Ròng rã suốt 1 năm, hàng ngàn con cá tra tự nhiên bơi đến bến nước của 1 hộ dân để trú ngụ. Đặc biệt đàn cá này chỉ thích ăn cốm gạo.

Kỳ lạ đàn cá hàng ngàn con kéo đến một bến nước của hộ dân chờ cho ăn

Tô Văn | 15/05/2021, 09:08

Ròng rã suốt 1 năm, hàng ngàn con cá tra tự nhiên bơi đến bến nước của 1 hộ dân để trú ngụ. Đặc biệt đàn cá này chỉ thích ăn cốm gạo.

Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới, tại con rạch Thị Đam (cách cửa ra sông Hậu khoảng 300 mét) phía sau một nhà dân là ao lục bình sâu khoảng 2 mét và được quây lại bằng những thanh tre. Ở giữa là nơi hàng ngàn con cá tra trú ngụ, liên tục quẫy đuôi làm nước bắn tung tóe. Không chỉ thế, đàn cá này rất khôn, dù thấy người hay ghe, vỏ lãi tấp vào xem, không những chúng không sợ mà còn há miệng, quẫy đuôi chờ cho ăn.

5-ca-tra-.jpg
Ước lượng đàn cá tại đây hơn 10 tấn. Ngoài cá tra trắng, tra đen thường thấy, còn cá có cả chép đỏ và mè vinh trú ngụ - Ảnh: Tô Văn

Bà Lương Thanh Hảo (45 tuổi, chủ nhà, nơi đàn cá tra tự nhiên đến ở) cho biết hàng ngàn con cá tra kéo đến bến nước sau nhà khoảng 1 năm nay. “Lúc trước con rạch này không có cá và lục bình nên ông già của tui mới bắc cây cầu khỉ ra con rạch để mọi người rửa chén, giặt đồ. Nhớ không lầm, trong một lần ông già đang giặt đồ vì đi ruộng về thì phát hiện có rất nhiều con cá tra (trọng lượng khoảng 1kg) quẫy đuôi bơi xung quanh.

1-ca-tra.jpg
Tại con rạch Thị Đam (cách cửa ra sông Hậu khoảng 300 mét) là ao lục bình sâu khoảng 2 mét, được bao bọc bằng những thanh tre - Ảnh: Tô Văn

Thấy vậy, ông già tui liền kêu mọi người ra xem sự việc lạ này. Trong lúc đứng xem, có đứa cháu tui nó đang ăn cốm gạo liền bẻ nửa cái bánh bóp vụn ra thảy xuống. Lúc này, đàn cá tranh nhau đớp mồi trông sướng mắt. Mấy ngày sau đó, đàn cá kéo đến đông hơn và hiện tại lên tới vài ngàn con đủ mọi kích cỡ. Ước lượng khoảng hơn 10 tấn. Ngoài cá tra trắng, tra đen thường thấy, còn cá có cả chép đỏ và mè vinh trú ngụ”, bà Hảo nói.

2-ca-tra.jpg
Hàng ngàn con cá cư ngụ tại bến nước nhà bà Hảo gần 1 năm nay - Ảnh: Tô Văn

Bà Hảo cho biết thêm, đàn cá này là cá sông tự nhiên có thể bơi từ cửa sông Hậu vào con rạch. Người dân địa phương ở đây không ai nuôi cá hoặc có hầm cá để cá thoát ra. Vì vậy, lũ cá này từ đâu đến ở tại bến nước sau nhà bà rồi trú ngụ thật là điều kỳ lạ. Ban đầu khi lũ cá mới xuất hiện gia đình khá lo vì sợ không nuôi nổi chúng. Nhưng chuyện hàng ngàn con cá đến ở nhờ gia đình đã lan truyền khắp ấp. Vì vậy, nhiều người đến xem rồi hỗ trợ tiền mua thức ăn hoặc cho rau củ làm gia đình đỡ phần chi phí nuôi.

3-ca-tra.jpg
Một người thích thú dùng tay dễ dàng bắt cá lên coi - Ảnh: Tô Văn

Mỗi ngày gia đình bà Hảo cho chúng ăn 3 cữ (sáng, trưa, chiều) khẩu phần ăn của lũ cá gồm cốm gạo (mua gần nhà) và rau củ. Trung bình mỗi ngày chúng ăn khoảng 3 bao cốm và 15kg rau củ.

“Có một đêm, gia đình đang ngủ thì nghe từ phía sau cá quẫy đuôi liên tục. Thấy vậy, ông già tui cầm đèn pin ra phía sau coi có chuyện gì xảy ra. Trong lúc lia đèn pin thì thấy có mấy cái bóng người đang xiệc điện bắt cá. Đứng rình khoảng 15 phút thì thấy họ lắc đầu bỏ đi vì không xiệc được con cá nào (mặc dù ông già nghe tiếng quẫy đuôi trên mặt nước rất mạnh). Qua vụ việc đó, nên ông già cùng người nhà lấy tre rào lại để bảo vệ đàn cá”, bà Hảo kể.

4-ca-tra.jpg
Mỗi ngày gia đình cho chúng ăn 3 cữ (sáng, trưa, chiều), gồm cốm gạo và rau - Ảnh: Tô Văn

Ông Trần Văn Sê (54 tuổi, ngụ địa phương) nói đàn cá lại trú ngụ tại gia đình bà Hảo báo hiệu sự may mắn, mối lương duyên giữa người và con vật. “Từ ngày lũ cá đến đây, luôn có người đến xem và cho cá ăn... Mỗi lần ghé đến, tui và mấy đứa cháu đều mua 1 bao cốm gạo cho chúng ăn. Sau đó răn dạy mấy đứa cháu phải biết yêu thương loài vật, bớt sát sinh và làm phước thật nhiều”, ông Sê nói.

6-ca-tra.jpg
Bà Lương Thanh Hảo trò chuyện với PV - Ảnh: Tô Văn

Ông Lê Trung Anh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Đông cho biết xã đã nắm được sự việc và nhận thấy người dân địa phương đều dành tình cảm đặc biệt cho lũ cá tại nhà bà Hảo. “UBND xã đã ra kế hoạch bảo vệ, cử lực lượng công an đi tuần và cảnh báo cấm đánh bắt cá mọi hình thức tại con rạch Thị Đam. Ngoài ra, địa phương cũng tuyên truyền cho bà con không mê tín dị đoan gây mất an ninh trật tự. Hiện nay, địa phương cũng kêu gọi các nhà hảo tâm và tổ từ thiện ủng hộ tiếp sức cho gia đình bà Hảo nuôi đàn cá nhằm mục đích tái tạo nguồn lợi thủy sản”, ông Anh cho biết.

Bài liên quan
Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL: Triển vọng và thách thức
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỉ USD, song ngành này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ lạ đàn cá hàng ngàn con kéo đến một bến nước của hộ dân chờ cho ăn