Nhu cầu về nhà ở giá rẻ, nhà ở giá thấp chưa bao giờ hết nóng và năm 2017 nhà ở giá rẻ sẽ là phân khúc trung tâm của thị trường bất động sản. Việc các ông lớn bất động sản bắt tay vào làm nhà giá rẻ đã khiến thị trường chuyển mình sang một tầm nhìn mới.

Khi ông lớn bất động sản chuyển qua làm... căn hộ giá rẻ

Phan Diệu | 05/05/2017, 08:00

Nhu cầu về nhà ở giá rẻ, nhà ở giá thấp chưa bao giờ hết nóng và năm 2017 nhà ở giá rẻ sẽ là phân khúc trung tâm của thị trường bất động sản. Việc các ông lớn bất động sản bắt tay vào làm nhà giá rẻ đã khiến thị trường chuyển mình sang một tầm nhìn mới.

Chuyển dịch nguồn cung sang nhà ở vừa túi tiền

Theo ghi nhận của Công ty cổ phần Bất động sản Danh Khôi Á Châu (DKRA), thị trường căn hộ TP.HCM đang có sự dịch chuyển rõ rệt về phân khúc nguồn cung. Cụ thể, nếu trong năm 2016, các dự án căn hộ trung và cao cấp chiếm tỷ lệ khá lớn (khoảng 70% nguồn cung thị trường) gây lo ngại sự mất cần bằng của thị trường. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ bình dân (có giá dưới 1.5 tỉ đồng/căn) thiếu hụt sẽ có những tác động không tốt đến thị trường.

Tuy nhiên, đến quý 1/2017, một lượng lớn các dự án căn hộ bình dân được tung ra thị trường (chiếm khoảng 45% nguồn cung thị trường) đã mở ra cơ hội cho nhiều khách hàng với mức tài chính phù hợp. Về tổng quan, nguồn cung căn hộ trong quý 1/2017 đạt khoảng hơn 7.100 căn, với lượng tiêu thụ khoảng 4.946 căn.

Đáng chú ý, sự chuyển dịch phân khúc từ trung cấp, cao cấp sang phân khúc bình dân kéo theo sự chuyển dịch về nhu cầu mua nhà từ xu hướng đầu tư sang khách hàng mua để ở thực. Theo đó, nếu như năm 2016, thị trường ghi nhận chỉ khoảng hơn 30% khách mua có nhu cầu để ở thì đến quý 1/2017, tỷ lệ này đã là khoảng 50%.

Báo cáo của CBRE cũng cho thấy trong quý 1/2017, thị trường bất động sản TP.HCM đón nhận thêm 5.083 căn từ 21 dự án, trong đó có 6 dự án mới, giảm 44% theo quý và giảm 49% theo năm. Đặc biệt, thay vì cao cấp thì phân khúc trung cấp lại chiếm 52% tổng số căn hộ chào bán mới trong quý vừa qua.

Thị trường cũng sự chuyển dịch cân bằng hơn giữa ba nhóm khách mua. Nhìn chung, nhóm khách mua để ở đang tăng lên khi chiếm 31% tổng số giao dịch thành công trong quý 1/2017.

Tại TP.HCM, từ năm 2000 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền và đến nay đã có những doanh nghiệp tiên phong đầu tư nhà ở giá rẻ tại các quận ven và huyện ngoại thành.

Các “ông lớn” như Him Lam, Nhà Mơ, Thuận Việt, An Gia, Hoàng Anh Gia Lai, Vietcomreal, Hưng Thịnh, Đất Lành... cũng đã đầu tư phát triển nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền, dự án căn hộ nhỏ đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Đặc biệt, cuối năm 2016, “đại gia” Vingroup đã công bố sẽ đầu tư xây dựng chuỗi nhà ở giá rẻ với tổng số khoảng 200.000 - 300.000 căn hộ mang thương hiệu VinCity tại 7 địa phương, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nha Trang và TP.HCM. Điều đáng nói, mức giá của sản phẩm chỉ từ 700 triệu đồng/căn, thậm chí tại một số địa phương như Hà Tĩnh, giá căn hộ có thể chỉ bắt đầu ở mức 450 triệu đồng.

Hướng đi đúng của thị trường

Theo các chuyên gia, nhu cầu về nhà ở giá rẻ, nhà ở giá thấp chưa bao giờ hết nóng và năm 2017 nhà ở giá rẻ sẽ là phân khúc trung tâm của thị trường bất động sản.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng việc nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng từ đầu tư phân khúc căn hộ cao cấp sang căn hộ giá rẻ là hướng đi đúng vì căn hộ cao cấp đã quá thừa nguồn cung.

“Trong cơ cấu đô thị của một đất nước, số lượng nhà giá rẻ bao giờ cũng phải nhiều hơn nhà cao cấp. Ví dụ như chia phần trăm thì 70% là nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, 20% nhà trung bình, 10% cho nhà ở hạng sang. Cơ cấu này là đúng, như thị trường xe ô tô thì xe giá rẻ bao giờ cũng phải nhiều hơn xe cao cấp.

Ở Việt Nam mình thì ngược lại, nhà cao giá quá nhiều, đến 30.000-40.000 căn chỉ ở riêng khu vực phía đông mà nhà ở giá rẻ lại chỉ có 1.000-2.000 căn. Như vậy, chúng ta mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu. Về nguồn cung thìnhà ở cao cấp nhiều mà nguồn cầu thì người nghèo nhiều, thành thử dễ xảy ra bất ổn.

Một số chủ đầu tư khi thực hiện xong dự án cao cấp cũng lo ngại dễ xảy ra đóng băng, bội thực… Do đó, người ta quay lại nhà ở giá rẻ vừa túi tiền để đảm bảo tính thanh khoản, tính an toàn dù lãi không nhiều nhưng an toàn cho doanh nghiệp”, ông Đực nhận định.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đánh giá việc các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư vào loại sản phẩm nhà giá rẻ, vừa túi tiền nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao tính thanh khoản và giảm thiểu tối đa rủi ro cho các doanh nghiệp.

Ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Việt An Hòa nói thêm rằng phân khúc căn hộ với mức giá 1,2 - 1,5 tỉ đông vẫn đáp ứng nhu cầu thực và tiếp tục dẫn đầu thị trường.

"Tin tốt cho thị trường bất động sản vào cuối năm 2016 và tác động trong năm 2017 là 2 ông lớn bất động sản Novaland và Vingroup bắt tay vào làm nhà giá rẻ đã khiến thị trường chuyển mình sang một tầm nhìn mới”, ông Quang nói.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi ông lớn bất động sản chuyển qua làm... căn hộ giá rẻ