Kết luận của Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật về phương án xử lý Trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91, thống nhất phương án tối ưu là nghiên cứu phương án “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại Trạm T2 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư quốc lộ 91B (từ nguồn ngân sách TP.Cần Thơ hoặc Trung ương). Tức tiền ngân sách - tiền thuế của dân, sẽ được lấy để trả doanh nghiệp.

Không phải cứ lấy tiền dân, trả doanh nghiệp là xong!

14/11/2019, 06:46

Kết luận của Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật về phương án xử lý Trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91, thống nhất phương án tối ưu là nghiên cứu phương án “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại Trạm T2 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư quốc lộ 91B (từ nguồn ngân sách TP.Cần Thơ hoặc Trung ương). Tức tiền ngân sách - tiền thuế của dân, sẽ được lấy để trả doanh nghiệp.

Trạm BOT T2 - Ảnh: Thanh Nguyên

Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 và QL 91B đoạn Km0+000 đến Km15+793 có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp là nhà đầu tư. Doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang.

Dự án có 2 Trạm thu phí T1 và T2 trên QL 91. Trong đó, Trạm T1 (Q.Ô Môn, Cần Thơ) bắt đầu thu phí từ 0 giờ ngày 2.4.2016 và Trạm T2 (Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) bắt đầu thu phí từ đầu năm 2017. Trạm T2 đi vào hoạt động đã bộc lộ những bất cập và bị cánh tài xế phản ứng vì họ cho rằng trạm đặt cách ngã ba Lộ Tẻ chừng 300m nhưng thu luôn phương tiện đi theo QL 80 về phà Vàm Cống, Long Xuyên và ngược lại mặc dù các phương tiện này chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT.

Sau khi cầu Vàm Cống khánh thành đưa vào sử dụng (ngày 19.5.2019), Trạm BOT T2 gặp phải sự phản ứng càng gay gắt hơn, buộc nhà đầu tư phải dừng thu phí từ ngày 25.5.2019 đến nay. Và giờ, Bộ GT-VT tính đến phương án sẽ lấy tiền ngân sách - tiền thu thuế của dân, để trả lại cho doanh nghiệp, chấm dứt việc thu phí.

Trước hết, có người đặt vấn đề, phải bàn về chuyện trả lại tiền doanh nghiệp, khi họ gắp khó, liệu có tạo tiền lệ hay không? Bởi sau này, hễ doanh nghiệp đầu tư dự án BOT nào gặp khó, than lỗ, lại lấy cớ để “ăn vạ”, buộc Nhà nước hoàn lại tiền. Làm vậy, khác nào “bảo kê” cho doanh nghiệp: lời ăn, lỗ cứ trả lại?

Đúng là không phải dự án nào cũng được vậy! Nhưng dự án này có đặc thù khác, đó là Trạm T2 đặt sai chỗ! Nhiều người dân phản ứng vì điều đó, và họ kiên quyết không đóng phí, khi chỉ đi vài trăm mét đường, phải trả tiền cho cả tuyến đường. Và nếu ngân sách không trả lại tiền cho doanh nghiệp - vì sợ tạo tiền lệ, chẳng lẽ bắt dân phải đóng phí vô lý như vậy mãi? Bắt ngưng ngay thì lại quá ép doanh nghiệp.

Cũng như Trạm thu phí BOT Cai Lậy, giới tài xế từng kêu gọi và sẵn lòng góp tiền để hoàn lại kinh phí trải nhựa trên QL 1A, để khỏi phải tốn phí vô lý. Họ nói, đừng lấy cớ trải lớp nhựa mỏng trên quốc lộ, rồi bắt tài xế phải đóng tiền cho tuyến tránh Cai Lậy, trong khi họ chẳng hề đi. Cứ trả tiền, không nợ nần gì chuyện trên quốc lộ, sau đó ai đi tuyến tránh thì cứ móc hầu bao trả tiền.

Do vậy, có lẽ đừng sợ tiền lệ, mà cứ làm cho đúng. Phải rà soát chi li, kiểm tra kỹ khoản đầu tư mà doanh nghiệp kê rằng, đã bỏ ra, trừ số tiền họ đã thu bao lâu nay... Đừng để ngân sách phải gánh cả những khoản kê khống.

Nhưng cái chính: Bộ GT-VT muốn xóa sổ Trạm T2, tức thừa nhận nó đã đặt sai. Sai! Khoảng cách Trạm T1 và Trạm T2 chỉ khoảng 34km, trong khi theo quy định là khoảng cách giữa 2 trạm phải trên 70km, như vậy đã sai theo quy định về khoảng cách đặt trạm. Thứ hai là không thể có chuyện làm tuyến đường này rồi thu phí tại một tuyến đường khác, vì nhiều người đi theo QL 80, chỉ băng qua đường này vài trăm mét.

Sai, vậy ai chịu trách nhiệm? Ngân sách trả, thì là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng phải xử lý trách nhiệm của những cán bộ góp vào cái sai đó, kể cả những cán bộ địa phương “hùa vào”, đồng ý cho đặt trạm trên phần đất địa phương mình như vậy. Xử thật nghiêm vào. Kỷ luật thật nặng, thậm chí truy tố vì quyết sách sai làm tổn hại ngân sách, hại dân, thì đừng sợ chuyện gây tiền lệ phải xuất ngân sách trả lại cho doanh nghiệp.

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không phải cứ lấy tiền dân, trả doanh nghiệp là xong!