Bị cáo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) đã bị tuyên án 5 năm tù và Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù. Hội đồng xét xử nhận định, có đủ cơ sở để kết tội hai bị cáo dù hai bị cáo không nhận tội trước tòa.
Ngày 23.3.2016, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hữu Vinh (SN 1956, hộ khẩu thường trú: số 5/2/4D phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội), chủ blog "Anh Ba Sàm" về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án này còn có Nguyễn Thị Minh Thúy, sinh năm 1980, thường trú tại số 411 - E1, khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo cáo trạng, từ tháng 9.2013 đến tháng 1.2014, bị cáo Nguyễn Hữu Vinh đã đăng kí lập, quản trị và sử dụng 2 blog Dân quyền và Chép sử Việt. Sau đó Vinh đã chia sẻ quyền quản trị cho Thuý để đăng bài trên 2 blog trên.
Từ vị trí làm kế toán cho Vinh ở Công ty Điều tra và Bảo vệ V, bị cáo Thuý đã được Nguyễn Hữu Vinh trực tiếp chỉ đạo trong việc đưa những bài viết có nội dung chống phá Đảng và Nhà nước lên mạng Internet và tham gia quản trị trang Basam, theo cáo trạng.
Cơ quan điều tra nhận định, 24 bài viết đăng trên 2 blog Dân quyền và Chép sử Việt đều là những bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Những bài viết đó đã gây hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân.
Khai trước tòa, bị cáo Thúy phủ nhận hoàn toàn hành vi phạm tội của mình, đồng thời Thúy khẳng định trước tòa rằng không ai cung cấp mật khẩu truy cập trang blog đó mà hoàn toàn do sở thích nên mày mò, tìm hiểu.
Bị cáo Vinh khai thành lập blog “Anh Ba Sàm” từ năm 2007 và trong vai trò quản trị, người quản trị có quyền đăng hay sửa bài viết có trong blog đó. Khi quản trị viên đã chia sẻ với người thứ hai thì khả năng chia sẻ với nhiều người khác là hoàn toàn có thể.
Quá trình xét hỏi kéo dài suốt 2 tiếng đồng hồ nhằm làm rõ mối quan hệ của hai bị cáo cũng như quá trình phạm tội. Trước lời khai của hai bị cáo, đại diện VKS đã nêu nhận định: Các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào bằng chứng thu giữ được cùng lời khai trước tòa, VKS cho rằng các bị cáo đã có hành động thách thức pháp luật; đồng thời đề nghị mức án từ 5-6 năm tù với bị cáo Vinh và từ 24-30 tháng tù đối với bị cáo Thúy.
Có 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Vinh và 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Thúy. Trước quan điểm truy tố của đại diện VKS, các vị luật sư lần lượt đưa ra lời bào chữa cho bị cáo Vinh và Thúy.
Các vị luật sư đều cùng chung quan điểm đề nghị VKS rút truy tố với lí do đây là vụ án chưa đủ bằng chứng, chứng cứ kết luận phạm tội và mong HĐXX trả tự do cho các bị cáo ngay tại phiên tòa. Các luật sư cùng đưa ra nhận định, tài liệu định tội bị cáo đều không phải là tài liệu gốc.
Luật sư Trần Văn Tạo (bào chữa cho bị cáo Vinh) nêu quan điểm: “Bị cáo đã từng trả lời tôi rằng: “Làm điều này để kết nối giữa Đảng và nhân dân”. Vậy căn cứ vào đâu mà cho rằng thân chủ tôi đã có hành động đưa thông tin sai lệch”.
Trước lời bào chữa lần lượt của các luật sư, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như ban đầu.
Sau hơn nửa ngày tranh luận nảy lửa, hai bị cáo được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Hai bị cáo Vinh và Thúy vẫn một mực cho rằng mình vô tội.
Sau một ngày xét xử đầy căng thẳng, HĐXX cho rằng tại tòa các bị cáo đã không khai nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng căn cứ hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi công khai tại tòa, hội đồng xét xử nhận định có đủ cơ sở kết tội các bị cáo như cáo trạng truy tố.HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm pham quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Nhã Thanh