“Chỉ vì vài mét vuông đất, 1 cái bờ rào hay con mương nhỏ mà những người là anh em, bà con thân tộc sẵn sàng lôi nhau ra tòa đôi co, thậm chí chém giết lẫn nhau”, luật sư Tấn chua chát nói.

Khi ‘giọt máu đào’ chào thua ‘ao nước lã’ vì đất đai

Hùng Anh | 01/10/2019, 08:53

“Chỉ vì vài mét vuông đất, 1 cái bờ rào hay con mương nhỏ mà những người là anh em, bà con thân tộc sẵn sàng lôi nhau ra tòa đôi co, thậm chí chém giết lẫn nhau”, luật sư Tấn chua chát nói.

Những vụ việc đau lòng vì đất

Đã hơn 2 tháng, nhưng nhiều người dân ấp Phú Hiệp (xã Vĩnh Bình, H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chưa ai quên chuyện đau lòng: cháu đánh chết cậu ngay tại đám giỗ ở nhà bà ngoại. Hôm đó là buổi chiều ngày 14.7, Nguyễn Ngọc Thái (thường gọi là Nhí, SN 1997, ngụ xã Sơn Định, H.Chợ Lách) đến nhà ngoại là bà Nguyễn Thị Mười ở ấp Phú Hiệp để dự đám giỗ. Hôm đó, Thái ngồi nhậu chung bàn với ông Nguyễn Minh Phong (SN 1982) là cậu ruột của Thái.

Khi đã rượu vào lời ra, Thái bất ngờ lớn tiếng nhắc lại những xích mích giữa ông Phong và gia đình Thái trước đây. Dù mọi người trong bàn ra sức can ngăn, nhưng 2 cậu cháu vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại. Bất thình lình, Thái xông đến đánh ông Phong ngã xuống và tiếp tục dùng tay đánh, chân đá tới tấp vào người cậu ruột, khiến ông bất tỉnh. Mọi người xúm vào can thiệp và đưa ông Phong đến Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (TP.Bến Tre) cấp cứu, nhưng nạn nhân không qua khỏi do bị chấn thương rất nặng.

Thái bị công an bắt tạm giam và khởi tố hành vi “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”. Nhưng người dân ấp Phú Hiệp cho rằng, hôm đó nếu Thái đừng vô lễ, ông Phong không cố chấp thì án mạng đau lòng đã không xảy ra. Nguyên nhân án mạng chỉ xoay quanh chuyện giữa ông Phong và gia đình Thái tranh chấp với nhau mấy chục mét vuông đất.

Trước đó, hôm cuối tháng 5, ở ấp Giồng Chuối (xã An Đức, H.Ba Tri, Bến Tre) cũng xảy ra vụ cháu đánh chết cậu ruột chỉ vì mâu thuẫn đất đai. Hôm đó (28.5), ông Phạm Văn Út (55 tuổi), đến uống rượu tại nhà ông Phạm Văn Dũng ngụ cùng ấp. Đang ngồi nhậu thì ông Út nhìn thấy Lê Văn Trước (30 tuổi, cháu gọi ông Út bằng cậu ruột) đi ngang qua, nên kêu vào nhắc lại chuyện tranh chấp mua bán đất đai giữa ông này với mẹ của Trước là bà Phạm Thị Thủy.

Lúc này Trước đã có rượu trong người, nên khi bị ông Út mắng chửi thóa mạ thô tục thì Trước lớn tiếng cự cãi, xông đến xô người cậu ngã xuống đất. Chưa dừng lại, Trước tiếp tục xông đến đá, đạp nhiều cái vào khắp người ông Út, khiến ông này tử vong vì bị đa chấn thương vùng đầu, ngực, bụng, gãy xương sườn, xương ức.

Đỗ Hữu Nhã lãnh án 10 năm tù vì giết con do tranh chấp đất đai - Ảnh: Thanh Anh

Chua xót nhất là vụ ông Đỗ Hữu Nhã (46 tuổi, ngụ ấp Chợ, TT.Chợ Lách, Bến Tre) vừa bị TAND tỉnh Bến Tre tuyên án 10 năm tù vì giết chết con ruột. Nhã giết con trong lúc nóng giận vì đứa con ngỗ ngược cầm dao đòi chém chết mẹ kế để giành đất. Người dân ấp Chợ kể,con trai của ông Nhã là Đỗ Lê Nhựt Linh. Năm 2005, vợ của ông Nhã qua đời vì bạo bệnh, 2 cha con sống chung nhà với nhau. Đến năm 2010, ông Nhã kết hôn cùng bà T.T.N.H. (quê ở H.Mang Thít, Vĩnh Long) và đón vợ về ấp Chợ chung sống.

Từ ngày ông Nhã có vợ mới, giữa ông và Linh thường xuyên xảy ra cãi vã. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi ông Nhã bán mảnh đất vườn ở quê rồi đem tiền sang Măng Thít mua đất, nên Linh nghi ngờ cha mình mua đất cho mẹ kế. Chiều 25.9.2018, Linh cự cãi với ông Nhã việc bán đất không chia tiền cho Linh. Linh yêu cầu ông Nhã phải chia số tiền thành 2 phần, nhưng ông Nhã không đồng ý, nói tiền bán đất đã dùng để mua đất ở H.Măng Thít.

Lúc đó bà H. xen vào nói với Linh: “Cha của con bán đất rồi mua miếng đất khác, nhưng cha con đứng tên chứ dì có đứng tên đâu mà sợ dì ăn hết”. Nghe bà H. nói vậy, Linh tức giận cầm ghế định đánh mẹ kế nhưng được mọi người can ngăn. Sau đó Linh bỏ đi uống rượu say rồi quay về nhà, tiếp tục lớn tiếng đòi cha phải chia đôi tài sản. Lúc đó ông Nhã hỏi Linh: “Giữa phần đất đã bán và phần đất nhà đang sử dụng, con chọn phần đất nào”, thì Linh khẳng định: “Lấy phần đất đang ở”.

Nghe con đòi lấy nhà, ông Nhã trách móc nên 2 cha con tiếp tục cãi nhau. Trong lúc nóng giận, Linh chạy vào nhà sau lấy con dao rượt đuổi chém bà H., nên hàng xóm can ngăn, đưa đến nhà ngoại của Linh cách đó khoảng 100 mét. Do say rượu nên Linh không chịu ở nhà ngoại mà quay trở lại nhà và giữa 2 cha con xảy ra xô xát. Lúc đánh nhau, ông Nhã lấy được đoạn tuýp sắt trong góc nhà đập nhiều cái vào đầu Linh khiến con trai gục tại chỗ.

Linh được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đến bệnh viện, còn ông Nhã bị công an bắt giữ. Tại phiên tòa hôm tháng 3.2019, ông Nhã thừa nhận mọi hành vi phạm tội và bày tỏ thái độ rất hối tiếc, nên HĐXX đã tuyên phạt bị cáo mức án 10 năm tù vì cho rằng trong vụ án này có một phần lỗi của Linh.

Khi “ao nước lã” giá trị hơn “giọt máu đào”

Theo nhiều cán bộ tòa án, thời gian gần đây số vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai trong nội bộ thân tộc gia đình có chiều hướng gia tăng. Có nhiều trường hợp anh chị em ruột thịt, bà con thân tộc tranh chấp, giành giật nhau chỉ 1 con mương nước nhỏ, vài tấc đất bờ ranh hay hàng rào, hòa giải nhiều lần, nhiều cấp không thành, nên đưa nhau ra tòa tranh tụng, chửi mắng nhau té tát.

Mộtvị Hội thẩm Nhân dân ở TAND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết ông cũng thường tham gia xét xử những vụ kiện tụng tranh giành đất đai trong nội bộ thân tộc và cảm thấy rất buồn lòng trước tình trạng này. “Những vụ kiện này rất dai dẳng, nhiều khi tòa xử xong nhưng họ không chịu chấp hành án, lại tiếp tục khiếu kiện khắp nơi, gây dư luận không tốt. Thậm chí họ còn cho rằng tòa xử sai và… tự xử với nhau, gây ra những vụ án đau lòng”, vị hội thẩm nói.

Luật sư Nguyễn Minh Tấn (Tiền Giang) than thở: “Ngày xưa ông bà hay khuyên con cháu câu: “Một giọt máu đào hơnao nước lã” để mong con cháu luôn tôn trọng mối quan hệ huyết thống ruột rà, không vì vật chất. Nhưng hiện nay, trong thời buổi tấc đất tấc vàng, xem ra “giọt máu đào” đã chào thua “ao nước lã” , nên tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình thân tộc mới xảy ra ngày càng nhiều như vậy”.

Theo LS Tấn, bản thân ông hầu như không nhận bào chữa vụ kiện nào liên quan đến tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình, bởi ông cảm thấy quá phiền hà và nhức nhối. Ông Tấn nói, việc anh em thân tộc giành giật đất đai cho thấy những giá trị đạo đức truyền thống đang dần mai một trước giá trị vật chất. Nhưng quan trọng hơn là giá trị đạo đức trong mỗi con người đã dần thui chột, chỉ vì tiền mà họ sẵn sàng quay lưng lại với nhau, không đếm xỉa gì đến mối quan hệ ruột rà huyết thống.

Con bà Út ôm di ảnh mẹ đứng trên phần đất bị buộc phải giao cho con, cháu bà Chọn - Ảnh: Thanh Anh

LS Tấn kể: “Mới đây tôi biết được mộtvụ tranh chấp đất đai dẫn đến kết cục đau lòng. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Út (SN 1940) ở xã Hậu Mỹ Bắc, H.Cái Bè (Tiền Giang). Năm 1972, sau khi chồng bà hy sinh thì bà quản lý toàn bộ hơn 2.700m2 đất và năm 1998 được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 1997, bà Út cho chị chồng là bà Mai Thị Chọn cất nhà ở nhờ trên một phần đất rộng 300m2, với lời hứa sau khi bà Chọn chết thì con cái phải trả đất lại cho bà Út”.

Năm 2009, bà Chọn qua đời, nhưng sau đó con cháu của bà Chọn không chịu trả đất cho bà Út, dù đã có nơi ở mới. Vụ việc được đưa ra tòa và điều kỳ lạ là tòa án các cấp lại xử buộc bà Út phải cắt thêm gần 400m2 đất để giao cho con cháu bà Chọn, tổng cộng là hơn 693m2, khiến dư luận người dân, cán bộ địa phương ai cũng bất bình. Thấy mình bị oan ức, bà Út gửi đơn yêu cầu cứu xét khắp nơi, nhưng không ai xem xét phân xử.

“Hôm tháng 7, các cơ quan hữu trách tiến hành thi hành án đối với bà Út. Vì quá đau buồn, bà cụ bị đột quỵ, đứt mạch máu não và qua đời tại bệnh viện, ôm theo nỗi uất ức xuống tuyền đài”, LS Tấn cho biết.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi ‘giọt máu đào’ chào thua ‘ao nước lã’ vì đất đai