Thời bao cấp – tem phiếu – xếp hàng cả ngày, có một từ thông dụng để chỉ những người chưa đến tuổi lao động, ngoài tuổi lao động hay mất sức lao động nhưng được hưởng tiêu chuẩn phân phối nhu yếu phẩm theo lao động chính trong gia đình.

Khóc theo

27/10/2013, 14:07

Thời bao cấp – tem phiếu – xếp hàng cả ngày, có một từ thông dụng để chỉ những người chưa đến tuổi lao động, ngoài tuổi lao động hay mất sức lao động nhưng được hưởng tiêu chuẩn phân phối nhu yếu phẩm theo lao động chính trong gia đình.

Đó là từ “ăn theo”, nghe khá là hạ thấp phẩm giá với những người được hưởng thứ phụ cấp gia đình từ người lao động chính ấy. Nhưng thời tem phiếu xếp hàng, người ta thường cứ nói huỵch toẹt ra vậy, mấy ai quan tâm đến cái phẩm giá chi xa xôi. Có “tiêu chuẩn” là vui rồi.
Từ chuyện phân phối tiêu chuẩn theo lao động chính, từ “ăn theo” đã dần dà mở rộng ngữ nghĩa để chỉ ai đó làm việc gì đó nhằm hưởng lợi từ vị trí, tiếng tăm, uy tín của người khác. Chẳng hạn trong việc đón tiếp người khuyết tật và nhà thuyết giáo nổi tiếng Nick Vujicic, đội môtô hộ tống đã “ăn theo”, lợi dụng sự kiện này để hú còi inh ỏi, vung gậy dẹp đường, chạy bất chấp luật giao thông.
Người ta còn có thể “ăn theo” nhiều thứ khác, nhân vật khác. Như “ăn theo” sự kiện nhà toán học Ngô Bảo Châu được trao giải Fields để “tự sướng”, để vuốt ve lòng tự hào hơn là từ đó nghiêm túc nhìn lại sự tụt hậu về khoa học của đất nước và vạch kế hoạch thực sự xây dựng tiềm lực khoa học cho đất nước đi lên.
Và mới nhất là quanh sự kiện đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Bên cạnh đông đảo người dân lặng lẽ xếp hàng đến viếng đại tướng tại tư gia, tại nhà tang lễ quốc gia hoặc đứng dọc hai bên đường tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà, thì vài người khá nổi tiếng, không biết có nhỏ giọt nước mắt nào tiếc thương ông thật tình không, nhưng đã “ăn theo”, khóc theo khá phô trương.
Họ không khóc thầm, không nuốt nước mắt vào trong như không ít đồng đội cũ của ông và nhiều người bình thường khác. Họ khóc nhưng muốn mọi người đều biết, đều thấy là họ đang khóc.
Họ khóc nhưng chọn chỗ ai cũng thấy, và trống giong cờ mở để khóc. Họ đứng bên cạnh các VIP để khóc, để được thiên hạ thấy qua TV. Họ khóc và ca ngợi công lao của người quá cố nhưng không quên tranh thủ nói về mình.
Họ cầu danh hay cầu gì? Thực ra họ đâu có thiếu danh. Nhưng với cái danh, với vị trí của họ, người ta tự hỏi khi tướng Giáp còn sống và đưa ra hết ý kiến này đến cảnh báo khác để phát triển và bảo vệ đất nước, họ ở đâu, họ đã làm gì với cái danh và vị trí của họ? Để bây giờ, họ đến khóc và ca tụng ông, như chưa từng biết đến những ý nguyện không thành của ông.
Nhìn họ khóc rồi nhìn hình ảnh những bà con người dân tộc thiểu số từ xa lẳng lặng về Hà Nội để nhìn mặt vị tướng lần cuối, những thương binh đạp xe đạp nhiều cây số để mong gặp linh cữu ông đi qua, không khỏi thấy ngậm ngùi.
Người ta nói nhân dân làm nên lịch sử, nhưng lịch sử làm nên rồi thì người dân thường mất dấu, để lại sân khấu cho những diễn viên có tài diễn.
Mà cái văn hóa người mình cũng thật lạ. Hễ ở đâu có đám, thế nào cũng có một số ít người ăn theo, khóc theo.
Người Đô Thị
Ảnh trên: Ngay khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, đông đảo người dân đã lặng lẽ xếp hàng đến viếng Đại tướng tại tư gia. Ảnh TL
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khóc theo