Công lý, theo nguyên tắc và theo kỳ vọng, niềm tin của mọi người, tất nhiên chỉ có một. Chẳng vậy mà biểu tượng của nữ thần công lý là một phụ nữ tay cầm kiếm, tay cầm cân, mắt bịt kín để khỏi phân biệt bị cáo là ai, đảm bảo không thiên vị khi xét xử.
Ấy vậy mà qua mấy vụ án gần đây ở nước ta, có vẻ như nữ thần công lý đã vứt bỏ dải băng che mắt và công lý không chỉ có một mà nhiều, tùy theo bị cáo là ai, có thân thế hay thân cô thế cô.
Theo kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) thì lãnh đạo Vinaconex đã “không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng. Việc lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm không đảm bảo chất lượng… đã khiến công trình liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chỉ tính riêng thiệt hại vật chất, chưa nói thiệt hại tinh thần cho người dân, cho uy tín của Nhà nước, từ ngày 4.2.2012 đến 26.9.2015, dự án đã 14 lần xảy ra vỡ tuyến ống với 18 cây ống sợi thủy tinh (đến nay thì đã 18 lần vỡ), gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn, với chi phí sửa chữa, thay thế bằng tiền của doanh nghiệp là 13.458 tỉ đồng. Các lần vỡ ống nước đã ngừng cung cấp nước sạch cho 177.000 hộ dân với thời gian dừng cấp nước là 343 giờ.
Cơ quan tố tụng xác định, ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, lại không truy tố do “trong quá trình điều tra những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có thân nhân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi nên liên ngành tư pháp Trung ương thấy rằng, không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên HĐQT Vinaconex”.
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Thật ra vụ án này đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (chứ không chỉ là nghiêm trọng) và không truy tố những kẻ chịu trách nhiệm chính là làm trái pháp luật.
Trong khi đó thì trong một vụ xử mới vừa diễn ra, hai bị cáo ở tuổi thiếu niên (lúc phạm tội) bị Viện KSND quận Thủ Đức, TP.HCM truy tố về tội cướp giật tài sản, theo khoản 1 điều 136 BLHS (có khung hình phạt từ 1-5 năm tù) vì tội cướp giật mấy ổ bánh mì trị giá 45.000 đồng để giải quyết tức thì cơn đói sau một đêm chơi game. Trước đó nữa, hai bị cáo này bị truy tố về tội cướp giật tài sản thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn nguy hiểm”, có khung hình phạt từ 3-10 năm tù.
Tại tòa, hai bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn, Ôn Thành Tân đều khai nhận: sau khi chơi game xong, cả hai đói bụng nhưng không còn tiền nên Tân rủ Tuấn đến tiệm tạp hóa để hỏi mua đồ rồi nhân lúc chủ quán đưa đồ giật lấy túi thức ăn bỏ chạy. Trả lời lý do sao đói mà không về nhà kiếm đồ ăn, Tân nói do ba mẹ đã về quê hết.
Các luật sư bào chữa cho rằng hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm, tuy nhiên hậu quả với xã hội không đáng kể, tài sản có giá trị thấp, bên cạnh đó mục đích của các bị cáo là cướp để ăn chứ không phải cướp giật để bán. Ngoài ra, các luật sư cho rằng hình phạt đối với người chưa thành niên như các bị cáo này chủ yếu mang tính giáo dục nên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét cho 2 bị cáo mức án nhẹ.
HĐXX cuối cùng đã tuyên hai án tù: 10 tháng tù cho Tuấn, 8 tháng 20 ngày tù cho Tân (Tân đã chấp hành xong hình phạt).
Hai vụ án, một vụ vi phạm gây thiệt hại vô cùng lớn bởi những cán bộ có trình độ, có hiểu biết; một vụ cướp giật tính ra chỉ 45.000 đồng trong khi đói bởi hai thiếu niên, nhưng cách xử lý là hoàn toàn trái ngược nhau khiến người ta không thể không nghĩ công lý không chỉ có một mà là hai, tùy theo bị cáo. Và một khi thần công lý gỡ băng bịt mắt, tùy theo nhân thân bị cáo mà xử lý, mà phán quyết thì chính là thần công lý đang tự hủy hoại mình bằng cách hủy hoại niềm tin của người dân vào công lý, vào lẽ công bằng, và qua đó có thể gián tiếp hủy hoại cả thể chế.
ĐOÀN KHẮC XUYÊN/DUYÊN DÁNG VIỆT NAM
Ngày 26.7, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã yêu cầu xem xét lại vụ án hai thiếu niên cướp bánh mì. Chánh án cho rằng, xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm và trở thành công dân có ích. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan tố tụng phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Theo ông Chánh án, người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ khi cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Viện trưởng VKSND TP.HCM cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao ngày 29.7, VKSND TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị theo hướng xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với 2 bị cáo Tân và Tuấn, đảm bảo đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo và nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, liên quan đến vụ án Vinaconex, ngày 31.7 VKSND Tối cao đã yêu cầu vụ chức năng kiểm tra, báo cáo việc không truy cứu trách nhiệm hình sự với một số cựu lãnh đạo Vinaconex trong vụ án “vỡ đường ống nước sông Đà” ở Hà Nội. Theo đó, VKSND Tối cao yêu cầu Vụ 3 kiểm tra lại vụ án, báo cáo lãnh đạo cơ quan này và gửi báo để theo dõi.
Cũng theo VKSND Tối cao, nhiều luật sư và chuyên gia kinh tế cho rằng, việc không khởi tố một số cựu lãnh đạo Vinaconex là bỏ lọt tội phạm. Việc không khởi tố họ đã không được dư luận đồng tình, tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự.
Như vậy, có thể nói, sau khi thử thách niềm tin của công chúng, thần công lý đã bịt mắt trở lại để xét xử?