Hơn 64 năm sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên đẫm máu, gia đình một cựu binh Mỹ mất tích vẫn đòi chính phủ Mỹ trả lời việc có phải ông là tù binh bị quân đội CHDCND Triều Tiên bắt rồi áp giải cho Liên Xô giam giữ ở Siberia hay không?

Kỳ 1: Tù binh Mỹ còn sống, bị nhốt ở Nga

20/08/2017, 14:01

Hơn 64 năm sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên đẫm máu, gia đình một cựu binh Mỹ mất tích vẫn đòi chính phủ Mỹ trả lời việc có phải ông là tù binh bị quân đội CHDCND Triều Tiên bắt rồi áp giải cho Liên Xô giam giữ ở Siberia hay không?

Một nhóm lính Mỹ bị bắt làm tù binh - Ảnh: The Sun

Theo Newsweek, đại úy không quân Mỹ Harry Cecil Moore là một trong hơn 326.000 lính Mỹ hỗ trợ quân Hàn Quốc chống lại quân đội Triều Tiên thời ông Kim Nhật Thành trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ngày 1.6.1951, chiếc F1 Mustang của Moore bị bắn rơi trên Biển Đông và ông trở thành một trong hàng chục ngàn lính Mỹ mất tích khi chiến đấu (MIA) trong cuộc chiến đẫm máu này. Ngày 31.12.1953, quân đội Mỹ chính thức thông báo Moore đã tử trận.

Những manh mối từ Ủy ban hợp tác Mỹ - Nga về POW/MIA

Năm 1989, nhà báo điều tra và sử gia Mark Sauter bắt đầu tìm hiểu những gì xảy ra với các MIA Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Sauter có thêm cảm hứng sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và qua năm 1992, Ủy ban hợp tác Mỹ - Nga tìm kiếm tù binh và binh lính mất tích (POW/MIA) được thành lập.

Đó là lần đầu tiên các quan chức Mỹ được tiếp cận tài liệu Nga và các cựu binh Liên Xô. Trong đó có vài thông tin xác nhận một số phi công Mỹ bị bắt làm tù binh và đưa qua Liên Xô để cải tạo ở vùng Siberia.

Dù đại úy Harry Moore không bao giờ được nhắc đến nhưng dường như ủy ban này tìm được vài thông tin về ông:

+ Một cựu binh không quân Liên Xô nhớ đã từng bắt một phi công Mỹ có vẻ ngoài giống đại úy Moore.

+ Năm 1993, một nhân chứng người Estonia cho biết ông “có nhớ một đại úy Harry hoặc Gary Moore” bị bắn rơi hồi hè 1951 và bị Sư đoàn không quân chiến đấu Liên Xô thứ 64 thẩm vấn.

+ Có thể chứng cứ gây sốc nhất là vào năm 1997, khi các đại diện Mỹ phỏng vấn Aleksey Alekseevich Kalyuzhniy ở Ukraine. Kalyuzhniy khoe ông đã lái chiếc MiG-15 bắn hạ chiếc F1 Mustang của Moore vào ngày 1.6.1951 và ông đã thấy chiếc máy bay Mỹ đáp xuống một khu đất gần bờ biển bán đảo Triều Tiên.

Kalyuzhniy kể: “Xem ra phi công chiếc F-51 hoàn toàn kiểm soát được chiếc máy bay, nó hạ cánh nhẹ nhàng”. Ông cũng tin là phi công Mỹ dễ dàng thoát ra khỏi chiếc máy bay.

Ủy ban Mỹ - Nga về POW/MIA tìm được nhiều thông tin, nhưng việc tốn hàng triệu USD vào nỗ lực này không tìm ra được lính Mỹ nào còn sống.

"Vụ che giấu vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ"

Gần nửa thế kỷ sau khi chấp nhận số phận phũ phàng của người anh trai, Bob Moore nhận được một bức thư của không quân Mỹ gửi ngày 19.7.2002. Bức thư cung cấp một thông tin bất ngờ: “Có thể đại úy Moore sống sót và có thể bị quan chức Liên Xô thẩm vấn”.

Nhiều năm trôi qua không có thông tin nào thêm về số phận viên đại úy và chính phủ Mỹ từ chối cung cấp tài liệu vẫn còn dấu mật cho đến nay.

Thông tin của cựu phi công Liên Xô Kalyuzhniy chỉ đến với người em ruột của đại úy Moore là Bob Moore năm 2002, khi không quân Mỹ thông báo anh trai ông được chính thức chuyển từ “bị giết trong hành động” (KIA) sang MIA.

Kết hợp với lá thư do không quân Mỹ gửi năm 2002, Bob Moore tin tưởng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đang tìm kiếm thông tin về người anh của ông, nhưng từ đó ông không nhận được thêm thông tin nào.

Sau khi anh trai mất tích, Bob Moore (hiện nay 91 tuổi) đã cưới người vợ của anh trai. Ông Bob Moore cho biết vẫn muốn tìm ra sự thật và dọa sẽ kiện chính phủ Mỹ để đòi họ cung cấp thông tin mật.

Đối với Bob Moore, cuộc tìm kiếm thông tin về người anh ruột là nỗ lực cuối cùng của ông. Ông rất nhớ người anh Harry Moore đã gia nhập không quân Mỹ sau khi quân Nhật tấn công căn cứ Trân Châu Cảng của Mỹ hồi Thế chiến 2.

Ảnh đại úy không quân Harry Moore do gia đình cung cấp

Ông nhớ cả chuyện anh trai từng bị bắn rơi máy bay trên bầu trời Trung Hoa ngày 27.10.1944. Lúc đó, Harry Moore can đảm đi bộ suốt 51 ngày trong vùng rừng núi trước khi gặp quân lính Trung Hoa (đồng minh của Mỹ trong Thế chiến 2).

Sau khi Harry Moore trở về Mỹ và lấy vợ (nay là em dâu) ông lại lên đường đến Philippines trú đóng năm 1948, rồi đến Hàn Quốc năm 1950. Và những gì xảy ra sau đó vẫn là bí mật.

Người em ruột Bob Moore vẫn quyết tìm ra lý do tại sao chính phủ Mỹ tiếp tục giấu thông tin về số phận anh trai mình. Ông nói: “Chúng tôi đã từng dại khờ, tin tưởng vào chính phủ. Nhưng nay chúng tôi không tin nữa, nhất là sau những tuyên bố gây phẫn nộ của họ”.

Ông còn nói đây là “vụ che giấu thông tin vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ. Chúng tôi không thể để họ thoát được”.

(còn tiếp)

Tô Mỹ (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Tù binh Mỹ còn sống, bị nhốt ở Nga