Trước mặt chúng ta đang tồn tại một bức tường mang tên “nợ xấu” cần phải phá vỡ nếu như muốn có nguồn vốn để cải cách nền kinh tế.

Không xử lý được nợ xấu thì không thể cải cách kinh tế?

Nhàn Đàm | 21/06/2016, 11:32

Trước mặt chúng ta đang tồn tại một bức tường mang tên “nợ xấu” cần phải phá vỡ nếu như muốn có nguồn vốn để cải cách nền kinh tế.

Có thể nhận ra một điều sau khi quan sát các diễn biến trong nền kinh tế những ngày vừa qua, đó là các giải pháp tổng hợp như những nỗ lực để thực hiện đề án cải cách kinh tế đang được thực hiện khá rốt ráo.

Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thực sự của mình trong việc thực hiện công việc quan trọng này. Các nghị định, các dự luật nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế đang được xem xét và ban hành ở một tốc độ chưa từng có. Tuy nhiên, nó đang dẫn đến nút mắc chủ yếu nhất: nguồn vốn.

Theo thống kê Việt Nam sẽ cần khoảng 300.000-400.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 để thực hiện đề án “Quốc gia khởi nghiệp”, nhưng trong bối cảnh mà ngân sách quốc gia đang chịu sức ép lớn hơn bao giờ hết thì việc có được nguồn vốn lớn như thế là điều gần như không tưởng. Vì trước mặt chúng ta đang tồn tại một bức tường mang tên “nợ xấu” cần phải phá vỡ nếu như muốn có nguồn vốn để cải cách nền kinh tế.

Ngay từ cuối năm 2015 vấn đề nguồn vốn cho tăng trưởng và cải cách nền kinh tế đã được đặt ra.

Và đó là một bài toán gần như bất khả thi trong việc tìm lời giải. Vấn đề rất đơn giản nhưng lại không dễ giải quyết: sức ép ngân sách đang lớn hơn bao giờ hết do sự tích tụ của nợ công trong nhiều năm (theo báo cáo của chính phủ trong năm 2016 Việt Nam sẽ phải chi trả tổng cộng khoảng 12,5 tỷ USD), bội chi ngân sách tăng cao, trong khi đó các nguồn vốn vay nước ngoài như ODA sẽ dần bị thu hẹp về quy mô nhưng lại gia tăng về lãi suất.

Điều này dẫn đến việc nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển không những không tăng mà sẽ còn bị ăn mòn đáng kể, vì thế việc có được hàng trăm ngàn tỷ đồng để chi cho kế hoạch cải cách nền kinh tế là điều gần như không thể. Tình trạng mà nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào được xem như một thế kẹt, trong đó các nguồn lực cho đầu tư phát triển bị giảm mạnh do sự tích tụ gia tăng nợ công và chi thường xuyên quá lớn.

Đến thời điểm hiện tại, khi chính phủ đang nỗ lực tiến hành đề án cải cách nền kinh tế, thì vấn đề nguồn vốn cho đầu tư phát triển một lần nữa lại được đặt ra một cách quyết liệt hơn bao giờ hết.

Một thực tế là, các động thái cải cách từ đầu tháng Năm đến nay của chính phủ chủ yếu vẫn chỉ xoay quanh yếu tố chính sách và pháp luật, với điển hình là Nghị quyết 19/2016 và Nghị quyết 35, bên cạnh đó còn có dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sắp được trình Quốc hội vào tháng Bảy tới.

Tuy nhiên, lại có rất ít các nỗ lực trong vấn đề tìm lời giải cho nguồn vốn, dù đây là một yếu tố quan trọng không kém trong việc cải cách kinh tế. Không có nguồn vốn sẽ không thể hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển với tốc độ mong muốn. Tuy nhiên, nó lại một lần nữa đang được chính phủ đặt ra và xem xét, và lời giải thì có lẽ chỉ có một: giải quyết dứt điểm được 345.000 tỷ đồng nợ xấu.

Xem xét vấn đề nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển thông qua con đường giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp, vốn đang là một trong những yêu cầu mạnh mẽ nhất do lãi suất mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu cao gấp nhiều lần so với DN ở các nước trong khu vực, thì vấn đề giải quyết bằng được khối nợ xấu hiện nay là việc cấp bách phải làm.

Về lý thuyết, muốn giảm được lãi suất cho vay thì phải hạ được chi phí đầu vào, có hai cách để thực hiện điều đó: hoặc Ngân hàng nhà nước hỗ trợ nguồn lãi suất thấp hơn, hoặc phải giảm được nợ xấu.

Trong đó, phương án Ngân hàng nhà nước hỗ trợ nguồn lãi suất thấp hơn khó khả thi, do có thể dẫn tới việc gia tăng lạm phát vốn là điều Việt Nam cần tránh. Vì thế, giải pháp để có được nguồn vốn vay lãi suất thấp cho các DN và cải cách kinh tế chỉ có một: xử lý được khối nợ xấu khổng lồ lên tới 345.000 tỷ đồng trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chắc chắn là điều không hề dễ dàng. Một chuyên gia đã phát biểu về vấn đề này: “Chúng ta có nghiên cứu bao nhiêu giải pháp thì cũng vậy. Xử lý nợ xấu thời gian qua bị lỗi gien rồi”.

Trên thực tế, vấn đề nợ xấu đã được công bố rõ mức độ từ cuối năm 2011, cho đến nay đã là 5 năm nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo, và vào tháng 4.2016 trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của chính phủ mới, thì dự kiến Việt Nam sẽ cần thêm 5 năm nữa để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Nghĩa là chúng ta sẽ mất ít nhất là 1 thập kỷ để giải quyết được vấn đề này, trong khi yêu cầu xử lý nợ xấu để khơi dòng vốn cho cải cách kinh tế thời điểm hiện tại lại đang cấp bách và gấp rút hơn bao giờ hết.

Vì sao việc xử lý và giải quyết nợ xấu trong nền kinh tế ở Việt Nam lại diễn ra quá chậm chạp như vậy? Nguyên nhân chủ yếu có lẽ nằm ở “lỗi gien”, như vị chuyên gia kinh tế đã phát biểu.

Chúng ta đang cương quyết duy trì nguyên tắc: không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Về lý thuyết điều đó là đúng, khi việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, nhưng chúng ta lại đang bỏ mặc việc xử lý nợ xấu cho các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải tự xoay xở và đánh vật với nó, và điều này thì đang khiến các doanh nghiệp và nền kinh tế phải hứng chịu hậu quả nặng nề, mà lãi suất vay vốn cao là một ví dụ điển hình

Việc doanh nghiệp Việt Nam phải vay lãi suất quá cao (thường là trên 10% trong vài năm gần đây, trong khi mức trung bình ở khu vực chỉ khoảng 3-5%) một phần lớn là do ảnh hưởng từ nợ xấu. Các ngân hàng trên thực tế hụt một phần vốn rất lớn để tái thực hiện hoạt động kinh doanh đồng thời phải gồng mình nuôi nợ xấu thông qua việc trả lãi suất huy động và trích lập dự phòng rủi ro.

Giải pháp cho vấn đề này ở thời điểm hiện tại, có lẽ là việc chúng ta cần một số cơ chế để giảm gánh nặng xử lý nợ xấu trên vai các ngân hàng như những gì đã diễn ra trong vài năm qua.

Một trong số đó là việc thành lập thị trường mua bán nợ xấu và cho phép các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài tham gia mua các khoản nợ xấu trong nước. Trong chuyến công du vừa qua tới Việt Nam của chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao, thì ông Nakao cho biết ADB sẵn sàng xem xét mua lại các khoản nợ xấu của Việt Nam để hỗ trợ phát triển kinh tế.

Ông Nakao cho biết, cách làm này đã được khá nhiều quốc gia sử dụng và hiệu quả thu được là rất lớn. Nếu một thị trường mua bán nợ xấu hiệu quả được thành lập, nó sẽ rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu trong nền kinh tế Việt Nam xuống rất nhiều, đồng thời nguồn vốn đổ vào nền kinh tế sẽ nhiều hơn và lãi suất vay vốn các ngân hàng dành cho doanh nghiệp sẽ thấp hơn.

Để làm được điều này, Việt Nam cần phải hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, cho phép các tổ chức nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, vì ở thời điểm hiện tại điều này vẫn chưa được pháp luật cho phép.

Tất nhiên sự điều chỉnh này sẽ kéo theo một số vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng, nhưng đó là một cái giá cần thiết mà chúng ta phải trả nếu như muốn đẩy nhanh tốc độ cải cách nền kinh tế. Vì chắc chắn rằng với cách xử lý chậm chạp và kém hiệu quả hiện nay, Việt Nam sẽ cần mất ít nhất là 5 năm nữa mới có thể xử lý được nợ xấu và điều này đồng nghĩa với việc cơ hội quý giá để cải cách nền kinh tế hiện tại khi đó sẽ trôi qua.

Nhàn Đàm (theo Cafebiz, CafeF, Vneconomy, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không xử lý được nợ xấu thì không thể cải cách kinh tế?