Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

Không thể chậm trễ được nữa, thiếu điện cấp bách lắm rồi!

tuyetnhung | 12/11/2019, 10:58

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

Mối lo thiếu điện đang ngày càng hiện hữu và trở thành nguy cơ, chiều 11.11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị có liên quan để đánh giá hiện trạng, đồng thời đề ra giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện trọng điểm.

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Nhìn nhận thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023, nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Tình hình đang rất cấp bách và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa"

Trong các báo cáo gửi Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương nêu thực tế do điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Các năm 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.

Các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ kWh năm 2025.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận thời gian qua còn nhiều dự án chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tác động đến đời sống dân sinh. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, có biện pháp cụ thể xử lý ngay các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần đánh giá cụ thể từng dự án, vướng mắc ở đâu, khó khăn chỗ nào, khả năng đáp ứng được tiến độ đến đâu. Trong trường hợp không đáp ứng được về mặt tiến độ thì giải pháp thay thế là gì, nếu nhập khẩu điện thì nhập khẩu ở nguồn nào, giá cả ra sao, khả năng đấu nối ra sao? Nếu sử dụng năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió để thay thế thì khả năng đáp ứng được đến đâu, có những vướng mắc khó khăn hay cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách gì...

Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực trực tiếp theo dõi, giám sát chỉ đạo, chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung giải quyết vướng mắc, nhất là về vốn, nguồn ngoại tệ. Đồng thời phải có chương trình làm việc hàng tháng để rà soát và thống nhất giải pháp thực hiện liên quan tới dự án chậm tiến độ, có kịch bản cho từng tình huống… như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

"Bộ Công Thương sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về nguy cơ thiếu điện, đưa ra các giải pháp về cơ chế để giải quyết. Chúng ta cần làm ngay, cấp bách lắm rồi và không thể chậm trễ", người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.

Vỡ quy hoạch điện mặt trời

Trong khi đó, tại kỳ họp Quốc hội mới đây, người đứng đầu ngành Công Thương đã nhận trách nhiệm về việc vỡ quy hoạch điện mặt trời. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Ngoài ra, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực. Kết quả là, các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất.

Bộ trưởng giải thích, có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp tổ chức, các cơ quan chức năng giữa Bộ Công Thương - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án.

"Ở diễn đàn Quốc hội này, tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, đảm bảo giải toả công suất", Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Công Thương cũng nêu khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. "Về lâu dài phải có quy định pháp luật để cho phép xã hội hoá đầu tư truyền tải điện, nhưng không làm mất vai trò độc quyền của nhà nước. Có thể sẽ áp dụng hình thức BT trong đầu tư hệ thống chuyển tải điện", Bộ trưởng nói.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thể chậm trễ được nữa, thiếu điện cấp bách lắm rồi!