Và một lần nọ không may cho số phận của một thuộc cấp trẻ dưới quyền của Vĩnh Lộc, khi có một anh trung úy đang ngồi uống cà phê tán gẫu với ca sĩ Hoàng Yến tại Câu lạc bộ bị ông ta bắt gặp. Chẳng cần biết mối quan hệ ấy thế nào, giữa hai người có tình ý gì không hay chỉ là mối quan hệ xã giao bình thường Vĩnh Lộc cũng nổi máu ghen đùng đùng và lập tức gọi anh trung úy đang tùng sự tại phòng hành quân sư đoàn lên trình diện, quát tháo nhặng xị, đỏ mặt tía tai.
Tội nghiệp cho viên trung úy trẻ chẳng hiểu nguyên cớ gì mà chuẩn tướng lại nổi cơn lôi đình với mình như thế. Sáng hôm sau anh trung úy hiểu ra thì đã muộn vì chuẩn tướng Vĩnh Lộc đã ký quyết định thuyên chuyển anh ta ra một đơn vị tác chiến. Quân lệnh như sơn, anh trung úy chỉ còn xách ba lô lên và ra đi không hẹn ngày trở lại.
Chuẩn tướng Vĩnh Lộc bị cú trời đánh
Mấy tháng sau đó, trong lúc Vĩnh Lộc đang hiu hiu tự đắc thể hiện uy quyền của một viên chuẩn tướng tư lệnh với đòn đánh phủ đầu rát mặt, nhằm răn đe tất cả những sĩ quan trẻ chớ có nằm mơ giữa ban ngày trong việc tán tỉnh ca sĩ riêng của chuẩn tướng. Bất ngờ một ngày đẹp trời người yêu bé nhỏ Hoàng Yến viết cho ông ta một bức thư báo tin sét đánh: “em đã có thai với chuẩn tướng rồi nên xin phép nghỉ ở nhà dưỡng thai”.
Đúng là một cú choáng hơn trời đánh, càng choáng hơn khi gia đình ca sĩ Hoàng Yến tung tin này ra khắp thị xã Sa Đéc để uy hiếp tinh thần Vĩnh Lộc và đòi ông ta phải có trách nhiệm với cái bào thai ấy, nếu không sẽ nhờ tới báo chí can thiệp. Biết đụng vào ổ kiến lửa và cô ca sĩ nai tơ ngày nào đã hóa cáo, để yên chuyện Vĩnh Lộc đã “thể hiện trách nhiệm” bằng việc mua cho Hoàng Yến một ngôi nhà bề thế nằm trên đường Phan Thanh Giản dọc theo bờ sông Sa Đéc và dúi vào tay nàng một số hiện kim để chuẩn bị cho việc “vượt cạn”. Nào ngờ, đợi mãi mà chẳng thấy cái bụng cô nàng phình ra giống một người có bầu để “hai hoa nở nhụy”. Hóa ra chuẩn tướng tư lệnh bị lừa một vố quá cỡ thợ mộc, đau như bị “hồi mã thương”. Nhưng biết làm sao được, chuẩn tướng tư lệnh mà dại gái thì cũng chết thôi.
Đường tán gái thì trắc trở với mối hận Hoàng Yến, nhưng đường hoạn lộ của Vĩnh Lộc lại thênh thang mở ra trước mắt. Tháng 6-1965, Vĩnh Lộc được Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 2, kiêm Tư lệnh vùng 2 chiến thuật và thăng cấp thiếu tướng (chắc nhờ có tay trong là trung tướng Đặng Văn Quang, phụ tá An ninh của Nguyễn Văn Thiệu).
Vùng 2 chiến thuật nằm trong sự cai quản của Vĩnh Lộc giống như một lãnh thổ riêng, rộng lớn và trải dài từ chân đèo Bình Đê, giáp ranh hai tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định chạy dọc vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến hết tỉnh Bình Thuận và bao bọc hết khu vực Tây Nguyên rộng lớn vừa giàu tài nguyên rừng, thủy hải sản. Vĩnh Lộc khôn khéo chọn Pleiku là nơi đóng đại bản doanh của một tướng vùng, vì Pleiku đẹp, hùng vĩ, trù phú. Và chỉ một năm sau với quyền lực và giàu có, lại nằm trong “đường dây” buôn lậu của Đặng Văn Quang- Mai Anh (vợ Thiệu), Vĩnh Lộc được “bốc” lên trung tướng trước sự ngỡ ngàng của các đồng sự và thuộc cấp. Đến thời điểm này Vĩnh Lộc đích thực là “vua một cõi” đúng như tên gọi đầy oán hờn sau này của Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường trong bài hát "Hoa trinh nữ" khi bị “vua” Vĩnh Lộc phổng tay trên ca sĩ Minh Hiếu.
Vua một cõi “Anh cả Trường Sơn” bị ca sĩ Minh Hiếu hớp hồn
Có quyền lực trong tay, phất lên thành một tướng vùng giàu có và gia thế hoàng tộc, Vĩnh Lộc bắt đầu trò ngông. Mỗi lần đi “kinh lý”, hoặc dự các buổi lễ lớn bất kể là việc quân hay việc dân tổ chức trên lãnh thổ do mình cai quản Vĩnh Lộc đều chơi nổi, không đi bằng ô tô mà… cưỡi voi, mặc bộ thổ cẩm của dân tộc thiểu số tới địa điểm hành lễ để thu hút mọi ánh mắt ngưỡng mộ đổ dồn vào mình. Đồng thời cũng “diễn vở tuồng” hòa đồng, gắn bó với các sắc tộc ở Tây Nguyên. Cũng với màn kịch này, Vĩnh Lộc tự xưng mình là : “Anh cả Trường Sơn”, không phải Trường Sơn Đông nắng Tây mưa trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ mà là Trường Sơn từ tên gọi tắt của “ Đoàn xây dựng sơn thôn” của chính quyền Sài Gòn được tung về các bản làng giúp đỡ, lấy lòng đồng bào sắc tộc. Vĩnh Lộc ngẫu hứng xưng là “anh cả” của lực lượng này cho nó “oách”. Thế thôi.
Và rồi chính tại đại bản doanh của tướng vùng 2 Vĩnh Lộc, một lần ca sĩ Minh Hiếu theo “Biệt đoàn văn nghệ Hoa tình thương” của “binh chủng” chiến tranh tâm lý lên Pleiku phục vụ văn nghệ cho lính. Những buổi văn nghệ này đều có Vĩnh Lộc dự, và trước vẻ đẹp “thô mộc” của con chim sơn ca đất rừng cao su Bình Long được gột rửa bằng phấn son Sài thành hoa lệ, dày dạn trong tình trường và giọng hát khàn khàn, âm trầm ma quái của Minh Hiếu đã hớp hồn viên tướng tư lệnh vùng đầy quyền uy “vua một cõi”. Ngược lại, khi đứng hát trên sân khấu và khi dự tiệc thiết đãi của tướng vùng, Minh Hiếu đã nhận ra ánh mắt si tình của Vĩnh Lộc nhìn xoáy vào cô, có điên mới không biết ông tướng vùng này muốn gì. Thế là Minh Hiếu vừa… buông vừa thủ, làm cho không phải người điên là Minh Hiếu mà chính là ông tướng vùng Vĩnh Lộc.
Về lại Sài Gòn, Vĩnh Lộc thường xuyên gọi điện thọai cho Minh Hiếu, tha thiết mời cô ca sĩ ra Pleiku “hát riêng” cho mình nghe. Sau một tuần lễ bắt ông tướng mỏi mòn chờ đợi trong sự hồi hộp, căng thẳng, Minh Hiếu nhận lời một mình ra gặp Vĩnh Lộc ở điểm hẹn Phú Yên.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường