Theo số liệu công bố, số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM cứ mỗi ngày một tăng khiến không ít người dân lo lắng xen lẫn hoang mang rằng "không biết khi nào số ca mắc mới lên đỉnh và đi xuống?".

Khi nào số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM mới lên đỉnh?

Hồ Quang | 15/07/2021, 16:53

Theo số liệu công bố, số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM cứ mỗi ngày một tăng khiến không ít người dân lo lắng xen lẫn hoang mang rằng "không biết khi nào số ca mắc mới lên đỉnh và đi xuống?".

Trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM cứ tăng dần. Từ 1.000 ca lên 1.500 ca, lên 2.000 ca rồi lên 2.229 ca trong  hôm qua (14.7). Trong đợt dịch thứ 4 này, chỉ từ 27.4 đến sáng 15.7 mà TP đã có gần 20.000 ca mắc COVID-19. 

Con số này khiến nhiều người dân TP không khỏi lo lắng và băn khoăn rằng "Vậy khi nào số ca mắc COVID-19 sẽ lên đỉnh rồi dừng lại và đi xuống?".

khi-nao-so-ca-mac-covid-19-o-tphcmmi-len-dinh-hinh-anh(1).png
Khu vực cách ly và điều trị bệnh nhân mắc COVID - 19- Ảnh: PV

Thực tế cho thấy, số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua tăng nhanh là từ kết quả xét nghiệm của lực lượng y tế lấy mẫu truy vết trên diện rộng toàn TP. Họ truy vết đến đâu thì phát hiện ca mắc COVID-19 tới đó. Chính số ca mắc trong cộng đồng này nhiều, dẫn đến số người dương tính trong khu cách ly, khu phong tỏa càng nhiều. Theo các số liệu công bố thì số người dương tính trong khu cách ly, khu phong tỏa chiếm đến hơn 80% tổng số ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Điều này có thể do nhiều người trong khu cách ly là F1, F2 đang ủ bệnh rồi chuyển sang dương tính, nhưng cũng có thể những người trong khu cách ly này bị dương tính không kịp phát hiện đã lây nhiễm chéo cho nhau.

Tuy nhiên, việc để số ca mắc COVID-19 tăng cao trong cộng đồng như hiện nay là một “lỗ hổng” lớn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của thành phố. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã nhiều lần khẳng định phương châm chống dịch của Việt Nam là: “Ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng thật gọn và dập tắt triệt để. Chúng ta phải tính đến tình huống xấu nhất để không bao giờ tình huống xấu nhất xảy ra…”. 

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng TP.HCM đã chưa tính đến “tình huống xấu nhất để không bao giờ tình huống xấu nhất xảy ra”. Nếu như TP tính đến tình huống xấu nhất này thì trước đây đã tổ chức cách ly F0 không triệu chứng, nhẹ và F1 tại nhà, chứ không phải đưa tất cả những người này, thậm chí là cả F2 vào khu cách ly tập trung và bệnh viện điều trị COVID-19.

Nhiều chuyên gia y tế, dịch tễ cũng bày tỏ thất vọng rằng, đã nhiều lần đề xuất phương án cách ly F0 nhẹ, không triệu chứng và F1 tại nhà nhưng đều bị “bác”. Chỉ đến khi số ca mắc COVID-19 mỗi ngày, như hiện tại, lên đến hàng nghìn ca còn các cơ sở cách ly, điều trị trở nên quá tải, nhân viên y tế kiệt sức rồi thì TP mới tính đến phương án cách ly F0, F1 tại nhà. Đây có phải là một sai lầm trong công tác phòng chống dịch của thành phố?

Cũng không ít người đặt câu hỏi rằng, nếu như trước đây, TP cho cách ly F0 không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà thì liệu rằng TP có bùng phát hàng nghìn ca mỗi ngày như hiện nay hay không?

Thôi thì dẫu sao, TP cũng đã nghĩ đến phương án và tiến hành cho cách ly F0 không triệu chứng và F1 tại nhà, dù "chậm vẫn còn hơn không". Nhiều chuyên gia nhận định rằng việc cách ly F0, F1 tại nhà chính là giải pháp nhằm giảm tải cho các khu cách ly, tránh được nguy cơ lây nhiễm chéo và đỡ sức cho các y bác sĩ, nhân viên y tế để họ còn dồn sức tập trung cho điều trị, cứu sống những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch.

Giờ đây, trước câu hỏi khi nào số ca mắc COVID-19 tại TP lên đỉnh rồi đi xuống thì không một chuyên gia nào có thể trả lời chính xác được.

Như chúng ta đã biết, hiện nay các ca mắc COVID-19 ở TP có từ 3 nguồn: trong khu cách ly, khu vực phong tỏa và bên ngoài cộng đồng. Do đó, theo các chuyên gia dịch tễ, muốn trả lời chính xác điều này, TP phải làm rõ có hay không việc lây nhiễm trong khu cách ly? Khu phong tỏa là chung cư hay cả một phường? Nơi không phong tỏa phát hiện bệnh nhân COVID-19 có tỷ lệ xét nghiệm so với tổng hộ dân là bao nhiêu? Bên cạnh đó, người dân cũng cần được biết được rằng ngành y tế TP đang truy vết, xét nghiệm trong cộng đồng đã đến đâu? Tốc độ truy vết  và khu vực truy vết thế nào?

Nếu đến nay TP đã truy vết, xét nghiệm được 70% đến 80% hộ dân trong cộng đồng thì chắc chắn số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng sẽ không còn tăng lên nữa; còn nếu chỉ mới truy vết, xét nghiệm được 10% - 15% hộ dân thì lại khác.

Rất tiếc, những điều đó đến giờ vẫn còn là một “bí mật” chưa được "bật mí". Các chuyên gia y tế tâm huyết với những đề xuất chống dịch ở TP cũng chỉ biết hy vọng rằng, sau 1 tuần nữa, khi kết thúc đợt giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16, chúng ta sẽ biết được số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM đã chạm đỉnh và xuống đỉnh chưa, thì mới có thể trút bỏ được nỗi thấp thỏm lo âu. 

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nào số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM mới lên đỉnh?