Nhận một đứa con nuôi cho vui nhà vui cửa thì ai cũng muốn, nhưng những người có kinh nghiệm khẳng định: điều đó khó hơn lo cho… 2 đứa con ruột của chính mình.

Khi 'tò vò mà nuôi con nhện'...

25/07/2015, 13:30

Nhận một đứa con nuôi cho vui nhà vui cửa thì ai cũng muốn, nhưng những người có kinh nghiệm khẳng định: điều đó khó hơn lo cho… 2 đứa con ruột của chính mình.

“Hầu hết người đến trung tâm với ý định xin con nuôi, khi trò chuyện, trao đổi với chúng tôi đều đặt ra những câu hỏi rằng liệu sau này chúng có tìm về với cha mẹ ruột không, liệu chúng có… bỏ mình mà đi không, liệu có khi nào mình nuôi cho nó lớn lên đủ lông đủ cánh rồi ba mẹ ruột quay lại… giành không?”, một cô bảo mẫu tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thổ lộ.

Không chỉ có khó khăn tâm lý của hai vợ chồng, mà việc nhận nuôi đứa trẻ còn phải vượt qua trở ngại là cả… họ tộc, gia đình chồng vợ hai bên.
“Mẹ chồng tôi cản quyết liệt, không cho hai vợ chồng nhận con nuôi. Bà còn lôi cả bài vè: Tò vò mà nuôi con nhện / Đến khi nó lớn nó quện con đi, để răn đe chúng tôi. Bà bảo nuôi con nuôi rồi sau này nó cũng có quyền thừa kế ngang với con ruột thì sao?
Rồi nếu nó phản mình, lấy tài sản gia đình song lại quay về với cha mẹ ruột của nó thì sao… Tôi mệt mỏi vô cùng suốt quá trình thuyết phục ấy, vì rõ ràng là để những người thân của mình chấp nhận một đứa trẻ như thành viên máu mủ của họ tộc, gia đình không phải dễ”, chị Kim Ngân (mẹ của một đứa con nuôi 3 tuổi) cho biết.

Nhưng dẫu sao, chị Ngân cũng còn may mắn khi cuối cùng thì họ tộc cũng chấp nhận đứa trẻ. Chính sự hồn nhiên, ngây thơ, những bập bẹ nói cười của bé đã dần dần khiến người lớn phải “động lòng”. Buồn hơn trường hợp của chị Ngân, chị Thúy Hà (Quận 6) thì chưa có được cái kết “đẹp” như vậy.

Nhận nuôi một đứa trẻ bị vứt trước cửa nhà vì nghĩ bé có duyên với mình, nhưng cũng kể từ ngày nhận nuôi bé, không lúc nào chị yên được với nhà chồng ở quê.
“Người thì ác miệng thì bảo có khi là con riêng của tôi, vì chồng tôi đi học nước ngoài đã hơn năm nay. Họ nói tôi sống một mình ở thành phố ai biết được chuyện gì. Chồng tôi thì đương nhiên tin tưởng vợ, nhưng anh cũng không ủng hộ chuyện đứa trẻ. Mọi người cứ hục hặc gây chuyện liên miên, phản đối việc nuôi đứa nhỏ. Đến khi bố chồng tôi bị tai nạn khoảng 1 tháng sau đó thì tình hình nóng lên cực điểm. Mẹ chồng tôi bảo rằng thằng nhỏ tuổi xấu, kỵ cả nhà, tự nhiên xuất hiện như là ếm gia đình, rồi sẽ hại mọi người… Mà tôi thì quyến luyến đứa nhỏ lắm rồi. Tôi cương quyết có ra sao thì ra chứ không bỏ nó lần nữa được”.
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thị Ngọc (tổng đài 1080) đồng cảm: “Nuôi một đứa con nuôi quả thật khó khăn hơn nhiều so với nuôi một đứa con ruột. Tuy nhiên, nếu như vợ chồng đồng thuận, nhìn vấn đề một cách rộng lượng, thoải mái, rằng đứa trẻ nào cũng là một sinh linh cần chở che, thì quả ngọt từ đứa con nuôi có khi ngọt ngào không kém gì con ruột.
Trẻ con vậy chứ rất nhạy cảm. Hễ mình thương nó, thì nó thương mình. Thử hình dung mái ấm của bạn rộn vang tiếng bi bô, thử hình dung đứa trẻ lớn lên sẽ yêu thương mình không kém gì mình yêu thương chúng…”.
Thế mới biết, để nuôi một đứa con nuôi, điều khó nhất không phải ở chuyện kinh tế, chi phí mà chính là làm thế nào để có được trái tim và tình yêu bao la của một người mẹ, người cha thật!

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi 'tò vò mà nuôi con nhện'...