Tôi không dám chắc nhưng có cảm nhận Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 vừa qua đã được xây dựng và đưa ra bàn thảo nghiêm túc, sôi nổi cũng có phần do ảnh hưởng của "sự cố Trịnh Xuân Thanh". Tôi cho rằng đây là một nghị quyết mang nhiều hơi thở của thực tiễn.

Kỷ luật tưởng nặng mà chưa nặng!

03/12/2016, 06:40

Tôi không dám chắc nhưng có cảm nhận Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 vừa qua đã được xây dựng và đưa ra bàn thảo nghiêm túc, sôi nổi cũng có phần do ảnh hưởng của "sự cố Trịnh Xuân Thanh". Tôi cho rằng đây là một nghị quyết mang nhiều hơi thở của thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng vừa thông báo kết luận kỳ họp thứ 8 của UBKTTW do ông chủ trì, trong đó có nội dung rất quan trọng, được dư luận đặc biệt chú ý và chờ đợi trong nhiều tháng qua. Đó là việc vì sao Trịnh Xuân Thanh điều hành bết bát, thua lỗ nhiều ngàn tỉ, không những không bị kỷ luật mà vẫn được bổ nhiệm, đề bạt liên tục 3 năm/4 chức rồi còn được quy hoạch "chui", tạo điều kiện cho "luân chuyển theo đường tiểu ngạch" về địa phương. Điều đó diễn ra nhiều khi cũng một phần dựa vào cái bảng thành tích đẹp như mơ trước đó của ông ta và đơn vị ông ta: Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) được khen thưởng dồn dập (hơn 2 năm mà đơn vị được 3 lần khen thưởng, rất không đúng quy định). Vậy thì ai là những trợ thủ giúp ông Thanh trong chặng đường chạy tội, chạy thành tích và chạy chức này?

Có nhiều người nói với tôi rằng: Vụ xe Lexus biển xanh ở Hậu Giang chỉ là chuyện" giọt nước tràn ly", là "không may" do anh này ngông nghênh, chủ quan, không quen chịu khổ nên đã dùng xe tư hạng sang gắn biển công đi lại. Việc này quá lộ liễu nên mới sinh chuyện và hệ luỵ đến biết bao người, nếu không thì làm gì có chuyện bị lộ!

Nếu ý tứ một chút sẽ thấy, không khéo chỉ vài tháng nữa thôi, anh ta đã có thể trở về Trung ương theo lộ trình "cài đặt" sẵn vốn được ông Vũ Huy Hoàng, với tư cách Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Công Thương "quy hoạch làm thứ trưởng" và một tương lai xán lạn hơn thế đang ở phía trước.

Nhưng trong vụ Trịnh Xuân Thanh dùng xe Lexus của cá nhân gắn biển công không đúng quy định, với cá nhân anh ta và gia đình, nó là cái "hoạ". Nhưng với Đảng, với tổ chức, với chế độ, đó chính là cái "phúc" lớn - một cái "phúc" bất đắc dĩ, bởi không một ai mong muốn – đó là phát hiện và loại được một con sâu trong bộ máy.

Với kết luận vừa thông qua, UBKTTW ra quyết định khiển trách 1 bí thư tỉnh ủy và 1 thứ trưởng, cảnh cáo 1 nguyên vụ trưởng và đề nghị lên Ban Bí thư xem xét, cảnh cáo 2 nguyên ủy viên Trung ương. Đây có lẽ cũng là tương đối nhiều nếu so với một số vụ sai phạm điển hình khoảng trên dưới 2 chục năm gần đây. Tuy nhiên, mức xử tưởng nặng nhưng không hẳn đã nặng, nhất là mức "nặng" lại không thấy trong số cán bộ đương chức mà chỉ là người đã nghỉ hưu.

Song, qua đó, mọi cán bộ đảng viên, những người có chức, có quyền trong xã hội hôm nay sẽ thấy phải tự chỉnh đốn lại mình nếu muốn cống hiến công sức, trí tuệ của mình một cách nghiêm túc, phụng sự nhân dân và Tổ quốc và không gây ảnh hưởng đến người thân họ. Tôi không dám chắc nhưng có cảm nhận Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 vừa qua đã được xây dựng và đưa ra bàn thảo nghiêm túc, sôi nổi cũng có phần do ảnh hưởng của "sự cố Trịnh Xuân Thanh". Tôi cho rằng đây là một nghị quyết mang nhiều hơi thở của thực tiễn.

Thực ra, việc chỉnh đốn Đảng không phải mãi sau này mới bàn và thực hiện. Ngay trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết năm 1968, Người đã căn dặn nhiều điểm cụ thể về công tác Đảng, về việc chăm lo đời sống nhân dân, hạnh phúc con người, về những điều mà Người vẫn còn trăn trở. Phần nói về công tác chỉnh đốn Đảng, bản di chúc viết lần thứ 2 viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình...”.

Tôi nhắc lại chuyện này để thấy, với một đảng cầm quyền, nếu muốn lành mạnh và trường tồn, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên và hết sức hệ trọng. Tình trạng "buôn quan bán chức" trong tổ chức Đảng hiện nay không thể nói rằng không có. Chí ít, dù chưa có đủ bằng chứng để chứng minh, thì vụ việc Trịnh Xuân Thanh vừa xảy ra hồi tháng 6.2016 cần được soi chiếu thật nghiêm túc.

Vụ “luân chuyển” Trịnh Xuân Thanh về làm lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và tham gia cấp ủy địa phương, theo kết luận của UBKTTW là trái nguyên tắc, không đúng với chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban bí thư. Ông Thanh không thuộc diện đưa vào nguồn quy hoạch để đưa đi cơ sở thử thách. Vậy tại sao các vị có trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương Đảng lại có thể tham mưu và ký đồng ý "vô tư" đến vậy trong khi họ có nghiệp vụ đầy mình? Rất khó chấp nhận cái gọi là "vô tư" của những người có trách nhiệm trong sự việc nói trên. Tôi nghĩ, để làm được việc hệ trọng này, người ta phải "hiệp đồng tác chiến" rất nhịp nhàng, uyển chuyển, kẻ tung người hứng. Nếu không thì làm sao lại có thể có chuyện văn bản Trung ương gửi buổi sáng, vài tiếng sau địa phương đã phúc đáp tiếp nhận? Làm sao có chuyện như Bộ Nội vụ trả lời một việc hệ trọng với Ban Tổ chức Trung ương mà không nghiên cứu ký văn bản hiện hành như thế được?

Và cho dù không tìm ra bằng chứng họ trục lợi đi nữa, dư luận vẫn muốn các cơ quan có trách nhiệm điều tra mở rộng và truy tới cùng vụ việc. Dư luận có phải không biết rằng một số cán bộ cấp cao nói trên (dù cho mới ở cấp chức đó), lương chỉ có trên chục triệu cho đến mười lăm triệu đồng (kể cả phụ cấp làm công tác Đảng đi nữa) mà mua được vài ba ngôi biệt thự, xe sang như có vị tôi từng biết. Đó chính là kẽ hở của việc kê khai tài sản theo pháp lệnh hiện hành rất nửa vời. Nó không có tác dụng ngăn chặn tệ nạn tham nhũng đang lộng hành chứ đừng nói là đủ mạnh để tẩy trừ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội.

Mong rằng, các cơ quan tham mưu của Đảng nhân đây sẽ tập trung nghiên cứu sâu hơn những kẽ hở đang tồn tại trong công tác bổ nhiệm và quy hoạch cán bộ. Từ đó đi tới ban hành những văn bản quy định chặt chẽ hơn nữa để làm sao không thể có chuyện người có trách nhiệm "lách luật" mà làm trái nguyên tắc Đảng. Mọi việc cố ý làm trái, cần quy trách nhiệm là lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi. Phải làm sao để các công bộc của Đảng sợ mà không dám tham nhũng.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ luật tưởng nặng mà chưa nặng!