Lý do người dân không muốn lấy hay cây xăng ngại xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán đang được đưa ra bàn thảo trước những chỉ đạo "nóng" của Thủ tướng, Bộ Công Thương về vấn đề này.
Thị trường và chính sách

Khách hàng không muốn lấy hóa đơn điện tử, hay cây xăng ngại xuất?

Tuyết Nhung 22/03/2024 15:20

Lý do người dân không muốn lấy hay cây xăng ngại xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán đang được đưa ra bàn thảo trước những chỉ đạo "nóng" của Thủ tướng, Bộ Công Thương về vấn đề này.

Kinh doanh xăng dầu là một trong những ngành kinh doanh có đặc thù riêng. Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, kể từ ngày 1.7.2022, không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, mà tất cả các ngành kinh doanh khác phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, không phân biệt trị giá của từng lần bán hàng, cung cấp dịch vụ. Riêng đối với kinh doanh xăng dầu, Chính phủ có quy định riêng về thời điểm xuất HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán.

xang-dau.jpeg
Thống kê đến ngày 15.3 vừa qua, tổng số cửa hàng xăng dầu đã xuất HĐĐT từng lần bán hàng là 10.649 cửa hàng/15.756 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước - Ảnh: IT

Đây không chỉ là quy định bắt buộc phải thực hiện theo Luật Quản lý thuế mà còn là một trong những điều kiện để được cấp phép và gia hạn cấp phép hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 80.

Mặc dù đã có quy định như trên, đến nay các cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn áp dụng phương pháp quản lý bán hàng và xuất hóa đơn theo các quy định cũ. Lý do các doanh nghiệp đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ triển khai là: cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiết bị cột bơm cũ, không đáp ứng kết nối phần mềm HĐĐT; chi phí đầu tư hạ tầng cũng như cơ sở dữ liệu khá lớn, trong đó phải kể đến một số phát sinh đối với DN khi áp dụng HĐĐT từng lần bán hàng như tăng chi phí nhân sự, lỗi hệ thống, số lượng HĐĐT tăng lên gấp nhiều lần so với trước.

Một lý do khác cũng được không ít các chuyên gia và báo chí nhận định, đó là doanh nghiệp xăng dầu không muốn áp dụng quy định mới của pháp luật, là tâm lý ngại đổi mới, ngại áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý bán hàng trong khi trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, không loại trừ có doanh nghiệp xăng dầu sử dụng nguồn xăng dầu nhập lậu, bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc cho bán HĐĐT không hợp pháp. Các doanh nghiệp này chắc chắn không muốn thực hiện quy định xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng.

Vì vậy, việc bắt buộc phải xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng không những giúp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của các doanh nghiệp và hệ thống bán lẻ xăng dầu trên phạm vi toàn quốc, mà còn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và hướng đến mục tiêu bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trước nạn buôn lậu xăng dầu và kinh doanh trái phép xăng dầu giả, gây tổn thất cho phương tiện giao thông của người dân.

Theo Tổng cục Thuế, việc các doanh nghiệp thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán xăng dầu sẽ góp phần giúp tăng cường kiểm soát việc phát hành HĐĐT, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Việc bắt buộc phải xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng sẽ giúp đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Các cá nhân, hộ kinh doanh lấy HĐĐT có mã của cơ quan thuế (bao gồm HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền) khi mua xăng, dầu nói riêng và mua hàng hóa, dịch vụ nói chung sẽ được đảm bảo quyền lợi tiêu dùng, giúp người dân tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh.

Ví dụ, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết đối với khách hàng không kinh doanh (không có nhu cầu lấy HĐĐT), hệ thống ứng dụng phát hành HĐĐT của doanh nghiệp tự động xử lý, phát hành HĐĐT và lưu trữ dưới hình thức điện tử và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT từng mặt hàng bán trong ngày.

Đại diện Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Hà Nội) cho biết, qua quá trình thực hiện xuất HĐĐT trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, quan trọng nhất là cần xây dựng một kế hoạch triển khai thực hiện bài bản ngay từ giai đoạn đầu, từ công tác chuẩn bị hạ tầng, đào tạo và tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền nội bộ, tuyên truyền tới khách hàng.

Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần tăng cường kiểm tra, kiểm sát để có những hướng dẫn đội ngũ nhân viên và khách hàng thực hiện đúng ngay từ những giai đoạn đầu. Lợi ích của việc xuất HĐĐT trong từng lần bán hàng giúp các đơn vị kiểm soát, kiểm tra dữ liệu được một cách minh bạch, ngay tức thì. Đối với khách hàng, khách hàng sẽ kiểm soát được hàng mà mình đã mua.

Nhiều người tiêu dùng cũng phản ánh, đã từ lâu hầu hết các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị hay tiệm thuốc tân dược... đều đã xuất HĐĐT được thì không lý do gì chủ doanh nghiệp, cửa hàng xăng, dầu lại kêu tốn chi phí. Hơn nữa, việc xuất HĐĐT vừa tiết kiệm chi phí giấy, mực in mà vẫn bảo đảm yếu tố lưu trữ khi cần kiểm tra. Và quan trọng nhất, đó là đảm bảo sự công bằng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế trong sản xuất kinh doanh.

Trước thực trạng bán xăng dầu nhưng không xuất HĐĐT cũng như việc chưa có nhu cầu lấy HĐĐT của nhiều người dân khi mua xăng dầu, chỉ trong vòng 10 ngày, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12.2023, Chính phủ đã có 2 công điện, Bộ Tài chính có 1 chỉ thị và 1 công văn, cùng với đó là nhiều chỉ đạo của Tổng cục Thuế tới các cục thuế địa phương về việc chấn chỉnh việc xuất HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành thuế trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Đặc biệt, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 2.3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác phối hợp để đẩy nhanh sử dụng HĐĐT trong các lĩnh vực kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. Thủ tướng yêu cầu: "Dứt khoát thu hồi giấy phép, nếu cửa hàng xăng dầu không sử dụng HĐĐT trong tháng 3.2024".

Mới đây nhất, ngày 18.3, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ký công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố, các sở công thương và các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT sau mỗi lần bán.

Theo thống kê đến ngày 15.3 vừa qua, tổng số cửa hàng xăng dầu đã xuất HĐĐT từng lần bán hàng là 10.649 cửa hàng/15.756 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước (tăng 7.949 cửa hàng so với thời điểm 1.12.2023), đạt khoảng 67,6% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.

Bài liên quan
Cần có quy định bắt buộc người dân áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Ngành thuế cho rằng cần có quy định bắt buộc người bán phải áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khách hàng không muốn lấy hóa đơn điện tử, hay cây xăng ngại xuất?