Nhiều chuyên gia cho rằng tư duy quản lý chưa theo kịp sự phát triển của xu thế kinh tế chia sẻ và nền tảng. Theo đó, nếu cứ ràng buộc các doanh nghiệp công nghệ mới vào quản lý như doanh nghiệp cũ, thì những giá trị ưu việt của nền kinh tế chia sẻ sẽ bị xóa bỏ.

Kinh tế chia sẻ, nền tảng: Cần thoát khỏi cách định danh truyền thống

02/05/2019, 14:23

Nhiều chuyên gia cho rằng tư duy quản lý chưa theo kịp sự phát triển của xu thế kinh tế chia sẻ và nền tảng. Theo đó, nếu cứ ràng buộc các doanh nghiệp công nghệ mới vào quản lý như doanh nghiệp cũ, thì những giá trị ưu việt của nền kinh tế chia sẻ sẽ bị xóa bỏ.

Kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam - Ảnh minh họa

Điểm nghẽn ở việc định danh

Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, kinh tế chia sẻ là hiện tượng kinh tế mà những người tiêu dùng trao đổi những giá trị tài sản, sức lao động không sử dụng hết, hoặc nhàn rỗi của mình cho người tiêu dùng khác để thu lại những khoản hoa lợi nhất định.

Ví dụ, một bà mẹ sắm đồ chơi cho con, đến khi con lớn hơn và cần những đồ chơi mới phù hợp với tuổi, chị ta muốn giữ những đồ chơi cũ cho đứa con tiếp theo hoặc để làm kỷ niệm. Nhưng, cùng lúc đó, có nhiều bà mẹ khác cũng cần những đồ chơi đó mà không muốn hoặc không thể mua, họ có thể thuê số đồ chơi đang “nhàn rỗi” kia trong một thời gian cho con mình và trả tiền cho bà mẹ đang sở hữu.

“Hoạt động này hoàn toàn khác với việc làm của một cửa hàng cho thuê đồ chơi chuyên nghiệp. Nó có bị giới hạn bởi số lượng, chủng loại của tài sản và có thể kết thúc khi “tính nhàn rỗi” của đối tượng được chia sẻ chấm dứt. Nhưng hoa lợi phát sinh từ tài sản, giá trị gia tăng rất rõ ràng, không thể nói nó không phải hoạt động mang tính kinh tế”, ông Dương nói.

Thông qua các đối tượng trung gian, như truyền thông và đặc biệt là các nền tảng kỹ thuật số, việc chia sẻ trở nên dễ dàng hơn, thông tin về “tình trạng nhàn rỗi” của tài sản có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn. Khi đó, kinh tế chia sẻ trở thành một hoạt động mạnh mẽ tới mức người ta có thể gọi là “nền kinh tế chia sẻ”.

“Cá nhân tôi thích gọi Ebay, Amazon, Uber, Lyft, Craiglist hay các sàn giao dịch thương mại điện tử là những hoạt động kinh doanh nền tảng trung gian hơn hay kinh tế nền tảng (platform economy) hơn là “kinh tế chia sẻ”, cho dù chúng sống phụ thuộc vào nhau”, ông Dương nêu.

Cũng theo chuyên gia này, điểm nghẽn chủ yếu hiện nay vẫn là việc định danh dịch vụ. “Chúng ta không nên cố gắng gán ghép một hiện tượng mới với một thứ đã ổn định, đã có sẵn. Định danh các nền tảng như Grab, Uber như là những anh trung gian, là cái sàn giao dịch điện tử thì ta mới cho chúng những thân phận pháp lý rõ ràng”.

Theo ông Dương, một thách thức lớn hơn đấy là sự xuất hiện của các thực thể trung gian, chuyên nghiệp mà tôi đã gọi ở trên là “kinh tế nền tảng”. Thừa nhận kinh tế chia sẻ là khách quan thì cũng phải chấp nhận kinh tế nền tảng là khách quan. Định danh dịch vụ cần tỉnh táo, thoát ly những định kiến truyền thống để chúng có thể tồn tại và giúp cho kinh tế chia sẻ phát triển được.

Ông Nguyễn Phan Anh, giảng viên Trường đại học Thương mại cho rằng ứng xử của cấp quản lý vĩ mô, bộ, ban chuyên ngành về vấn đề này cũng có nhiều điểm tích cực và đổi mới (như cho phép thí điểm mô hình này trong kinh doanh thực tế) và có những khó khăn khách quan (mô hình thực tế phát triển trước và tư duy quản lý phát triển sau). Tuy nhiên, chúng ta vẫn lúng túng, và có cách tiếp cận chưa đầy đủ, chưa cập nhật của mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và từng trường hợp cụ thể nói riêng đã được đề cập như Uber, Grab...

“Sự nở rộ của dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và nền kinh tế chia sẻ nói riêng tại Việt Nam cũng đang cho thấy mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn, thì lối mòn về những cuộc biểu tình phản đối Uber hay làn sóng tiềm ẩn phản đối kinh tế chia sẻ giống như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra tại Việt Nam”, ông Phan Anh nêu.

Cần có luật riêng cho kinh tế chia sẻ?

Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, về quản lý thuế, nên có cổng thanh toán quốc gia, có thể thu trực tiếp theo thời gian thực đối với từng giao dịch và theo thuế suất đã áp dụng. Hoàn toàn có thể bỏ chế độ thu theo thời gian đối với các loại hoạt động này.

Về bảo vệ người tiêu dùng, cần áp dụng nguyên tắc trách nhiệm liên đới trong việc bảo vệ người sử dụng dịch vụ. Bên trung gian và bên cung cấp liên đới chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng.

Khi bị thiệt hại, người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc kiện bất kỳ bên nào, dù là cung cấp nền tảng kết nối hay trực tiếp cung cấp dịch vụ bởi cả chúng góp phần tạo nên sản phẩm cuối cùng mà người tiêu dùng đã mua.

Cùng với đó là bảo vệ đối tác yếu thế, chuyện các nhà cung cấp nền tảng chèn ép các đối tác cung cấp dịch vụ, tuy chưa có tiền lệ điển hình nhưng hoàn toàn có thể suy đoán. Các điều kiện sử dụng dịch vụ giữa họ cần thiết được kiểm soát theo pháp luật.

Theo ông Nguyễn Phan Anh, cần thừa nhận rằng đây là một mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và mang tính sáng tạo của thời đại 4.0. Chính phủ cần nghiên cứu ban hành Luật điều chỉnh và quản lý đối với kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, vừa đảm bảo môi trường thuận lợi cho nó phát triển, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống.

Đối với các chủ thể muốn khởi nghiệp với mô hình kinh tế chia sẻ, cần có những bước chuẩn bị về nguồn cung, đào tạo nhân lực và xây dựng niềm tin để tạo dựng thương hiệu. Trong đó, việc đào tạo nhân lực đóng vai trò quan trọng, có thể quyết định tới sự thành – bại của doanh nghiệp.

“Các công ty trong nền kinh tế chia sẻ có thể xây dựng các khóa đào tạo trực tuyến và kiểm tra bằng bài thi. Cá nhân được chấp thuận sẽ được trang bị tài liệu cầm tay hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ. Một nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp chính là cách để doanh nghiệp xây dựng được niềm tin với khách hàng và tạo dựng được thương hiệu cho mình”, ông Phan Anh nói.

Cùng với đó, cần tập trung đầu tư phát triển mạng lưới internet, nâng cấp đảm bảo tính bảo mật tài khoản thanh toán trực tuyến, bởi, đặc thù cơ bản của kinh doanh chia sẻ chính là các giao dịch thông qua mạng lưới trực tuyến. Khi chưa có sự phát triển mạnh mẽ của internet tại Việt Nam thì sẽ không thể có một nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh doanh chia sẻ.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế chia sẻ, nền tảng: Cần thoát khỏi cách định danh truyền thống