Các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn tại các địa phương trên cả nước đang lao đao vì sự sụt giảm mạnh về lượng khách chỉ trong nửa tháng dịch bệnh viêm phổi do coronavirus bùng phát.

Kinh doanh khách sạn, du lịch lao đao vì coronavirus

09/02/2020, 07:07

Các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn tại các địa phương trên cả nước đang lao đao vì sự sụt giảm mạnh về lượng khách chỉ trong nửa tháng dịch bệnh viêm phổi do coronavirus bùng phát.

Khách du lịch sụt giảm mạnh vì coronavirus - Ảnh: Internet

Theo Sở Du lịch TP.HCM, dịch viêm phổi do coronavirus gây nên đã làm thị trường du lịch thành phố có những biến động. Trong đó, lượng khách quốc tế đến TP.HCM trong dịp Tết Canh Tý ước đạt 169.000 lượt khách, giảm 12% dù thị trường này không quá phụ thuộc vào khách Trung Quốc.

Sở Du lịch TP.HCM cho rằng thị trường khách du lịch của TP.HCM từ trước tới nay không quá phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy nhiên với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch chuyên khai thác thị trường này hiện nay hầu hết đều phải hủy tour. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ sử dụng công suất phòng đã giảm mạnh hơn 50%; nhiều lệnh đặt phòng bị hủy số lượng lớn trong vòng 2 tháng tới.

Đặc biệt, để phòng chống dịch bệnh từ coronavirus, Sở Du lịch TP.HCM cũng đã nhắc nhở các doanh nghiệp lữ hành hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn thể khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam.

Trong khi đó, tại Khánh Hòa, địa phương này có lượng khách Trung Quốc chiếm 70% cơ cấu khách quốc tế, thế nhưng hiện trống khoảng 5.000 phòng nghỉ. Điều này kéo theo khoảng 5.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hàng loạt người dân phụ thuộc vào hoạt động này rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tương tự, tại Quảng Ninh, địa phương này năm 2019 đón 5,7 triệu khách quốc tế vào nhưng trong những ngày đầu năm nay đang rơi vào đợt sụt giảm đến 90% lượt khách.

Còn ở Hà Nội, tính đến ngày 4.2 có khoảng 8.000 lượt khách ở Hà Nội hủy tour đi nước ngoài, tập trung chủ yếu ở thị trường Trung Quốc và hơn 8.000 lượt khách hủy tour vào Hà Nội. Ngoài ra, có trên 3.000 khách cũng hủy các tour tham quan lễ hội du xuân trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM, ngành du lịch đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn. Trên địa bàn đang có hiệu ứng domino trong tâm lý du khách, khi họ tìm tới đòi lại tiền, hủy tour hàng loạt vì e ngại coronavirus.

Mới đây, tại hội nghị triển khai giải pháp ứng phó với dịch bệnh của ngành du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, ông Phùng Quang Thắng – Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định, so với dịch SARS cách đây 17 năm thì ảnh hưởng của coronavirus đã tác động mạnh mẽ hơn tới ngành du lịch.

Điều này thể hiện ở tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… và ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch là hàng chục ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch coronavirus gây ra đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt, nhiều đường bay của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì, do vậy nhiều khách du lịch hiện còn đang mắc kẹt tại một số điểm đến, ví dụ như Khánh Hoà, Đà Nẵng…

“Các doanh nghiệp du lịch đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh”, ông Thắng nói.

Tổng cục Du lịch ước tính, do ảnh hưởng của coronavirus, trong 3 tháng tới, khách Trung Quốc giảm 90 - 100%, lượng khách giảm từ 1,7- 1,9 triệu lượt; thị trường khách quốc tế còn lại giảm 50-70%, lượng khách giảm từ 2-2,8 triệu. Thị trường khách nội địa cũng sẽ giảm 50-70%, lượng khách sẽ giảm từ 10,9 - 15,3 triệu lượt… Dự kiến, ngành du lịch thiệt hại từ 5,9- 7,7 tỉ đô la Mỹ. Do vậy, ngành du lịch cho rằng cần có một kế hoạch toàn diện và hành động kịp thời trước khi thiệt hại quá lớn.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh doanh khách sạn, du lịch lao đao vì coronavirus