Trước "Kong: Skull Island", cảnh sắc Việt Nam từng xuất hiện hùng vĩ trong "Pan" hay trầm mặc trong "Người tình".

Kong: Skull Island và những phim quốc tế được quay ở Việt Nam

VNE | 14/03/2017, 11:35

Trước "Kong: Skull Island", cảnh sắc Việt Nam từng xuất hiện hùng vĩ trong "Pan" hay trầm mặc trong "Người tình".

"Kong: Skull Island" (2017)

Bom tấn mới sử dụng 70% bối cảnh Việt Nam và là phim dùng nhiều cảnh đẹp Việt Nam nhất cho tới nay.Jordan Vogt-Roberts chia sẻ: “Phong cảnh núi non và hang động Việt đẹp như thể siêu thực. Tôi chọn đến đây bởi muốn đất nước các bạn hiện lên cũng phải như trongLord of the Rings. Tôi mong muốn Việt Nam lên hình sẽ thực sự khác biệt, gây ấn tượng tới nỗi người xem trên thế giới phải trầm trồ hỏi nhau đó là đâu và họ thực sự muốn đến đây sau khi xem phim".

Cảnh sắc Việt Nam trong phim gây ấn tượng trong những trường đoạn khỉ Kong khổng lồ chiến đấu với quái vật. Những trái núi ở Ninh Bình được phủ màu xanh của cây cỏ tương đương kích cỡ vua khỉ. Góc máy rộng tôn vinh sự hùng vĩ của khung cảnh, đồng thời thể hiện sự khốc liệt của trận chiến. Trong khi đó, cảnh đầm lầy trong phim mang đặc trưng của một khu rừng nhiệt đới nóng ẩm.

Tạo hình Kong nổi bật giữa những ngọn núi Ninh Bình

Dàn diễn viên trong phim như Tom Hiddleston, Brie Larson, Samuel J. Jackson, John Goodman, Cảnh Điềm và Toby Kebbell đều có mặt tại Việt Nam để ghi hình hồi 2016. Ngoài ra, phim tuyển 100 diễn viênquần chúngngười Việt trong vai một bộ tộc trên Đảo đầu lâu. Tuy vậy, phim bị chê về nội dung với cốt truyện, diễn xuất của dàn diễn viên nhạt. Chất lượng phim ở mức trung bình khá với điểm số 6,6/10, theoRotten Tomatoes.

"Pan" (2015)

Bộ phim Pan của đạo diễn Joe Wright là phiên bản điện ảnh xoay quanh quá khứ của cậu bé biết bay - Pan. Phim có một số cảnh quay tại các địa danh nổi tiếng là Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long và Tràng An (Ninh Bình).

Thời lượng xuất hiện của những địa danh này khá dài, rõ nét và dễ nhận ra chứ không thoáng qua. Những dãy núi đá vôi thơ mộng, trùng điệp và vẻ đẹp hùng vĩ của Vịnh Hạ Long đưa khán giả vào thế giới thần tiên kỳ ảo của vùng đất Neverland. Trong khi đó, hình ảnh ruộng lúa xanh biếc với dòng sông uốn lượn bên sườn núi tại Ninh Bình được lấy làm bối cảnh Đầm tiên cá trong phim.

Đầm tiên cá trong phim.

Khung cảnh ở lối vào và bên trong Hang Én được sử dụng trong một phân cảnh khá dài và quan trọng của bộ phim. Dù vậy, không có diễn viên nào đến Việt Nam ghi hình. Để có hình ảnh trong phim, các chuyên gia làm phim đã đến quay định dạng 3D, chụp ảnh và quay cấu trúc bên trong hang động. Sau đó, các diễn viên diễn xuất trên nền phông xanh và ghép hình lại.

"Les Filles du botaniste" ("Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc", 2006)

Tác phẩm có bối cảnh Trung Quốc nhưng quay ở Việt Nam, xoay quanh cuộc tình đồng tính giữa con gái và con dâu của một ông chủ vườn thảo dược. Hai vai chính do Lý Tiểu Nhiễm và Mylene Jampanoi thể hiện.

Phim là câu chuyện tình đồng tính xúc động

Các địa điểm xuất hiện trên phim gồm Hà Nội, Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Sapa. Bối cảnh phô diễn nhiều hình ảnh nên thơ làm nền cho chuyện tình bi kịch của hai nhân vật chính.

Cảnh Việt Nam trong phim.

Nhà sản xuất phim - Luc Besson - ví tác phẩm là "Brokeback Mountainphiên bản nữ". Phim được đánh giá cao và giành một số giải thưởng ở các Liên hoan phim Montreal và Toronto (Cananda).

"Người Mỹ trầm lặng" ("The Quiet American", 2002)

Bộ phim của đạo diễn Phillip Noyce được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene. Tác phẩm diễn ra vào thời điểm giao thời, khi người Mỹ chuẩn bị thay thế người Pháp ở Việt Nam.

Bối cảnh Việt Nam trong trailer "Người Mỹ trầm lặng"

Ba nhân vật chính trong phim là Thomas Fowler (Michael Caine) - một phóng viên lớn tuổi người Anh, Alden Pyle (Brendan Fraser) - tay đặc vụ ngầm CIA theo đuổi lý tưởng riêng và Phượng (Đỗ Thị Hải Yến) - cô gái xinh đẹp mắc kẹt giữa tình cảm của hai người đàn ông.

Người Mỹ trầm lặng là phim Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam sau năm 1975. 50% bối cảnh phim là ở Việt Nam, bao gồm các cảnh ở Hội An, Ninh Bình, Hà Nội và TP HCM. Ở Ninh Bình là cảnh quân Việt Minh chiếm được các cứ điểm quan trọng và buộc Pháp rút lui. Trong khi đó, Hội An, Hà Nội và TP HCM hiện lên chủ yếu qua các cảnh đường phố.

Xích lô xuất hiện trên phim

Có khoảng 150 người Việt Nam tham gia ê-kíp sản xuất. Đoàn phim chia thành hai nhóm, Đặng Nhật Minh - đạo diễn gạo cội của điện ảnh Việt - phụ trách nhóm thứ hai có nhiệm vụ quay bổ sung cho nhóm của đạo diễn Phillip Noyce. Ngoài Đỗ Hải Yến trong vai chính, phim còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ người Việt như Mai Hoa, Ngô Quang Hải, Hồng Nhung, Công Lý và Tiết Cương.

Người Mỹ trầm lặng được đánh giá cao với số điểm 87% trên chuyên trang Rotten Tomatoes. Ngoài ra, tài tử kỳ cựu Michael Caine cũng nhận một đề cử Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Mặc dù vậy, phim thất bại về doanh thu với chỉ 27 triệu USD, so với ngân sách sản xuất 30 triệu.

"Indochine" ("Đông Dương", 1992)

Đông Dương là phim của điện ảnh Pháp thắng giải Oscar “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc”. Tác phẩm lấy bối cảnh Việt Nam thời Pháp thuộc, được kể từ góc nhìn của bà chủ đồn điền Éliane Devries (Catherine Deneuve).

Catherine Deneuve bồi hồi khi quay lại Hà Nội 25 năm sau ngày quay

Cô con gái Camille (Phạm Linh Đan) của bà vướng vào một cuộc tình, sau đó đi theo con đường cách mạng. Phim có sự tham gia của các diễn viên Việt Nam Như Quỳnh, Trịnh Thịnh và Ngô Quang Hải trong các vai phụ.

Quá trình quay diễn ra chủ yếu ở Huế, Vịnh Hạ Long và Ninh Bình. Về mặt hình ảnh, Đông Dương tái hiện một Việt Nam trầm mặc và hoang sơ.

Đường phố Sài Gòn thập niên 1930 được phục dựng kỹ lưỡng, trong khi kinh thành ở Huế hiện lên cổ kính. Cảnh quay ở Vịnh Hạ Long cũng toát lên được vẻ đẹp của một kỳ quan thiên nhiên.

"L’amant" ("Người tình", 1991)

Phim Người tìnhcủa Pháp kể về chuyện tình của một thiếu gia gốc Hoa (Lương Gia Huy) và một thiếu nữ 15 tuổi người Pháp (Jane March). Họ gặp gỡ trên chuyến phà Vĩnh Long - Sa Đéc và nhanh chóng phải lòng nhau. Tuy nhiên, những cấm đoán từ gia đình và trở ngại từ sắc tộc, địa vị khiến đôi tình nhân phải chia tay.

Hai nhân vật chính gặp nhau trên phà

Tác phẩm là phim phương Tây đầu tiên quay tại Việt Nam kể từ năm 1975. Khi đến Việt Nam để thăm dò bối cảnh, đạo diễn Jean-Jacques Annaud thất vọng với chất lượng cơ sở vật chất khi đó. Sau đó, ông sang nghiên cứu Malaysia, Thái Lan và Phillippines - những nơi từng được giới làm phim chọn khi nói đến Việt Nam. Tuy nhiên, cuối cùng Annaud trở lại Việt Nam vì không quốc gia nào có bối cảnh trầm buồn như mong muốn.

Bối cảnh chính trong Người tình là vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời thuộc địa. Những cánh đồng phì nhiêu bên con đường làng vắng vẻ tạo cảm giác đẹp, đượm buồn. Ngược lại, Sài Gòn xưa được mô tả là nơi ồn ào, phù hoa. Trong cảnh quan trọng khi hai nhân vật gặp nhau trên chiếc phà, đạo diễn hình dung đến một khúc sông rộng kiểu Amazon ở Brazil. Nhưng vì chi phí lớn, ông quyết định chọn bến phà Cát Lái (TP HCM) làm bối cảnh.

Cảnh sông nước trong "Người tình"

Người tình gây sốt bởi cảnh đẹp cùng nhiều cảnh "nóng" của hai nhân vật chính. Tác phẩm được đề cử giải Oscar “Quay phim xuất sắc” năm 1992, đồng thời thắng giải César “Nhạc phim xuất sắc” năm 1993.

Ân Nguyễn/VNE
Bài liên quan
Mekong Startup năm 2024: ‘Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là chiến lược ưu tiên hàng đầu’
Sáng 16.11, phiên toàn thể Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 2 (Mekong Startup năm 2024) đã diễn ra tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kong: Skull Island và những phim quốc tế được quay ở Việt Nam