàng loạt chính khách và giới quý tộc giàu có. Ngay cả hoàng đế Napoleon III cũng nằm trong số những người ngưỡng mộ bà.

Thế nhưng, trước khi tạo dựng thành tựu đáng thèm muốn, La Païva sắc xảo có một quá khứ khốn khó ít ai biết.

Bắt đầu từ ‘con số 0’

Bà sinh ra ở Nga, năm 1819. Vì hai thân sinh đều theo đạo Do thái, bà có tuổi thơ cơ cực giữa một đất nước bấy giờ đang còn nhiều định kiến với tôn giáo này. Thời niên thiếu của La Païva đến nay vẫn được xem như bí ẩn lớn. Người ta chỉ biết bà có tên gọi đầy đủ: Esther Pauline Lachmann, sau chuyển thành nghệ danh Thérèse, Blanche, rồi La Païva.

Năm 17 tuổi, bà được gả cho một thợ may mắc bệnh lao phổi. La Païva sinh cho người này một đứa con trai, nhưng không lâu sau, bà quyết định bỏ quê hương đến Paris. Không con cái, thân nhân, không mang theo cả giấy tờ ly hôn, bà tìm tới Pháp với mong ước duy nhất: đổi đời.

Có rất ít bức họa về La Païva. Một số văn bản mô tả bà thuộc tuýp phụ nữ ‘đẫy đà,’ với đôi mắt to tròn hút hồn. Tuy nhiên, vẫn chưa có chứng thực cụ thể nào về chân dung nàng kỹ nữ người Nga.

Paris thế kỉ 19 tràn ngập hệ thống nhà thổ cùng vô số vũ nữ và gái điếm hoạt động khắp nơi. La Païva bắt đầu làm việc ở một trong những khách sạn rẻ tiền, nơi tụ họp thường xuyên của kỹ nữ và khách làng chơi. Chứng kiến bao cô gái với dáng vóc, sắc đẹp hơn hẳn mình, nhưng La Païva quyết tâm dành lấy cơ hội kiếm tiền bằng mọi giá.

Ba năm đầu, bà kiên nhẫn chắt chiu từng đồng bạc lẻ, quên ăn quên ngủ, gom góp số vốn nhỏ để làm giàu, để “bứt mình” khỏi phố đèn đỏ đầy thị phi.

Năm 1841, ở tuổi 22, La Païva chuyển đến một thị trấn biên giới tại Rhineland (khu vực ngày nay thuộc miền tây Đức), với hành trang gồm vài bộ váy thuê mượn và nữ trang giả. Ở đây, bà gặp gỡ vị đại gia giàu có đầu tiên trong đời, Henri Herz.

Herz - một nghệ sĩ dương cầm tài danh, dẫu không nắm giữ quá nhiều của cải, vẫn dư sức “chiều chuộng” cô tình nhân bằng một căn hộ riêng, nữ trang và tiền bạc đủ để La Païva trở về Paris lập nghiệp. Quay lại kinh đô Pháp, bà mở một quán rượu khá đông khách. Duy, vận đen chưa ‘buông tha’ nàng kỹ nữ.

Qua vài năm quen biết, Herz bất ngờ đến Mỹ để phát triển sự nghiệp, bỏ rơi người tình trẻ tại Pháp. Chịu điều tiếng là “gái làng chơi,” bà nhanh chóng bị gia đình ông hất hủi, cắt đứt liên lạc. Tiền của lẫn sức khỏe đều suy sụp, La Païva cuối cùng chọn cách sang Anh, tìm vận may lần nữa. Nơi sau đấy, bà đã quyến rũ được ngay một quý tộc giàu có, và thậm chí, lọt vào mắt xanh vị hầu tước Bồ Đào Nha - Albino Francesco de Païva-Araújo.

Hình dung về ‘đỉnh cao’ cách mạng Pháp năm 1848 - thể hiện bởi họa sĩ Paul Philippteaux

Vừa lúc đó, cách mạng Pháp nổ ra. Sau năm 1848, nước Pháp chứng kiến chế độ chính trị mới lên ngôi, kéo theo sự bùng nổ của tầng lớp quý tộc mới. Một kỉ nguyên sôi động với những kẻ làm giàu từ hoạt động công nghiệp và liên doanh đế quốc, mang lại thời cơ ‘vàng’ giúp La Païva thật sự đổi đời.

Sớm không còn hứng thú với vị hầu tước kia, La Païva viết cho ông một lá thư chia tay lạnh nhạt: “Anh hãy quay về Bồ Đào Nha; tôi sẽ ở đây tiếp tục là một gái điếm.” Albino de Païva-Araújo đau đớn đến tuyệt vọng, đã tự sát ngay khi quay lại thủ đô Lisbon.

Hầu tước Albino de Païva - người ‘chồng hờ’ đã giúp La Païva có được nghệ danh nổi tiếng nhất của bà.

Trở về Paris, tự do và giàu có hơn trước gấp trăm lần, La Païva đón nhận lối sống tân thời tại ‘kinh đô ánh sáng’ dễ dàng đến khó tin.

‘Bà hoàng’ giới giải trí

Để quyến rũ một người đàn ông, tương truyền, La Païva từng sẵn lòng đề nghị được ở cạnh người này trong khoảng thời gian đủ để đốt hết 10 ngàn đồng francs (hiện tương đương hơn 1.700 USD). La Païva gọi bộ sưu tập trang sức đắt đỏ bà sở hữu là “các con,” trong khi không một người con ruột nào của bà từng được nhắc tên.

La Païva trở thành “huyền thoại” đúng nghĩa ở Pháp khi chính thức qua lại với Guido Henckel von Donnersmarck thuộc dòng dõi hoàng tộc Henckel von Donnersmarck (Bồ Đào Nha), người bấy giờ là một trong những chính khách giàu nhất châu Âu. Ông dâng tặng nàng kỹ nữ mọi thứ có thể, bao gồm cả một khách sạn lộng lẫy được đặt theo tên bà, địa danh tọa lạc ở vị thế đắt giá hàng đầu Paris - số 25 đại lộ Champs-Élysées.

Khách sạn La Païva hệt như tòa “cung điện” tôn vinh hoàn hảo cho lối sống xa hoa tới mức choáng ngợp của nữ chủ nhân quyền lực. Đây là chốn nghỉ ngơi, vui chơi bà yêu thích lui tới những ngày còn ở đỉnh cao danh tiếng.

Phòng ốc dát vàng, trần nhà được phủ muôn kiểu tranh tường rực rỡ, cầu thang cẩn đá mã não nguy nga,.. khiến khách sạn được trầm trồ chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng chịu không ít chỉ trích từ công luận và giới trí thức Pháp. Từng ghé chân đến khách sạn, văn sĩ Alexandre Dumas buông lời nhận xét mỉa mai: “Nơi này đã gần hoàn tất. Chỉ còn thiếu mỗi lối cho người đi bộ”.

Bất kể bị xem là ngông cuồng hay thiếu phẩm giá, La Païva vẫn nghiễm nhiên tận hưởng vinh quang, ‘đắm mình’ giữa tiền, đá quý và rượu vang. Tất cả cánh mày râu lắm của cải tại Paris đều muốn một lần thăm quan khách sạn nổi danh trên con đường Đại lộ ánh sáng. Từ các nam tước, hầu tước, thương nhân cho đến văn sĩ, nghệ sĩ và ngay chính hoàng đế Pháp đương thời, không ai lại không biết đến ‘nữ hoàng giải trí’ La Païva.

Vương miện ngọc lục bảo và bộ kim cương nặng hơn 100 carats là 2 trong số hàng loạt món nữ trang đắt giá, được người tình hoàng thân Henckel von Donnersmarck đặt làm riêng dành tặng La Païva

Xuất thân trong khu phố ổ chuột ở Moscow - Nga, cô gái điếm vô danh Esther Lachmann rốt cuộc đã có được chính xác những gì hằng mơ ước.

Một ‘vinh dự’ muộn màng

Dẫu vậy, ‘ngày vui ngắn chẳng tày gang,’ năm 1871, La Païva bỗng chốc khiến cả nước Pháp ghét bỏ.

Cuộc chiến Pháp-Phổ bùng nổ giai đoạn nửa cuối thế kỉ 19, gây nên căng thẳng đặc biệt trong cộng đồng quý tộc mới nổi tại Paris. La Païva, một gái làng chơi từng sống lưu vong ở khu vực biên giới Đức, bị nghi ngờ là gián điệp phe đối lập. Thời gian này, bước vào một nhà hát opera, bà liên tục bị công chúng xì xào bàn tán.

Henri Herz - người ‘chồng hờ’ gốc Phổ La Païva quen biết trước kia càng khiến mọi người nghi ngờ lai lịch của bà. Là một kỹ nữ cao cấp, lại mang sắc tộc Do thái, giữa thời điểm nhạy cảm chính trị tại Pháp, ‘nữ hoàng’ bất đắc dĩ phải ra đi.

Cùng vị nhân tình giàu có thuộc dòng dõi Henckel von Donnersmarck, La Païva bí mật đến định cư tại Silesia (vùng đất nay nằm trong địa phận Ba Lan). Năm 1884, sau khi bà qua đời, người tình vì quá xót thương, đã không chôn cất La Païva. Thay vào đó, ông tẩm ướp cái xác bằng rượu, than khóc nhiều tháng liền bên cạnh di thể và sau cùng, chọn cách ‘giữ’ bà vĩnh viễn trên tầng áp mái căn dinh thự cả hai từng chung sống.

Năm 1901, vua nước Phổ Kaiser Wilhelm quyết định ban tặng tước vị cao nhất đối với một thành viên hoàng tộc, ‘thân vương,’ cho Guido Henckel von Donnersmarck. La Païva, người tình suốt nhiều năm của ông, sau khi chết, cuối cùng đã trở thành một ‘nữ hoàng’ đúng nghĩa.

Như Ý (dịch từ BBC)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Païva: Từ nàng kỹ nữ nghèo đến ‘bà hoàng’ nổi tiếng