“Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay, sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,2 triệu tấn, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt 5,45%, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay.

Kinh tế đối mặt nhiều thách thức, mục tiêu Quốc hội đề ra khó đạt

Một Thế Giới | 26/03/2016, 10:56

“Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay, sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,2 triệu tấn, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt 5,45%, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay.

Gần 24.000 doanh nghiệp được thành lập mới

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2016 tại cuộc Họp báo trực tuyến Chính phủ ngày 26.3 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, quý 1/2016 đã đạt được nhiều thành quả tích cực nhưng bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang gặp phải.

Một số kết quả tích cực được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu ra là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp đã tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường.

Năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới) cải thiện đáng kể so với năm 2014, tăng 12 bậc từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/140, đạt mức tăng cao nhất từ năm 2012.

Về môi trường kinh doanh, thứ hạng của nước ta năm 2015 (theo Doing Business) tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế. So với các nước Đông Nam Á, năm 2015, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn, trong khi 3 nước gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng, Singapore vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới.

Theo Bộ trưởng Vinh, về khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 1 ước tăng 9,1% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 ước đạt 2,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với năm trước.

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư xã hội, quý 1 đạt khoảng 273,6 nghìn tỉ đồng, bằng 32,2% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 14,8%, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài tăng 7,9%. Xuất siêu 776 triệu USD.

Bên cạnh đó, trong quý 1 cũng có 23.767 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 186 nghìn đồng, số doanh nghiệp tăng 24,8% và số vốn đăng ký tăng 67,2%. Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 7,8 tỉ đồng. Có 9.376 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Cũng theo Bộ trưởng Vinh, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tính đến 25.2.2016 đã cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa 66 doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp của 79 doanh nghiệp, thoái vốn 141,9 tỉ đồng, thu về 460,6 tỉ đồng.
Đồng thời, theo Bộ trưởng, các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa… đều được quan tâm thực hiện.

Trong năm 2015, có 5 lĩnh vực của Việt Nam được cải thiện. Trong đó, nổi bật là chỉ số khởi sự kinh doanh đã vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết, số lượng thủ tục và thời gian ít hơn cả nhóm nước ASEAN 4.

Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số tương đương nhóm nước ASEAN 4, đạt mục tiêu đề ra theo yêu cầu của Nghị quyết. Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội dự kiến cũng đạt mục tiêu đề ra vào thời điểm cuối năm 2016. Chỉ số tiếp cận điện năng cũng đã đạt mục tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết, tuy thời gian thực hiện các thủ tục vẫn nhiều hơn so với trung bình nhóm nước ASEAN 6.

Khó đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Bộ trưởng Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, tình hình quý 1/2016 cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Riêng khu vực nông, lâm và thủy sản lại tăng trưởng âm 1,23 % vì thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sự sút giảm nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu sẽ tác động xấu đến đầu tư và sản xuất trong nước.

“Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay, sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,2 triệu tấn, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt 5,45%, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%”, Bộ trưởng Vinh cho hay.

Một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc, như thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày, từ 114 ngày lên 166 ngày. Chỉ số đăng ký sở hữu tài sản tăng từ 4 thủ tục lên 5 thủ tục. Điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới. Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng.

Trí Lâm

Bài liên quan
Tỷ phú Elon Musk và kế hoạch cải tổ chính phủ Mỹ qua ‘DOGE’
Tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy đã cùng bước vào một chương mới đầy táo bạo trong sự nghiệp khi được giao nhiệm vụ dẫn dắt Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) bởi Tổng thống đắc cử Donald Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế đối mặt nhiều thách thức, mục tiêu Quốc hội đề ra khó đạt