Chi phí thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào... chính là những yếu tố giúp công nghệ nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những rủi ro về môi trường do các thiết bị máy móc áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện vẫn còn lạc hậu.

Không tỉnh táo với công nghệ Trung Quốc, Việt Nam sẽ chịu hậu quả của nhiệt điện than

19/04/2017, 07:42

Chi phí thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào... chính là những yếu tố giúp công nghệ nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những rủi ro về môi trường do các thiết bị máy móc áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện vẫn còn lạc hậu.

Ảnh minh họa

Xây dựng và phát triển các nhà máy nhiệt điện than hiện đang là đề tài thu hút sự quan tâm từ dư luận. Vấn đề này tiếp tục nóng lên khi các nước trên thế giới, trong đó có cả Trung Quốc đã dừng phát triển và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam lại đang có xu hướng mở rộng loại hình này.

Hơn hết, vấn đề khiến nhiều người lo ngại chính là khi Trung Quốc dừng các hoạt động nhiệt điện than để hướng tới nền công nghệ cao thì các loại công nghệ cũ, lạc hậu - từng khiến quốc gia này phải đánh đổi với môi trường, có nguy cơ "tuồn" sang Việt Nam theo các nhà đầu tư Trung Quốc. Từ đó, rủi ro với việc phát triển nhiệt điện của Việt Nam sẽ nhân lên bội phần.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính).

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Thời gian gần đây, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến. Nhiều người lo ngại rằng công nghệ lạc hậu của quốc gia này cũng "té nước theo mưa" vào Việt Nam. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào và theo ông, liệu Việt Nam có nguy cơ trở thành "bãi rác công nghệ" của Trung Quốc không?

- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Nền kinh tế của Việt Nam hiện đang cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Song, khả năng đáp ứng vốn ở trong nước lại tương đối thấp. Theo đó, bất kỳ một nguồn vốn đầu tư nước ngoài nào vào Việt Nam đều là điều đáng mong chờ.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chất lượng vốn FDI nói chung và FDI của Trung Quốc nói riêng vào Việt Nam tương đối thấp. Chất lượng thấp được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất là tính năng về mặt thiết bị máy móc thấp, năng suất cũng như hiệu quả sử dụng các loại công nghệ cũng không cao.

Thứ hai là những dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc đã có những tác động nguy hiểm tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế vì liên quan tới các vấn đề ô nhiễm môi trường, tiêu chí xả thải không đúng quy định...

Đặc biệt là trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế. Vì thế có nhiều ngành nghề năng suất không cao, chất lượng không tốt hoặc là có mức độ ô nhiễm môi trường lớn thì quốc gia này đã cấm không cho sử dụng. Do đó, các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy các công nghệ, thiết bị cũ sang các nước kém phát triển hơn. Nhiều dây chuyền, thiết bị công nghệ trong các ngành như: xi măng, luyện gang thép, giấy... và các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh đầu tư sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam hiện đang mở rộng việc phát triển nhiệt điện than để cung cấp nguồn điện chính cho quốc gia, trong khi Trung Quốc lại tạm dừng phát triển và đóng cửa rất nhiều nhà máy nhiệt điện than. Vậy theo ông, liệu đây có phải là con đường để Trung Quốc đẩy các loại công nghệ cũ, lạc hậu sang Việt Nam hay không?

- Hiện nay, không chỉ ở Trung Quốc, mà ở nhiều nước trên thế giới, nhiệt điện than được xem là loại hình phát điện gây ô nhiễm rất lớn. Vì vậy, nhiều quốc gia đã dừng xây dựng và sử dụng các nhà máy nhiệt điện than.

Thực tế ở các khu vực có nhà máy nhiệt điện than đang phải gánh chịu các hậu quả môi trường không phải là điều không ai nhìn thấy. Đi tới các khu vực gần nhà máy nhiệt điện than, khung cảnh tan hoang, ảnh hưởng môi trường rất nặng nề và chưa có giải pháp đặc biệt nhằm giám sát quản lý để hạn chế. Ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than bao gồm ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Khí thải từ việc đốt than và nhiệt độ nước cao từ hệ thống làm mát thải ra.

Khi nói đến các loại máy móc, thiết bị của nhiệt điện than thì hầu hết là các loại công nghệ cũ, máy móc mới rất ít, vì thế giới đã không còn quan tâm đến phương thức phát triển điện này nữa nên họ không chú trọng sản xuất các loại hình máy móc trong lĩnh vực này.

Theo đó, nếu Việt Nam không cẩn trọng với xu hướng đầu tư từ phía Trung Quốc thì thời gian tới, chúng ta sẽ phải đi xử lý các tác hại do nhiệt điện than gây ra. Hệ quả này có thể còn tốn kém hơn nhiều so với nguồn vốn đầu tư cũng như việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Do đó, các nhà quản lý đầu tư phải cực kỳ thận trọng khi chấp nhận đầu tư, xây dựng nhiệt điện than.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc hiện nay vẫn là quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thiết bị công nghệ, máy móc nhất. Sắp tới, ASEAN và Trung Quốc mở cửa trong khi Việt Nam lại được xem là "cửa ngõ" của ASEAN. Vậy ông có đưa ra cảnh báo gì trong việc giao lưu thương mại hàng hóa với Trung Quốc thời gian tới?

- Chúng ta càng mở cửa thì các loại công nghệ thấp càng dễ xâm nhập vào thị trường. Về mặt nhu cầu, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nước, trong đó có cả Trung Quốc, trong một thời gian dài do công nghệ chế biến, chế tạo của chúng ta rất kém. Khi tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc nhập khẩu máy móc, thiết bị để đáp ứng nhu cầu là câu chuyện đương nhiên.

Hiện nay, người dân Việt Nam sang Trung Quốc tìm nguồn hàng công nghệ rất nhiều. Ở thị trường này, không chỉ các sản phẩm máy móc, công nghệ mà còn nhiều mặt hàng khác, các thương nhân Việt Nam có thể tìm kiếm rất dễ, trong khi chi phí lại rẻ. Ở một phương diện nào đó những yếu tố này sẽ phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Song, vấn đề cốt lõi ở đây chính là chất lượng sản phẩm từ quốc gia này rất thấp.

Theo đó, tôi xin cảnh báo rằng giá rẻ sẽ không bù lại được năng suất thấp của công nghệ. Và nó càng không bù lại được việc gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, thiệt hại gây ra có thể còn gấp nhiều lần so với chi phí chúng ta đầu tư công nghệ tiên tiến của các quốc gia phát triển như châu Âu, Mỹ... Vì vậy, các doanh nghiệp nên đa dạng thị trường nhập khẩu để hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo ông, giải pháp nào để thời gian tới, Việt Nam có thể nhập khẩu được nhiều loại công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững?

- Thứ nhất, phải cho các doanh nghiệp nhìn thấy thiệt hại và lợi ích đem lại từ việc nhập khẩu thiết bị máy móc từ Trung Quốc. Đa số doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ, vốn liếng ít nên họ chỉ tính cái trước mắt là giá rẻ mà không tính đến hiệu quả lâu dài.

Thứ hai, họ không tính toán đến việc sắp tới đây là Việt Nam sẽ siết chặt việc xả thải, không khí, nước... Do đó, chi phí môi trường sẽ tăng cao và làm cho hiệu suất đầu tư của họ thấp xuống. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có những siết chặt nhất định nhưng chưa cao.

Thứ ba là phải có một cơ quan chuyên sàng lọc các thiết bị đầu tư cho các dự án để đảm bảo các thiết bị này ít nhất cũng ở mức trung bình tiên tiến so với thị trường thế giới.

Thứ tư là đa dạng hóa thị trường nhập khẩu với sự tư vấn và hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tôi cho rằng Nhà nước cần phải có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể tiếp cận được công nghệ kỹ thuật hiện đại. Những loại công nghệ này đòi hỏi nhu cầu về vốn lớn và thời gian thu hồi vốn lâu hơn, nên nếu Nhà nước có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp sẽ hướng tới những loại hình công nghệ có chất lượng tốt hơn.

Xin cám ơn ông!

Tuyết Nhung (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không tỉnh táo với công nghệ Trung Quốc, Việt Nam sẽ chịu hậu quả của nhiệt điện than