Theo luật sư Hà Thị Khuyên, nếu bị can ngoan cố trốn tránh và không ra đầu thú gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy bắt thì bị can sẽ không được nhận sự khoan hồng của pháp luật, không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Không ra đầu thú, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) mất quyền lợi gì?

Sơn Lam | 12/11/2022, 11:30

Theo luật sư Hà Thị Khuyên, nếu bị can ngoan cố trốn tránh và không ra đầu thú gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy bắt thì bị can sẽ không được nhận sự khoan hồng của pháp luật, không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh truy nã đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Để phục vụ điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế - AIC) cùng 7 bị can ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Bộ Công an nhấn mạnh: "Nếu tiếp tục bỏ trốn, cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa. Nếu các bị can trên không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật”.

Bà Nhàn đang bị truy nã theo Quyết định truy nã số 02/QĐ-TN ngày 10.5.2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Bà Nhàn bị khởi tố ngày 29.4, đồng thời C03 ra lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

nhan-2.png
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế - AIC

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật tố tụng hình sự thì truy nã là việc cơ quan tố tụng ra quyết định truy tìm tung tích của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

Căn cứ vào Điều 4, Điều 7 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC do Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao, trong giai đoạn điều tra nếu xác định có bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải ra quyết định truy nã và phối hợp với lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy bắt.

Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ căn cứ xác định đối tượng đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả.

Ngoài ra, tại điểm i khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thì “đầu thú” là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

“Người phạm tội “đầu thú” là điều kiện để xem xét được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”, bà Khuyên nêu.

Đối chiếu trường hợp bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bà Khuyên cho rằng nếu bị can nhận thức được tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải, tự nguyện ra đầu thú và khai nhận các hành vi vi phạm và những đồng phạm khác thì sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Đảng và Nhà nước luôn có chính sách khoan hồng cho những người biết sửa sai, lập công chuộc tội và cải tạo tốt để được hưởng chính sách tha tù trước thời hạn.

“Còn nếu bị can ngoan cố trốn tránh và không ra đầu thú gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy bắt thì bị can sẽ không được nhận sự khoan hồng của pháp luật, không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015”, bà Khuyên nói.

Bài liên quan
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố trong vụ án xảy ra tại VNCERT
Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) và 12 bị can khác bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không ra đầu thú, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) mất quyền lợi gì?