Trang The Kyiv Independent nhận định Nga có thể cân nhắc khai thác khoáng sản Ukraine ở những vùng mà họ kiểm soát để gia tăng nguồn cung tài chính cho ngân sách, đặc biệt là ngân sách quân sự.
Kế hoạch ngân sách liên bang năm 2024 vừa được Tổng thống Vladimir Putin ký thông qua cho thấy Nga đang chuẩn bị cho kịch bản cuộc chiến kéo dài. Văn kiện quy định mức chi tiêu quân sự tăng từ 3,9% GDP lên 6% - lần đầu tiên cao hơn chi tiêu cho xã hội.
Ngân sách cũng tiết lộ tầm nhìn của Điện Kremlin với số lãnh thổ Ukraine mà Nga kiểm soát. Nỗ lực tái thiết Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhzhia đến năm 2026 được phân bổ khoảng 653,5 tỉ rúp và có quỹ đặc biệt chuyên dùng đầu tư ngành khai khoáng ở những vùng này.
Trước đó Nga chủ yếu xem những vùng lãnh thổ chiếm đóng như đòn bẩy chính trị và quân sự. Bằng cách công nhận chúng như “nước cộng hòa tự trị”, Moscow có thể tránh phải đầu tư vào những vùng này mà chỉ cần cung cấp hỗ trợ xã hội tối thiểu nhằm duy trì quyền kiểm soát. Nhưng giờ đây dường như Điện Kremlin ngày càng quyết tâm khai thác lượng khoáng sản dồi dào tại đây để có tiền tài trợ cho cuộc chiến hiện tại.
Chỉ chiếm giữ chứ chưa khai thác
Ukraine nằm trong danh sách 10 quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng sắt, mangan, titan, than chì, uranium. Nước này cũng sở hữu lượng than, dầu mỏ và khí đốt khổng lồ.
Năm 2021, ngành khai khoáng Ukraine ghi nhận sản lượng đạt 11,7 tỉ USD. Một phần đáng kể khoáng sản nằm ở miền đông đất nước - nơi đang bị chiến tranh ảnh hưởng nặng nề.
90% trữ lượng than của Ukraine tập trung tại Donetsk. Vài mỏ lithium và đất hiếm nằm ở Donetsk và Zaporizhzhia, còn dầu mỏ cùng khí đốt ngoài khơi tập trung ngoài khơi Điển Đen và vịnh Azov.
Cho đến nay chính sách của Nga với số khoáng sản nêu trên còn khá đơn giản. Đầu tháng 2.2022, họ bắt đầu lập bản đồ khoáng sản quan trọng, nguyên liệu đất hiếm cũng như phân bố nông nghiệp, dầu mỏ, khí đốt ở Ukraine. Tuy nhiên, đồng sáng lập công ty tư vấn rủi ro SecDev Robert Muggah cho biết Moscow chẳng khai thác mà chỉ chiếm giữ để Kyiv không tiếp cận được mà thôi.
SecDev ước tính từ tháng 7.2022 đến nay Nga kiểm soát 63% số mỏ than, 27% trữ lượng quặng sắt, 50% trữ lượng quặng mangan, 100% nguồn cung strontium cùng khoảng 20% trữ lượng kim loại quý. Tổng giá trị khoáng sản mà Ukraine mất quyền tiếp cận lên đến 12 nghìn tỉ USD.
“Ngăn Ukraine kiếm được nguồn thu từ khoáng sản và dầu mỏ chắc chắn là ưu tiên vì làm vậy khiến năng lực quân sự Ukraine suy yếu. Nga hiểu rõ lợi ích địa chính trị lẫn lợi ích kinh tế từ việc kiểm soát trữ lượng khoáng sản, than, dầu mỏ và khí đốt nhiều hàng đầu thế giới. Ngay cả khi Nga không làm gì mà chỉ chiếm giữ, họ vẫn hưởng lợi bằng cách kiểm soát nguồn cung và giá cả tăng cao”, ông Muggah phân tích.
Cuộc chiến cũng làm suy yếu niềm tin nhà đầu tư. Loạt đơn vị từng quan tâm trữ lượng lithium khổng lồ của Ukraine đã im hơi lặng tiếng, làm Kyiv mất đi cơ hội tăng thu lẫn nhiều mối quan hệ kinh doanh chiến lược.
Nga có thể đã đổi ý
Kế hoạch ngân sách 2024 phản ánh rõ Nga dường như đã đổi ý. Mocow có thể khai thác và bán khoáng sản Ukraine để thu về khoản tiền lớn.
Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng. Công tác kho vận là vấn đề lớn vì nhiều mỏ nằm gần tiền tuyến, sản lượng khai thác tại những vùng lãnh thổ chiếm đóng trước lúc chiến tranh nổ ra khá thấp. Nhưng trong mắt Điện Kremlin, đây là khoản rất đáng đầu tư giúp có thêm thu nhập.
Nhà phân tích Isaac Levi (Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch) cho biết dữ liệu năm 2022 chỉ ra 46% ngân sách liên bang Nga đến từ thuế thu từ dầu khí bán ra. Tình trạng phụ thuộc dầu mỏ càng tăng từ khi chiến tranh nổ ra.
Để đáp ứng được chi tiêu quân sự và nhiều khoản chi khác, tìm kiếm nguồn thu từ những vùng lãnh thổ chiếm đóng là cần thiết. Khả năng trừng phạt phương Tây ngăn Nga bán số khoáng sản khai thác ở miền đông Ukraine chẳng đáng lo ngại. Gần 2 năm qua Moscow đã chứng minh họ biết cách vượt qua cấm vận như thế nào.
Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch xác định bất chấp Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, sản lượng than của Nga vẫn tăng 0,3% so với năm 2021 - đạt mức kỷ lục 442 triệu tấn. Hãng tin Reuters qua điều tra ghi nhận trong năm 2023, Nga xuất sang Thổ Nhĩ Kỹ khoảng 160.400 tấn than (trị giá 14 triệu USD) được sản xuất tại những vùng lãnh thổ chiếm đóng.