Ngày 20.4, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khởi động dự án Dịch thuật và Phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (Dự án Kinh điển phương Đông).
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Đảng và Nhà nướcluôn quan tâm đến phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ. Khi nhắc tới khoa học và công nghệ, nhiều người thường nghĩ tới CNTT, trí tuệ nhân tạo... nhưng bên cạnh đó, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học chính trị… cũng có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng.
Vì vậy, Chính phủ đã và đang chỉ đạo 5 chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc đặc biệt cấp quốc gia, bao gồm: Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); Bách khoa Toàn thư Việt Nam; Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Dự án Dịch thuật và Phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (còn gọi là dự án Kinh điển phương Đông) và Hệ tri thức Việt số hóa. Đây là những dự án mang tầm vóc quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho hôm nay và mai sau.
Nói về dự án Kinh điển phương Đông, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt bởi khi thực hiện nó sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phục vụ công cuộc phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Được biết, cả 5 chương trình, dự án khoa học và công nghệ Chính phủ đang chỉ đạo đều có sự tham gia tích cực và cơ bản của đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQGHN. Trong đó, ĐHQGHN chủ trì hai dự án lớn là Địa chí Quốc gia Việt Nam và dự án Kinh điển phương Đông. Theo đó, ĐHQGHN đã giao Viện Trần Nhân Tông, một cơ sở nghiên cứu mang tính học thuật cao và là đơn vị thành viên của ĐHQGHN do Thủ tướng ký quyết định thành lập, để triển khai dự án.
Đây là dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hằng năm, dự án sẽ lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thành phần, phù hợp với nguồn ngân sách được huy động.
Thu Anh