Đề xuất Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế, nhất là nông, lâm, thủy hải sản và đặc biệt là gạo có thể là một giải pháp khả dĩ giúp thu hẹp tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai bên. Nhưng để thực sự cân bằng cán cân thương mại và chấm dứt tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc thì chỉ thế vẫn là chưa đủ.

Không thay đổi cơ cấu kinh tế, khó giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Nhàn Đàm | 14/09/2016, 13:59

Đề xuất Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế, nhất là nông, lâm, thủy hải sản và đặc biệt là gạo có thể là một giải pháp khả dĩ giúp thu hẹp tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai bên. Nhưng để thực sự cân bằng cán cân thương mại và chấm dứt tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc thì chỉ thế vẫn là chưa đủ.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang được xem là một đề tài đáng chú ý, khi đây là lần đầu tiên tân thủ tướng của Việt Nam có chuyến thăm chính thức tới một trong những đối tác thương mại lớn nhất của đất nước, và trong đó nhiều vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận. Trong số đó, dĩ nhiên câu chuyện nhập siêu nặng nề từ Trung Quốc luôn là một chủ đề nóng, và nó cũng đã xuất hiện trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường về việc làm thế nào để cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia. Trong đó, Thủ tướng Việt Nam đã đề xuất Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế, nhất là nông, lâm, thủy hải sản và đặc biệt là gạo như một giải pháp khả dĩ giúp thu hẹp tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai bên.Nhưng để thực sự cân bằng cán cân thương mại và chấm dứt tình trạng nhập siêu từ Trung Quốcthì chỉ thế vẫn là chưa đủ.

Nhập siêu nặng nề từ Trung Quốc từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với nền kinh tế Việt Nam. Mức nhập siêu từ nền kinh tế khổng lồ láng giềng phía Bắc gần như xóa sạch thành quả xuất siêu lớn mà Việt Nam giành được trong mối quan hệ thương mại với Mỹ, Nhật hay EU, dẫn đến việc trong nhiều năm trở lại đây nền kinh tế Việt Nam thường xuyên ở trong tình trạng nhập siêu.

Điển hình như năm 2015, mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 32 tỉ USD trong tổng số 49,3 tỉ USD nhập khẩu từ nền kinh tế số hai thế giới này. Năm 2016 có giảm hơn chút ít thì cũng không đáng kể, khi trong 8 tháng đầu năm mức nhập siêu từ Trung Quốc cũng đã lên tới 19 tỉ USD. Mức nhập siêu quá lớn này khiến cho những nỗ lực tìm cách thu hẹp cán cân thương mại của Việt Nam trở nên vô ích, nếu như không đi thẳng vào bản chất và nguyên nhân chủ yếu tạo ra tình trạng nhập siêu khổng lồ này.

Cần nói ngay rằngViệt Nam mới chỉ rơi vào tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc từ thời điểm năm 2001 đến nay, trong khi vẫn xuất siêu sang Trung Quốc ở thời điểm năm 2000. Mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc thời điểm năm 2001 mới chỉ đạt 189 triệu USD, nhưng mức lũy kế của nó sau đó đã diễn ra với tốc độ chóng mặt, đến năm 2013 mức nhập siêu này đã tăng lên con số 24 tỉ USD, và năm 2015 là 32 tỉ USD (theo The Saigon Times).

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này nằm ở chính cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Theo đó nền kinh tế của chúng ta trong vòng 15 năm qua chủ yếu đi theo con đường gia công và chú trọng vào công nghiệp. Điều này dẫn tới việc Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị ở quy mô rất lớn để phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu để đưa sang các thị trường lớn phương Tây. Về bản chất, công thức tạo nên tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 15 năm qua là: nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị từ Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và EU. Việt Nam càng gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Âu Mỹ thì nhập khẩu từ Trung Quốc lại càng nhiều.

Nói cách khác, vớicơ cấu kinh tế dựa trên gia công và công nghiệp như Việt Nam hiện nay, thì việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu và thiết bị quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi. Kể cả không nhập từ Trung Quốc thì Việt Nam vẫn sẽ phải nhập từ một vài quốc gia khác, dù điều đó khó có thể xảy ra khi hàng hóa Trung Quốc có những lợi thế rất lớn về giá cả và nhất là chi phí vận chuyển thấp do khoảng cách địa lý ngắn. Điều này đồng nghĩa với việcnếu muốn giảm tình trạng nhập siêu nghiêm trọng từ Trung Quốc thì Việt Nam chỉ có 2 cách: hoặc là thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm phụ thuộc vào các ngành công nghiệp gia công;hoặc là các hiệp định thương mại quan trọng như TPP hay EVFTA có hiệu lực, trong đó các quy tắc về xuất xứ nguyên vật liệu có thể khiến Việt Nam phảigiảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc mà vẫn có thể tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ hay EU.

Còn trong ngắn hạn, việc cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc là một nhiệm vụ bất khả thi với Việt Nam. Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không thể thu hẹp được sự chênh lệch này. Có rất nhiều vấn đề đáng nói trong chính sách xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, trước hết là cơ cấu và giá trị kim ngạch. Đề xuất của Thủ tướng Việt Nam với Thủ tướng Trung Quốc về việc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang nước này đã chỉ ra một thực tế: chúng ta đang xuất khẩu những mặt hàng có giá trị thấp sang thị trường đông dân nhất thế giới này, chủ yếu là các mặt hàng nông sản như rau quả, lúa gạo hay thủy hải sản. Điều trớ trêu là một trong những lý do biến Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ hiện đại là vì gần với thị trường tiêu thụ khổng lồ của Trung Quốc, nhưng phần lớn các mặt hàng điện tử công nghệ có giá trị cao sản xuất tại Việt Nam thì lại xuất khẩu sang thị trường Âu Mỹ.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì hàm lượng công nghệ trong hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam kém hơn hầu hết các nước trong khu vực, dẫn đến tình trạng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này kém hơn hầu hết các nước ASEAN (theo CafeF). Nói cách khác, tình trạng chênh lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn có thể được cải thiện nếu như Việt Nam tìm cách thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu vào thị trường này, hoặc cải thiện hàm lượng công nghệ cũng như chất lượng và giá cả sản phẩm.

Chẳng hạn như mặt hàng rau quả, thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 46,8%, đạt 941 triệu USD, chiếm 69,5% tổng kim ngạch, nhưng phần lớn có giá thành thấp và không ổn định. Lý do chính khiến rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gấp nhiều lần so với các thị trường như Mỹ hay EU cũng là do các tiêu chuẩn thấp của thị trường này. Nói cách khác, nếu Việt Nam cải thiện chất lượng các sản phẩm rau củ để có thể xuất khẩu được sang các thị trường khó tính Âu Mỹ, thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt kim ngạch và giá trị cao hơn nhiều khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc vốn có nhu cầu tiêu thụ rau quả sạch khổng lồ. Đến khi đóthì Trung Quốc cũng sẽ tự động tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam mà không cần Thủ tướng phải đề nghị trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thay đổi cơ cấu kinh tế, khó giảm nhập siêu từ Trung Quốc