Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh điều này khi được hỏi về việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố.
Không còn "hạ cánh an toàn"
Chiều 16.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình Lịch sử TP.HCM, cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, để điều tra về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, theo Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng qua việc này càng thấy lời nói của lãnh đạo, của Tổng Bí thư đi đôi với hành động.
Theo ông Hùng, điều này cũng cho thấy 2 tín hiệu:
Thứ nhất là chống tham nhũng không có vùng cấm, không hạ cánh an toàn, không có ngoại lệ.
“Khi Trung ương kỷ luật ông Tất Thành Cang thì cũng có những ý kiến rằng tại sao lại chỉ xử lý ở mức độ như thế thôi. Dư luận cũng như trên mạng, thậm chí một số đồng chí cũng nói với tôi là Trung ương có tới 30% số phiếu không đồng ý với mức kỷ luật của Bộ Chính trị đối với ông Tất Thành Cang, tức là muốn kỷ luật nhẹ hơn.
Tuy nhiên, khi tôi hỏi một số người có trách nhiệm ở Trung ương thì được biết là không phải như vậy, mà thực tế là có hơn 30% số phiếu đề nghị hình thức kỷ luật nặng hơn đối với ông Tất Thành Cang. Do đó, khi nghe dư luận cần bình tĩnh", ông Hùng nói.
Thông điệp thứ 2, theo ông Hùng là việc xử lý con người phải nhân văn, không vội vàng, hấp tấp, án tại hồ sơ nên phải nghiên cứu kĩ lưỡng.
"Xử lý hình sự một ủy viên trung ương Đảng chúng ta không thấy vui vẻ gì, phải thấy đó là một sự đau đớn nhưng đồng thời, điều này cũng cho thấy việc xử lý kỷ luật rất nghiêm minh. Điều này cũng cho thấy lời nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước rất nhất quán.
Những đảng viên có sai phạm cần ăn năn hối lỗi, báo cáo với tổ chức. Đây cũng là một tình tiết để giảm nhẹ. Kỷ luật đảng là kỷ luật sắt, nhưng phải tự giác", ông Hùng chia sẻ.
Điều 219 có khung hình phạt thế nào?
Được biết, đây là tội danh mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Điều 219 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như sau:
Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước).
Về khách thể, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị).
Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Có nghĩa là, người thực hiện hành vi vi phạm, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tài sản. Hành vi trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Gây thất thoát, lãng phí tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Hậu quả của hành vi là gây thiệt hại về tài sản.
Gây thiệt hại cho Nhà nước 153 tỉ đồng
Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 31 diễn ra từ 12-14.11.2018, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, quy trình xử lý công việc; vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng.
Ông Tất Thành Cang cũng được xác định đã có sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, rẻ hơn giá thị trường, không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định; không báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định, khiến việc chuyển nhượng đất có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ TP.HCM.
Ngoài ra, liên quan đến sai phạm tại Công ty Tân Thuận - IPC và Sadeco, ông Tất Thành Cang khi đó là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã đồng ý chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược gây thiệt hại của Nhà nước khoảng 153 tỉ đồng.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, vào thời điểm khoảng năm 2015, Công ty SADECO có vốn điều lệ khoảng 170 tỉ đồng, trong đó vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm 62,8% (IPC – Tân Thuận thuộc UBND TP.HCM chiếm 44%, Văn phòng Thành ủy TP.HCM 2,6%, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận – TACONVES thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM chiếm 14,1%...).
Theo đề án tái cơ cấu, UBND TP.HCM yêu cầu IPC–Tân Thuận không được giảm thêm tỉ lệ sở hữu vốn, nhất là trong bối cảnh SADECO đang có hoạt động lợi nhuận rất cao vào năm 2015 và 2016.
Tuy nhiên gần cuối năm 2016, từ đề xuất của một công ty tư nhân, HĐQT Công ty SADECO đã ra nghị quyết thống nhất chủ trương hợp tác chiến lược, chọn công ty tư nhân này làm cổ đông chiến lược.
Đến khoảng 24.4.2017, nhóm đại diện quản lý vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Công ty SADECO đã trình lãnh đạo Văn phòng Thành ủy TP.HCM phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ Công ty SADECO.
Ngày 28.4.2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM có tờ trình xin chủ trương Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang lúc bấy giờ về phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Công ty SADECO.
Ngày 18.5.2017, Văn phòng Thành ủy có thông báo số 495 truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang lúc bấy giờ về việc chấp thuận để Văn phòng Thành ủy được biểu quyết chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược nhằm tăng vốn điều lệ tại Công ty SADECO.
Từ cơ sở trên, IPC – Tân Thuận kiến nghị UBND thành phố phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC – Tân Thuận tại Công ty SADECO.
Trong khi đó, theo Thanh tra TP.HCM, thông báo 495-TB/VPTU ngày 18.5.2017 truyền đạt ý kiến của cá nhân Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chứ không phải tập thể Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Tuy nhiên, nhờ văn bản truyền đạt này mà IPC – Tân Thuận và Công ty SADECO đã bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là công ty tư nhân với giá 40.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi phát hành 9 triệu cổ phiếu này, tỷ lệ vốn sở hữu của IPC tại Công ty SADECO từ 44% giảm còn 28,8%. Theo Thanh tra TP.HCM, việc làm này đã gây thiệt hại cho Công ty SADECO 153 tỉ đồng, vì giá bán cổ phiếu thấp hơn so với giá thực tế thời điểm lúc bấy giờ. Sau đó khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì 9 triệu cổ phiếu đã được thu hồi.
Ngày 26.12.2018, Hội nghị Trung ương 9 khóa 12 thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá 12, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Sau khi bị cách chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy, ông Tất Thành Cang được phân công làm Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công trình Lịch sử TP.HCM.