Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại cũng như những năm sắp tới, đề án “Quốc gia khởi nghiệp” được xem là một cú hích lớn, nếu thành công sẽ đem lại một sức bật lớn về lâu dài cho nền kinh tế. Nhưng với điều kiện, hỗ trợ cho ra hỗ trợ.

Khởi nghiệp: Hỗ trợ cho ra hỗ trợ!

Nhàn Đàm | 10/07/2016, 15:22

Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại cũng như những năm sắp tới, đề án “Quốc gia khởi nghiệp” được xem là một cú hích lớn, nếu thành công sẽ đem lại một sức bật lớn về lâu dài cho nền kinh tế. Nhưng với điều kiện, hỗ trợ cho ra hỗ trợ.

Dù bị khá nhiều nhà đầu tư cũng như các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp (DN) – gần gấp đôi con số DN hiện tại, là tương đối khó thực hiện; nhưng nếu có những chính sách hỗ trợ thực sự hiệu quả thì đó chưa hẳn là một mục tiêu bất khả thi. Vấn đề là, một mặt, Việt Nam muốn có thêm gần 500.000 DN từ nay đến năm 2020; mặt khác, lại đang hết sức "dè xẻn" trong hỗ trợ khởi nghiệp.

Không hẹn mà gặp, hai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đang xuất hiện gần như cùng lúc trong nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, với những sự khác biệt lớn lao. Đầu tiên là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Singapore được đưa ra ở buổi giới thiệu về thành lập DN ở Singapore do Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp SHIELD phối hợp với Công ty Alpha Business Solutions (ABS) của Singapore tổ chức tại TP.HCM tối 8.7.

Thứ hai là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vừa được Bộ tài chính trình chính phủ ở Việt Nam, cụ thể là phương án thuế dành cho đối tượng các DN khởi nghiệp như một chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đặc biệt. Dễ dàng nhận ra được những khác biệt lớn giữa hai chính sách ưu đãi và hỗ trợ khởi nghiệp này, nếu so sánh nội dung của chúng với nhau.

Nếu phải đưa ra nhận xét về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Singapore được giới thiệu ở TP.HCM vừa qua, thì chỉ có thể nói rằng đó là một chính sách rất linh hoạt, thuận tiện cho DN với những ưu đãi hấp dẫn và đi vào thực chất. Có thể dễ dàng kể ra những điểm nổi bật nhất: miễn thuế năm đầu tiên, miễn thuế 50% năm tiếp theo, khấu trừ thuế vào các khoản mua sắm máy móc trang thiết bị.

Ngoài ra các DN khởi nghiệp còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ Singapore như luật bảo vệ tài sản trí tuệ, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, ưu đãi thuế, chế độ miễn thuế trong 3 năm cho các công ty đạt điều kiện, trợ cấp vốn. Đặc biệt, điều kiện để nhận được tất cả các ưu đãi rất lớn trên lại rất đơn giản, đó là chỉ cần công ty được thành lập ở Singapore, có địa chỉ văn phòng đăng ký tại đó, vốn ban đầu ít nhất là 1 dollar Singapore, có ít nhất 1 cổ đông cùng 1 giám đốc và 1 thư ký là người bản xứ.

Còn chính sách ưu đãi thuế mà bộ Tài chính của Việt Nam vừa trình lên chính phủ như một chính sách hỗ trợ các DN khởi nghiệp thì sao? Nội dung chủ yếu trong đó là: các DN khởi nghiệp tại các địa bàn không ưu đãi thuế, không đáp ứng các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành, sẽ được hưởng mức thuế suất ở mức 15-17%, nghĩa là chỉ giảm khoảng 3-5% so với mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp chung cho toàn quốc là 20%, một mức giảm không đáng kể lắm.

Ngoài chính sách ưu đãi thuế kể trên vừa được bộ Tài chính trình lên chính phủ, thì chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có một số ưu đãi đáng kể dành cho các DN khởi nghiệp. Cụ thể là: thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo với những dự án đầu tư mới của DN khởi nghiệp tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu kinh tế hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất phần mềm hoặc vật liệu mới, vv…vv

Quả thực nếu so với các hỗ trợ khởi nghiệp của Singapore thì các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kể trên của Việt Nam cũng không thua kém là bao. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất ở đây là: đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi kể trên lại rất hạn hẹp. Vì theo bộ Tài chính, tiêu chí xác định DN khởi nghiệp là: DN thành lập mới và hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới để tạo ra hàng hóa, dịch vụ có tính sáng tạo và ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực của đời sống.

Bên cạnh đó, còn phải đáp ứng tiêu chí về tổng doanh thu không vượt quá 20 tỷ đồng/năm. Tất cả các DN khởi nghiệp không đáp ứng được những tiêu chí trên, thì đều không được xem là DN khởi nghiệp và sẽ không được nhận những ưu đãi lớn về thuế kể trên.

Có thể thấy các tiêu chí đánh giá như trên của bộ Tài chính để xác định xem như thế nào thì được coi là DN khởi nghiệp khá hạn chế và không phù hợp. Không cần phải là chuyên gia kinh tế cũng có thể nhận ra số DN khởi nghiệp có thể đáp ứng những tiêu chí trên là rất thấp.

Bằng những quy định trên, có thể xem như bộ Tài chính đã loại bỏ tất cả các DN khởi nghiệp không phải trong lĩnh vực công nghệ như các DN sản xuất và dịch vụ, trong khi đây mới là lĩnh vực có nhiều DN khởi nghiệp nhất trong nền kinh tế.

Dường như đang có sự nhầm lẫn về khái niệm DN khởi nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế với một DN khởi nghiệp chỉ trong lĩnh vực công nghệ. Trong một nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất và dịch vụ như Việt Nam thì số lượng DN thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều lần số DN thành lập mới trong lĩnh vực công nghệ, và một chính sách hỗ trợ chỉ dành cho các DN khởi nghiệp về công nghệ như vậy cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ phần lớn các DN mới thành lập trong các lĩnh vực khác ra khỏi danh sách được ưu đãi và hỗ trợ từ phía chính phủ.

Không khó để nhận ra, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Singapore đa dạng và vượt trội hơn hẳn so với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam. Không những không có chính sách hạn chế và cản trở nào, mà các hỗ trợ mà chính phủ Singapore dành cho các DN khởi nghiệp còn rất nhiều và rất lớn. Nên cũng không lấy gì làm khó hiểu nếu như các DN khởi nghiệp Việt Nam muốn chuyển sang thành lập ở Singapore.

Trên thực tế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp là một cuộc tranh giành giữa các quốc gia, trong đó quốc gia nào có điều kiện thuận lợi hơn sẽ giành chiến thắng, theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”, trong đó tất cả nước sẽ dồn về nơi trũng nhất chứ không sót lại ở xung quanh một chút nào.

Một chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nghèo nàn theo kiểu dè xẻn của Việt Nam sẽ đồng nghĩa với việc các DN khởi nghiệp trong nước sẽ chuyển hướng sang nơi có môi trường thuận lợi hơn như Singapore mà thôi. Trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích khởi nghiệp với đề án “Quốc gia khởi nghiệp” thì đây rõ ràng là một bước lùi đáng kể.

Hỗ trợ mà không thực chất, thì thà đừng hỗ trợ còn hơn.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi nghiệp: Hỗ trợ cho ra hỗ trợ!