Ma túy đá ngày càng rẻ trong khi Việt Nam chưa có phác đồ điều trị triệt để nên sẽ còn những thảm án do kẻ “ngáo” gây ra.
Liên tục gần đây xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành do những người sử dụng ma túy đá gây ra. Điều đặc biệt là các vụ án đã được tiên liệu nhưng không ngăn chặn được…
Cái chết được báo trước
Trưa 29.11, chúng tôi tìm đến hẻm 346 trên đường Phan Văn Trị (phường 11, quận Bình Thạnh), nơi đang diễn ra lễ tang của anh Trần Hồng Phong, nạn nhân bị thanh niên “ngáo đá” ngay cạnh nhà đâm chết vào chiều 27.11.
Vài người bạn của anh Phong đến viếng trong im lặng, vợ anh Phong lặng lẽ ngồi bên cạnh quan tài chồng, thẫn thờ vái tạ.
Chưa hết bàng hoàng về cái chết của chồng, chị Nguyễn Thị Xinh cho hay: Hơn 5 giờ chiều 27.11, khi chị cùng con từ chợ trở về thì thấy hàng xóm xúm quanh nhà, mọi người cho biết anh Phong bị người hàng xóm là Nguyễn Minh Nhật đâm, đã được đưa vào bệnh viện…
Theo chị Xinh, gia đình chuyển về con hẻm sinh sống chưa tròn năm. Khi vừa dọn về, hàng xóm kéo chị lại cho biết kế bên nhà có thanh niên hay “ngáo đá” làm gia đình lo lắng.
“Tôi nghĩ mình không đụng chạm gì thì không sao nhưng cách đây hơn một tháng, chồng tôi đang nói chuyện điện thoại trong nhà thì Nhật xông vào đánh vì cho là đang chửi nó nhưng thực ra anh Phong đang nói chuyện với khách hàng. Kể từ đó nhà lúc nào cũng đóng cửa” - chị Xinh kể.
Quá lo lắng, hai vợ chồng quyết định rao bán nhà để chuyển đi nơi khác nhưng chưa kịp bán nhà thì xảy ra chuyện.
Theo chị Xinh, khi anh Phong bị đánh vô cớ, chị định báo công an vì quá lo lắng nhưng cha của Nhật và tổ trưởng dân phố đến hứa là sẽ không tái phạm, bản thân Nhật cũng qua xin lỗi nên gia đình không báo công an.
Không chỉ vợ chồng chị Xinh, nhiều người dân trong hẻm này cũng quen với chuyện hằng ngày Nhật cứ chạy ra chạy vào hẻm, miệng luôn cười cười, đầu lắc lư. Chị hàng xóm Trịnh Thị Thiền nói: “Tôi biết nó từ hồi nhỏ xíu, nó nghiện cách đây 4-5 năm. Bình thường thì không sao nhưng khi phê thuốc nó ra trước nhà tôi ngồi cười cười một mình. Những lúc vậy tôi đóng chặt cửa nhà”.
Theo người dân trong hẻm, họ nhiều lần đề nghị tổ trưởng khu phố, tổ dân phố kiến nghị lên công an phường đưa Nhật đi cai nghiện nhưng chưa đi cai đã xảy ra chuyện.
Một cán bộ điều tra Công an quận Bình Thạnh cho biết Nhật từng được đưa đi cai nghiện vào giữa năm 2015. Sau khi trở về, Nhật tiếp tục nghiện, có biểu hiện bất ổn, nói nhảm, đòi chém hàng xóm. “Từ khi bị bắt, đến giờ Nhật vẫn chưa tỉnh táo” - vị điều tra cho biết.
Đốt nhà, giết người thân
Mới đây, tối 6.11 xảy ra vụ hỏa hoạn tại một ngôi nhà trên đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) khiến người dân gặp một phen hốt hoảng.
Trước khi xảy ra vụ cháy, nhiều người nghe tiếng la hét, đập phá của thanh niên Nguyễn Văn Cảnh (36 tuổi, cháu ruột của chủ nhà). Nam thanh niên bỏ chạy ra ngoài trước khi lửa bùng lên. Cảnh bị công an triệu tập, kiểm tra thì phát hiện người này dương tính với ma túy đá. Người dân cũng cho là Cảnh có biểu hiện “ngáo đá” trước khi xảy ra vụ cháy.
Công an cho là Cảnh vô tình làm cháy nhà nên cho về vì không chứng minh được Cảnh đốt nhà. “Cảnh dương tính với ma túy, là người địa phương nên sẽ lập hồ sơ giáo dục tại địa phương (theo Nghị định 111) hoặc cai nghiện tại cộng đồng (theo Nghị định 94). Hiện gia đình phối hợp cùng địa phương quản lý giáo dục người này” - một công an phường Phạm Ngũ Lão thông tin.
Hàng loạt vụ sát hại người thân, hàng xóm, phóng hỏa đốt nhà… do những người “ngáo đá” gây nên nhưng mọi người dường như bất lực. Các trung tâm cai nghiện đang quá tải, người nghiện thì sống giữa cộng đồng và họ có thể gây án bất kỳ lúc nào vì không làm chủ được hành vi, những người bên cạnh luôn sống trong sợ hãi.
Làm gì khi gặp kẻ “ngáo”
Theo TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm ĐH An ninh Nhân dân, người dân cần nhận biết các dấu hiệu của người bị “ngáo đá” như đồng tử mắt nở rộng, đảo liên tục; đi vệ sinh, rửa tay liên tục; liên tục uống nước; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ… Đặc biệt, họ có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo, hung hãn…
• Khi phát hiện người trong nhà bị “ngáo đá” mà họ còn kiểm soát được hành vi, người thân cần trấn an, cho uống nhiều nước. Nếu họ có biểu hiện bất thường, hành vi hung hãn phải sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn, nhờ mọi người khống chế người “ngáo”.
• Khi đang đi đường mà phát hiện có người “ngáo đá” thì nên tránh xa. Không tránh được thì dừng xe, rút chìa khóa, đi ra xa người “ngáo”.
• Trường hợp chạy ô tô, nếu không thể tránh được thì bấm khóa cửa xe. Nếu bị đập phá xe, không nên vội vàng mở cửa mà cần bình tĩnh quan sát, nếu thấy đủ khả năng khống chế mới rời khỏi xe để khống chế, gọi người trợ giúp hoặc tìm cách thoát đi.
• Trường hợp bất ngờ bị kẻ “ngáo” khống chế thì cần nương theo, làm theo yêu cầu của họ. Không được la hét, gào khóc vì sẽ làm cho họ bị kích động. Khi họ bình tĩnh, cần nhẹ nhàng hỏi han, quan tâm sẽ làm họ bình tĩnh trở lại chứ không xin họ tha cho mình và chờ cơ hội… bỏ chạy.
Trường hợp trẻ em bị khống chế, người thân đi cùng với trẻ cần phải bình tĩnh, một mặt năn nỉ xin đối tượng đừng làm hại con em mình, sẵn sàng làm con tin thay. Mặt khác cần trấn an trẻ “Chú chỉ đùa với con thôi!”, “Con ngoan đừng khóc, chú chỉ đùa thôi!”… để trẻ bình tĩnh, kẻ “ngáo” cũng bình tĩnh theo. Chỉ giải thoát trẻ khi thấy an toàn tuyệt đối…
Theo TS Báu, ma túy đá có thể tạo ảo giác cho người “đập đá” ngay trong lần sử dụng đầu tiên và gây ra hàng loạt hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình, người thân và những người xung quanh.
_____________________________________
200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý (hơn một nửa là nghiện ma túy tổng hợp), tính đến tháng 3-2016. Hiện con số này còn tăng cao hơn.
Ma túy đá phá hủy từng centimet cơ thể
Ma túy đá đang được giới trẻ sử dụng do nghĩ sai là không gây nghiện. Trên thực tế, khi sử dụng ma túy tổng hợp sẽ gây nghiện dai dẳng, khó cai. Người nghiện bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần. Sử dụng thời gian dài, người nghiện bị mất nhận thức, không kiềm chế, có hành vi nguy hiểm, manh động như cắt chân, cắt tay, giết người, mất nhân tính...
Chất methamphetamine có trong ma túy tổng hợp đi thẳng vào bộ não, gây kích thích thần kinh trung ương, làm mất khả năng tư duy, lao động và học tập. Lúc kích thích tăng có thể gây ra những hành động không kiểm soát… Sử dụng ma túy đá sẽ bị tâm thần phân liệt, biến một người lương thiện thành một kẻ hung hãn, thú tính…
Khi hút ma túy đá, trong vòng 3-5 phút, người sử dụng có cảm giác “thăng hoa” và kéo dài 6-8 tiếng. Hiện có nhiều loại ma túy tổng hợp kéo dài cảm giác “phê” đến 24 tiếng đồng hồ.
Khi sử dụng, hệ thần kinh trung ương sẽ giải phóng dopamine cao gấp 15 lần so với người bình thường nên làm cho người sử dụng kích động. Methamphetamine còn khiến não tiết ra nhiều adrenaline, loại hormone tạo hưng phấn, gây ra ảo giác. Ảo giác kinh khủng nhất là “hội chứng kiến bò”, người sử dụng tưởng tượng dưới da mình có rất nhiều kiến, bọ đang cắn nên tự cào, gãi gây lở loét, viêm nhiễm da…
Methamphetamine còn làm tăng nhịp tim, nhiệt độ cơ thể gây nguy cơ đột quỵ cao; đồng hồ sinh học của cơ thể bị rối loạn nên sút cân và già đi rất nhanh…
Theo BS La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I (Hà Nội)
Ma túy tổng hợp là hiểm họa
Bên cạnh việc hủy hoại sức khỏe, tinh thần người sử dụng, ma túy tổng hợp còn là nguyên nhân của nhiều vụ án giết người dã man, mất nhân tính, nhiều loại tội phạm hình sự khác.
Ma túy tổng hợp chủ yếu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Lào, Campuchia và qua đường biển, hàng không. Giá ma túy tổng hợp ngày càng rẻ. Nếu những năm 2011-2013, 1 kg ma túy đá khoảng 1 tỉ đồng thì nay chỉ còn 200-350 triệu đồng. Nó đang tấn công mạnh vào giới trẻ, học sinh, sinh viên... trong khi hiện nay Việt Nam chưa có phác đồ điều trị triệt để người nghiện ma túy tổng hợp nên nó như cái vòng luẩn quẩn.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn,Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy