Ngày 26.06.2015, nước Mỹ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ cùng với sự vỡ òa của cộng đồng LGBT và người ủng hộ. Mặc dù vậy, có lẽ ít ai biết được rằng, để đi được đến đoạn cuối con đường, cộng đồng LGBT ở Mỹ đã phải trải qua 46 năm đấu tranh chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

Kỳ 2: Chiến thắng đầu tiên mang tên Massachusetts

Một Thế Giới | 09/07/2015, 15:25

Ngày 26.06.2015, nước Mỹ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ cùng với sự vỡ òa của cộng đồng LGBT và người ủng hộ. Mặc dù vậy, có lẽ ít ai biết được rằng, để đi được đến đoạn cuối con đường, cộng đồng LGBT ở Mỹ đã phải trải qua 46 năm đấu tranh chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

Nước Mỹ và 46 năm tìm kiếm hôn nhân bình đẳng - Kỳ 1: Stonewall: Khởi đầu của một ước mơ cho LGBT Mỹ
Những tranh cãi gay gắt
Mặc dù phong trào đấu tranh cho quyền của người LGBT tại Mỹ bắt đầu từ năm 1972 thế nhưng đến hết thế kỷ XX thì các tiểu bang mới lần lượt thông qua các đạo luật giới hạn tự do hôn nhân. Ngoài ra, sự ra đời của Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân (DOMA), thừa nhận hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ của chính quyền liên bang vào năm 1996 đã khiến cho mọi nỗ lực của cộng đồng LGBT Mỹ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tại tiểu bang Massachusetts, tình hình có vẻ khá khẩm hơn. 
Hon nhan dong tinh, cong dong LGBT, Massachusetts
Từ năm 1973, tiểu bang Massachusetts đã thông qua đạo luật cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục. Đến đầu thập niên 1990, quyền của các cặp đôi đồng giới tại đây dần được mở rộng dù vẫn còn giới hạn. Những bước tiến này khiến người ta đặt ra câu hỏi: Liệu Massachusetts có tạo nên một sự bất ngờ khi mà cộng đồng LGBT trên khắp nước Mỹ đang bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất của chính họ?
Cũng trong khoảng thời gian này, những tranh luận đầu tiên về chủ đề hôn nhân đồng giới bắt đầu xuất hiện tại Massachusetts. Liên minh Quyền Dân sự của người đồng tính đã phát động chiến dịch Đấu tranh cho hôn nhân bình đẳng từ năm 1991. Thống đốc bang Massachusetts lúc đó, ông Bill Weld, cho biết ông đã sẵn sàng đối thoại với Liên minh này nhưng khẳng định ông không thể tự mình quyết định. 
Hon nhan dong tinh, cong dong LGBT, Massachusetts
Ông Bill Weld
Từ năm 1998 đến 2003, trước việc hàng loạt các tiểu bang sửa đổi luật và đưa ra các điều luật nhằm tái định nghĩa hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ, một số chính trị gia của Massachusetts đã đệ trình dự luật tương tự lên cơ quan lập pháp tiểu bang nhằm ngăn cản người đồng tính được kết hôn hợp pháp. Các nhóm hoạt đồng quyền cho người LGBT ngay lập tức đã đệ đơn lên Tòa án tiểu bang để tìm kiếm sự phủ quyết cho dự luật kể trên. 
Ngày 07.05.2002, Chánh án tòa sơ thẩm Hạt Suffolk, Thomas E. Connolly, tuyên bố thực trạng hôn nhân tại Massachusetts cần được giới hạn cho các cặp đôi dị tính, các cặp đôi đồng tính không nên có quyền này vì “mục đích chính của hôn nhân là duy trì nòi giống”. Ông cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp. 
Tiểu bang đầu tiên nói "đồng ý"
Hon nhan dong tinh, cong dong LGBT, Massachusetts
Phản ứng lại với phán quyết của chánh án Thomas, đơn kháng án được chuyển đến Tòa phúc thẩm tiểu bang. Ngày 18.11.2003, Tòa thượng thẩm đưa ra phán quyết rằng điều luật cấm hôn nhân đồng giới ở Massachusetts là vi hiến; đồng thời đưa ra định nghĩa “hôn nhân nghĩa là sự kết hợp tự nguyện giữa hai cá nhân”. Tòa cho chính quyền tiểu bang 180 ngày để có những hành động chuẩn bị thực thi phán quyết kể trên.
Trong thời gian sau đó, phe đối lập trong chính quyền Massachusetts nỗ lực nhằm thay đổi quyết định của tòa án, bao gồm việc đề xuất dự luật Kết hợp Dân sự cho các cặp đôi đồng tính thay cho hôn nhân, nỗ lực thay đổi hiến pháp tiểu bang thậm chí còn đệ trình kháng án lên Tòa án Liên bang. Tuy nhiên, mọi cố gắng của phe chống đối đã buộc phải chấm dứt bằng việc Tòa án Liên bang từ chối tiếp nhận vụ việc. 
Thời khắc lịch sử sau cùng cũng đã đến. Khi kim đồng hồ chỉ sang 12 giờ 01 phút ngày 17.05.2004, Tòa thị chính ở thành phố Cambridge chính thức mở cửa và tiến hành thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn cho 262 cặp đồng giới. Hai người thực hiện thủ tục kết hôn đầu tiên trên toàn nước Mỹ được ghi nhận là bà Marcia Hams và bà Susan Shepherd. 
Hon nhan dong tinh, cong dong LGBT, Massachusetts
Bà Marcia Hams và bà Susan Shepherd là cặp đôi đồng giới đầu tiên của Mỹ đăng ký kết hôn
Theo khảo sát của Boston Globe, một nửa trong số các cặp đôi đăng ký kết hôn đã ở bên nhau trong ít nhất một thập kỷ, hai phần ba trong số đó là phụ nữ và một phần ba đã nhận con nuôi. Trong tuần lễ đầu, đã có 2.468 cặp đôi đến đăng ký kết hôn, trong đó có ít nhất 164 cặp đến từ 27 tiểu bang khác. 
Tổng thống Mỹ lúc đó là George W.Bush đã kêu gọi sửa đổi Hiến pháp Liên bang để hôn nhân là giữa một nam và một nữ. Phe bảo thủ cũng có hàng loạt những kế hoạch nhằm thay đổi Hiến pháp Massachusetts những năm sau đó nhưng đều không thành công. Massachusetts đã ghi tên mình vào lịch sử nước Mỹ như là tiểu bang đầu tiên công nhận hôn nhân bình đẳng. Phải mãi đến tận 5 năm sau, California mới là tiểu bang kế tiếp thừa nhận quyền này của cộng đồng LGBT, mặc dù nó đã gây nên vụ việc về Dự luật số 8 đình đám kéo dài trong suốt nhiều năm sau đó.
Có thể nói, Massachusetts đã thách thức toàn nước Mỹ và là nguồn động viên vô giá cho những người yêu bình đẳng ở tất cả những tiểu bang khác có thể đứng lên để đấu tranh cho cái quyền mà cộng đồng LGBT xứng đáng được nhận như tất cả các công dân khác của Mỹ. 
(Còn tiếp)
Anh Khang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Chiến thắng đầu tiên mang tên Massachusetts