Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) mới đây công bố, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử kể từ tháng 2 và bước vào suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.

Kinh tế Mỹ bước vào suy thoái do ảnh hưởng bởi COVID-19

10/06/2020, 17:13

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) mới đây công bố, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử kể từ tháng 2 và bước vào suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.

Một người đạp xe trên một con phố vắng vẻ vì đại dịch COVID-19 tại New York, Mỹ - Ảnh: Reuters

Tuyên bố được Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế của NBER đưa ra ngày 8.6, kết luận rằng, "mức độ sụt giảm chưa từng có của thị trường việc làm và ngành sản xuất, cùng quy mô lớn trên toàn nền kinh tế, cho thấy giai đoạn này chính là suy thoái, dù nó có vẻ sẽ ngắn hơn các đợt suy thoái trước". Như vậy chuỗi thời gian tăng trưởng kéo dài 128 tháng của kinh tế Mỹ kết thúc, đây là chuỗi thời gian tăng trưởng dài nhất của kinh tế Mỹ tính từ năm 1854.

Kinh tế Mỹ hiện lao dốc nhanh đến mức NBER không ngần ngại trong việc công bố suy thoái. Đây là động thái hoàn toàn trái ngược so với các lần trước, khi cơ quan này thường chờ đến cả năm sau khi hầu hết mọi người đều biết mới công bố. Trước đó, dù nền kinh tế Mỹ được báo cáo bắt đầu suy giảm vào cuối năm 2007, nhưng mãi đến tận tháng 12 năm 2008, NBER mới xác nhận.

Các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn đại dịch COVID-19 lây lan đã ảnh hưởng hoạt động kinh tế tại Mỹ. Hơn 42 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3. Nhiều công ty lớn đã phá sản. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức thấp kỷ lục 3,5% trong tháng 2 lên 14,7% trong tháng 4 và 13,3% trong tháng 5, những con số đều cao hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào khác kể từ Thế chiến II.

Thông thường, các nhà kinh tế học định nghĩa suy thoái là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Mỹ đã tăng trưởng âm trong quý I, với GDP giảm 5%. Tổng sản lượng nền kinh tế giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 được dự báo sẽ còn giảm mạnh hơn. Do đó, NBER đã quyết định không đợi thêm một quý giảm nữa để công bố tình trạng suy thoái.

Dù cuộc suy thoái này bắt đầu khá đột ngột, nhưng nó sẽ chấm dứt khi việc làm và sản lượng được dự báo sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại trong quý III. Các nhà kinh tế cũng kỳ vọng tình trạng suy thoái hiện tại của Mỹ nhiều khả năng kết thúc sớm với GDP được cho là sẽ chuyển biến tích cực vào mùa hè này khi các công ty mở cửa trở lại và người Mỹ bắt đầu du lịch. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái ngắn và sâu nhất trong lịch sử.

Hiện tại, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được hỗ trợ bằng hàng loạt chính sách chưa từng có tiền lệ của chính phủ. Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đã thông qua gói kích thích kỷ lục, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, xóa nợ cho doanh nghiệp nhỏ và cứu trợ một số công ty lớn.

Nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra tương tự như năm 2008, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang thực hiện các biện pháp tích cực như hạ lãi suất xuống 0%, cam kết mua trái phiếu không giới hạn và tung ra hàng loạt chương trình cho vay khẩn cấp. FED cũng lần đầu tiên chỉ đạo mua trái phiếu doanh nghiệp, kể cả trái phiếu rác nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trang Nhung (theo CNN, CBS, AP)

Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Mỹ bước vào suy thoái do ảnh hưởng bởi COVID-19