Núi nợ khổng lồ của tập đoàn Evergrande đã làm gia tăng lo ngại về việc thị trường bất động sản Trung Quốc, một trong những trụ cột của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có thể sụp đổ.
Đã có một số tín hiệu lạc quan sau khi Evergrande bắt đầu thanh toán một số khoản lãi trái phiếu đến hạn cũng như đang gấp rút bán bớt tài sản và doanh nghiệp. Ngay cả khi tránh được sự sụp đổ ngay lập tức, mây đen vẫn còn lâu mới tan khi những người nắm giữ trái phiếu bằng USD vẫn chưa nhận được tiền đầy đủ. Trong khi đó, các chủ nợ, nhà đầu tư cùng nhà cung cấp vẫn đang thấp thỏm lo lâu với qua “bom nợ” của Evergrande.
Một mối quan tâm là những tín hiệu tương tự như những tín hiệu đã thấy trước khi bong bóng bất động sản vỡ ở Nhật Bản vào đầu những năm 1990 đang có thể nhìn thấy ở Trung Quốc ngày nay. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tín dụng cho lĩnh vực phi tài chính của Trung Quốc đã tăng trưởng hai con số trong 5 năm qua và hiện vượt quá 35 nghìn tỉ USD.
Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ tư nhân so với tổng sản phẩm quốc nội hiện là 220% ở Trung Quốc, vượt qua con số 218% của Nhật Bản vào thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng. Bất động sản chỉ chiếm dưới 30% tổng dư nợ ở Trung Quốc, con số này cao hơn mức 21-22% ở Nhật Bản vào thời điểm đó.
Thời gian qua, thị trường bất động sản Trung Quốc dường như không có giới hạn. Những tập đoàn như Evergrande xây dựng thành phố từ cát bụi, tạo công ăn việc làm, phát triển công trình để tầng lớp trung lưu đổ tiền tiết kiệm vào và làm giàu cho những chính quyền địa phương bán đất cho họ. Trong suốt hành trình này, họ đã góp phần tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến thế giới phải sửng sốt.
Xét trên phạm vi cả Trung Quốc, bất chấp những tác động từ đại dịch COVID-19, tổng giá trị các giao dịch bất động sản tại quốc gia Đông Á tính đến tháng 1 năm nay đã tăng 8,7% trong năm ngoái, và mức giá nhà trung bình đã tăng mạnh trong 33 tháng liên tiếp. Cả 2 chỉ số này đều đạt mức cao kỷ lục kể từ khi Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu hàng tháng từ năm 1991.
Kết quả này đang khiến giới hoạch định chính sách Trung Quốc cảm thấy lo ngại, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang ở thời kỳ dễ bị tổn thương. Do đó, chính phủ không muốn giá bất động sản tiếp tục tăng và tăng. Điều này là không thể chấp nhận được về mặt chính trị.
Tháng trước, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã khởi động một chiến dịch chính trị với chủ đề "thịnh vượng chung" và nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng của Trung Quốc. Một yếu tố chính của sự bất bình đẳng là số tiền mà người giàu kiếm được thông qua đầu cơ bất động sản. Khi các nhà đầu tư bắt đầu chuẩn bị cho việc thắt chặt thị trường, điều đó đã tạo ra áp lực giảm giá bất động sản.
Một khi giá bất động sản bắt đầu giảm sẽ khiến các công ty bất động sản nợ nần ngân hàng chồng chất, làm chậm tiến độ xây dựng nhà ở mới. Chính phủ Nhật Bản đã chọn cách xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong một khung thời gian dài, nhưng với việc số nợ này tiếp tục tích tụ, các ngân hàng bắt đầu từ chối cho vay hoặc rút tín dụng cho vay, do đó làm nền kinh tế chao đảo.
Trong khi đó, hè năm 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra ba "lằn ranh đỏ" mà các nhà phát triển bất động sản lớn cần lưu ý về tình trạng tài chính của họ. Bằng cách buộc các công ty bất động sản phải ở trong một tỷ lệ nợ trên tài sản nhất định, ngân hàng trung ương đã tìm cách gây khó khăn cho các nhà phát triển này trong việc tăng đòn bẩy và đổ tiền vào thị trường bất động sản.
Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 7, đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng "ổn định giá bất động sản" như một trong những mục tiêu chính sách kinh tế của mình. Bắc Kinh sẽ không ngần ngại can thiệp vào thị trường để ngăn chặn sự suy thoái đột ngột. Tuy nhiên, một sự điều chỉnh trên thị trường bất động sản, như Nhật Bản đã trải qua, có thể kéo nền kinh tế Trung Quốc vào một đường hầm dài tăm tối, bị đè nặng bởi gánh nặng nợ xấu của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản khổng lồ như Evergrande cho thấy mức độ mong manh của thị trường bất động sản ở Trung Quốc. Nếu Evergrande sụp đổ, mây đen có thể bao trùm toàn bộ lĩnh vực bất động sản kéo theo ảnh hưởng tới ngành công nghiệp và thương mại, khiến nỗ lực kiểm soát tình hình của Bắc Kinh trở nên khó khăn.
Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cách chính phủ Trung Quốc giải quyết khủng hoảng Evergrande. Nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ can thiệp nhưng trong phạm vi hạn chế, ngay cả khi một gói cứu trợ đầy đủ là khó có thể xảy ra.
Nếu cứu giúp Evergrande, Bắc Kinh sẽ tạo một tiền lệ xấu khi không thể răn đe những tập đoàn bất động sản khác khiến họ tiếp tục lao vào con đường nợ nần, và dĩ nhiên bong bóng bất động sản tại Trung Quốc sẽ ngàng càng phình to. Một gói cứu trợ của chính phủ sẽ làm suy yếu chiến dịch của Bắc Kinh trong việc tăng cường kỷ luật tài chính trong lĩnh vực bất động sản
Cũng có nhiều lo lắng về khả năng Bắc Kinh quyết định để Evergrande sụp đổ. Nhưng làm như vậy, theo nhiều chuyên gia, cú ngã của Evergrande rất có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới suy thoái. Thay vì đưa ra một gói cứu trợ, các nhà phân tích dự đoán trọng tâm mà Bắc Kinh hướng tới là hướng dẫn Evergrande thông qua quy trình tái cơ cấu nợ hoặc phá sản có trật tự, đồng thời tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cấp vốn để đảm bảo các nhà đầu tư nhỏ và người mua nhà được bảo vệ "nhiều nhất có thể”.