Liên quan đến đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để làm chỗ tái định cư của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Hà Nội, cho rằng điều này chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà chưa tính đến nhiều yếu tố khác.
Đề xuất khó chấp nhận
Theo kiến trúc sưĐào Ngọc Nghiêm, việc cải tạo, tái định cư các khu chung cư cũ là một vấn đề rất nóng của Hà Nội. Rất hoan nghênh các chủ đầu tư đề ra các giải pháp linh hoạt, mạnh dạn để tháo gỡ vấn đề đã ùn tắc 20 năm nay. Đây là một chủ trương được xác định trong quy hoạch chung của thủ đô.
Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, những đóng góp đó phải được tuân thủ theo nguyên tắc chung đã được thể chế hóa. Đó là tuân thủ quy hoạch chung của Hà Nội, giữ nguyên mật độ xây dựng, không xây dựng các công trình cao tầng, không tăng dân số ở khu vực nội đô. Do đó, đề xuất lấp hồ Thành Công để làm chỗ tái định cư là khó chấp nhận.
Ông Nghiêm cho rằng, trong quá trình xây dựng phải chú trọng nguồn lực để bảo vệ giá trị kiến trúc cảnh quan. Hiện nay nội đô Hà Nội mới đạt bình quân 5m2 không gian xanh trên đầu người, thua rất xa các nước khác.
“Trong không gian xanh đó có cả diện tích mặt nước, nếu lấp hồ Thành Công thì không đảm bảo tiêu chí này. Trong nội đô có 121 hồ nước, trước đây, rất nhiều hồ đã bị lấp do thiếu quản lý nên hiện nay cần phải phát triển thêm diện tích mặt nước bởi Hà Nội đang hướng tới thành phố xanh với mức 12m2 không gian xanh trên đầu người”, ông Nghiêm nói.
Chuyên gia này cho rằng, khi lấp hồ để tạo thuận lợi cho tái định cư thì sẽ không giảm được dân số nội đô mà còn tác động đến hạ tầng kỹthuật xung quanh như cấp nước, thoát nước… Lấp chỗ này có đào chỗ khác cũng làm thay đổi quy hoạch khung, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu càng có tác động không tốt.
Ông Nghiêm cho biết, khi lấp hồ đi để làm thì đã động vào thụ cảm thẩm mỹđã được xác định, làm thay đổi không gian kiến trúc cảnh quan đã được xác định. Do đó, đừng lấp chỗ này, khoét chỗ kia, giải pháp ấy chưa tính tới tổng thể quy hoạch. Cách làm này cũng không tuân theo quy hoạch chung.
“Cần phải xem xét lại đề xuất này, bởi vì đề xuất này có lợi cho doanh nghiệp mà không tính đến các yếu tố khác”, ôngnói.
Hiện nay đã có nhiều cơ chế thoáng đối với những người tái định cư như có thể được sống tại chỗ, được mua nhà chỗ khác hoặc được nhận tiền. Bên cạnh đó, 27 điều trong Luật Thủ đô có 12 điều liên quan đến chính sách cải tạo. Cơ chế thoáng như vậy sao không thực hiện mà lại chỉ thích ở tại chỗ?
“Theo tôi, lý do là ai cũng thích ở mặt hồ, có cảnh quan tốt, điều kiện sống tốt, sẽ bán dễ hơn. Doanh nghiệp rất khôn ở chỗ đó. Tôi hy vọng lãnh đạo Hà Nội cần quyết tâm trong vấn đề này”, ông Nghiêm nói.
PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại họcKiến trúc Hà Nội thậm chí còn gay gắt hơn. Ông Hanh cho rằng, hồ Thành Công là tài sản công và không thể tư nhân hóa được. Do đó, đề xuất này thể hiện doanh nghiệp không hiểu biết gì về pháp luật, về đất đai.
Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, không nhất thiết phải lấp hồ thì mới cải tạo được chung cư cũ. Tuy nhiên, GS Võ cũng cho rằng, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào quy hoạch, nếu chủ đầu tư bù được đủ diện tích mặt hồ thì cũng có thể xem xét. Bên cạnh đó, bù ở đâu, bù thế nào là vấn đề cần xem xét.
“Diện tích hồ nhân tạo với hồ tự nhiên có nhiều điểm khác nhau, liệu có hợp lý, đảm bảo về tính chất hay không?Ví dụ như có đảm bảo thu được nước lúc ngập lụt hay không… Do đó, các nhà chuyên môn cần phải có những đánh giá kỹlưỡng”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Nhiều bí mật chưa được “bật mí”
Dù bị dư luận và các chuyên gia phản đối nhưng Vihajico đang trong quá trình hoàn thiện các phương án quy hoạch đề xuất cho đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu tập thể Thành Công. Đồng thời, doanh nghiệp đã trình các đề xuất về chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch lên Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng để lấy ý kiến triển khai thực hiện dự án.
Doanh nghiệp này dự kiến hoán đổi toàn bộ diện tích khoảng 1ha đất trong phạm vi công viên và hồ Thành Công để xây dựng nhà tái định cư tại chỗ cho người dân; hoàn lại bằng cách điều chỉnh mở rộng ranh giới hồ vào trong khu dân cư mới, lấy ra được khoảng 1ha từ quỹ đất của công viên và hồ Thành Công.
Theo đại diện doanh nghiệp, làm như vậysẽ hoàn trả đúng diện tích công viên và hồ Thành Công vào trong ranh giới quy hoạch được giao, đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước đô thị theo đúng quy hoạch phân khu. Thực tế, diện tích mặt nước hoàn toàn không thay đổi so với diện tích cũ, đồng thời lại khai thác cảnh quan hồ Thành Công cho khu vực được hiệu quả hơn do gắn kết công viên hồ với cộng đồng dân cư trong đô thị.
Tuy nhiên, dù chủ đầu tư cho biết người dân đồng ý với phương án họ đưa ra nhưng đa số người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ phường Thành Công đều khẳng định không hề biết về đề xuất lấp hồ xây nhà tái định cư của Vihajico.
Để thực hiện đồ án đạt chất lượng quy hoạch tốt nhất, các phương án này đã được công ty làm việc chặt chẽ với đơn vị tư vấn uy tín Singapore. Đơn vị này đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh, trong đó có phương án như trên. Đây cũng là đơn vị đã thực hiện công tác quy hoạch thiết kế cho nhiều dự án lớn trên thế giới.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó giám đốc PR Makerting Vihajico cũng từ chối công khai 2 phương án còn lại.Bà Dương cũng không tiết lộ thông tin về đơn vị tư vấn đến từ Singapore.
Hoài Phong