“Giselle” được xem là kiệt tác vĩ đại nhất trong nền ballet lãng mạn trên thế giới về câu chuyện tình yêu và sự phản bội. Vở diễn sẽ được tái ngộ công chúng tại Nhà hát Vũ kịch TP.HCM (HBSO) vào tối 12 và 13.10 tới đây
Vũ kịch ballet Giselle không chỉ thu hút khán giả bằng sự diễn xuất tài năng cùng với kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ mà còn mang tới cho khán giả những giá trị đẹp đẽ của tình yêu. Toàn bộ quá trình dàn dựng lại vở diễn đã được giám sát và thực hiện bởi nghệ sĩ người Nhật Bản Yuki Ohmori và nghệ sĩ người Pháp Chloe Glemot.
Nghệ sĩ Yuki Ohmori đã giành được giải nhất ở hạng mục Pas de Deux-1 trong cuộc thi khiêu vũ toàn Nhật Bản vào năm 1993, cùng năm đó cô giành được học bổng của trường Ballet Úc. Năm 1996, cô tham gia nhà hát New National Theatre Ballet ở Tokyo.
Chloe Glemot là diễn viên múa người Pháp. Cô học múa từ năm 4 tuổi và gia nhập trường Ballet Paris Opera khóa đào tạo chuyên sâu từ năm 2003. Cô theo đuổi sự nghiệp diễn viên múa chuyên nghiệp từ Nhà hát vũ kịch American ở New York, Nhà hát Les Grands Ballets Canadiens ở Montreal và Nhà hát ballet quốc gia Anh ở London. Năm 2006, Chloe hoàn thành khóa đào tạo chuyên ngành huấn luyện tại Trung tâm Múa quốc gia tại Paris và quyết định phát triển sự nghiệp tại Việt Nam từ năm 2013.
Tham gia vở diễn có sự góp mặt các nghệ sĩ hàn lâm chuyên nghiệp của đoàn vũ kịch HSBO. Nghệ sĩ Đỗ Hoàng Khang Ninh sẽ hóa thân thành nàng Giselle xinh đẹp, La Mẫn Nhi trong vai Myrtha - nữ hoàng của các linh hồn Wilis, Lê Đức Anh trong vai chàng quý tộc Albrecht và Đàm Đức Nhuận trong vai chàng Hilarion xấu số.
Giselle lấy bối cảnh tại một ngôi làng nhỏ và câu chuyện bắt đầu khi Giselle, một cô gái trẻ, phải lòng một nhà quý tộc, Albrecht, khi anh ta cải trang thành một thường dân và đã có hôn ước trước đó. Khi biết được danh tính của anh và thực tế bị dối lừa, cô rất đau lòng và nỗi buồn giết chết cô.
Trong màn thứ hai, vở ballet chuyển sang một bước ngoặt khi Giselle trở lại với tư cách là một linh hồn báo thù được gọi là Wilis, hồn ma của một phụ nữ chưa chồng bị chết sau khi bị người yêu phản bội và trả thù bằng cách bắt người đàn ông khiêu vũ đến chết. Vở ballet đạt đến cao trào khi Giselle tìm thấy Albrecht và phải quyết định xem cô sẽ trả thù hay thể hiện sự tha thứ.
Các nhà phê bình và nghệ sĩ ballet đều ghi nhận rằng, Giselle đã mang đến các kỹ thuật múa ballet mới và các yếu tố kể chuyện vào trong tác phẩm. Nó độc đáo ở chỗ nhấn mạnh cách múa ballet có thể truyền tải cảm xúc chứ không chỉ là những điêu luyện về sự chính xác và sức mạnh thể chất.
Giselle là một trong những tác phẩm nổi trội của ballet cổ điển với những trích đoạn yêu cầu kỹ thuật cao trong múa tập thể cũng như những đoạn múa độc tấu. Vở vũ kịch 2 màn này còn hấp dẫn bởi cốt truyện buồn, gây ám ảnh, cũng như bối cảnh song song giữa thế giới thực tại sống động và thế giới tâm linh huyền bí. Được công diễn lần đầu vào năm 1841, Giselle nhận được sự ủng hộ lập tức từ giới phê bình cùng khán giả và đã lan rộng trên toàn thế giới.