Trong nỗ lực thâm nhập thị trường ô tô và tai nghe thực tế hỗn hợp (AR/VR), Apple đang thực hiện một cách tiếp cận thực tế hơn để phát triển sản phẩm.

Kế hoạch thực dụng hơn của Apple với ô tô điện tự lái và tai nghe thực tế hỗn hợp

Sơn Vân | 12/12/2022, 09:51

Trong nỗ lực thâm nhập thị trường ô tô và tai nghe thực tế hỗn hợp (AR/VR), Apple đang thực hiện một cách tiếp cận thực tế hơn để phát triển sản phẩm.

Apple hiếm khi là công ty đầu tiên thâm nhập thị trường mới: Sony Walkman có trước iPod; Palm và BlackBerry làm chủ thị trường điện thoại trước iPhone; Microsoft có máy tính bảng trước iPad; nền tảng đồng hồ thông minh của Google có trước Apple Watch.

Thế nhưng, Apple nhanh chóng bắt kịp và thậm chí vượt qua các đối thủ của họ.

Với iPod, Apple đã khuấy động thị trường nhờ thiết kế bằng nhựa và kim loại màu trắng cùng click wheel (thành phần điều hướng của các mẫu iPod không có màn hình cảm ứng).

iPhone và iPad nổi đình nổi đám với màn hình cảm ứng cực nhạy cùng cửa hàng ứng dụng App Store.

ke-hoach-cua-apple-cho-o-to-va-tai-nghe-thuc-te-hon-hop1.jpg
iPhone đầu tiên được giới thiệu vào năm 2007 - Ảnh: Eric Slomanson

Apple Watch mang đến các cảm biến sức khỏe tiên tiến và giao diện giống điện thoại.

Ngay cả trong trường hợp không phải người tiên phong, Apple vẫn cảm thấy đi trước thời đại.

Song ngày nay, Apple có thể đang áp dụng một chiến thuật mới: Tính thực tế. Khi đang phát triển tai nghe thực tế hỗn hợp và ô tô điện, Apple đang hướng tới mục tiêu ít mang tính cách mạng hơn và thực dụng hơn, tất cả đều nhằm mục đích thực sự đưa sản phẩm ra khỏi cửa.

Tim Cook và Steve Jobs thường nói rằng Apple quan tâm đến việc trở thành hãng giỏi nhất trong một hạng mục cụ thể hơn là tiên phong. Apple đã đạt được lợi thế bằng cách phát triển các giao diện mới và áp dụng các công nghệ theo những cách sáng tạo. Điều đó thể hiện rõ ràng với iPhone (sử dụng màn hình cảm ứng thay bàn phím vật lý) và iPad (có màn hình lớn và thời lượng pin 10 giờ).

Thế nhưng với các sản phẩm tiếp theo, công ty dường như sẵn sàng thỏa hiệp nhiều hơn để đặt chân vào một thị trường mới.

Hãy bắt đầu với tai nghe thực tế hỗn hợp sắp ra mắt. Thiết bị chắc chắn sẽ tiên tiến với màn hình độ phân giải cao, một số camera bên ngoài và phiên bản iOS mới có tên xrOS. Thiết kế bóng bẩy và bộ vi xử lý mạnh mẽ sẽ giúp nó vượt trội so với các sản phẩm từ Meta Platforms và Sony Group Corp.

Song thiết bị sẽ không có thực tế tăng cường thực sự - “chén thánh” (báu vật khó tìm, có sức hấp dẫn mãnh liệt với nhiều người trên thế giới - PV) của ngành.

Ước mơ là sở hữu một cặp kính nhẹ có thể thêm dữ liệu và hình ảnh vào trải nghiệm trong thế giới thực của bạn mà không quá cồng kềnh hoặc quá mất tập trung. Hiện tại, công nghệ vẫn chưa có.

Thay vào đó, Apple sẽ cung cấp thực tế hỗn hợp, sự kết hợp của cả thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Tai nghe sẽ là một hệ thống VR cốt lõi, nhưng sử dụng máy ảnh để tạo ra trải nghiệm gần như AR.

ke-hoach-cua-apple-cho-o-to-va-tai-nghe-thuc-te-hon-hop.jpg
Một người tham dự đeo tai nghe HTC tại hội nghị nhà phát triển của Apple - Ảnh: Bloomberg

Khi Apple bắt đầu thâm nhập thị trường này khoảng 7 năm trước, người ta hy vọng rằng kính AR có thể thay thế iPhone bằng cách đưa thông tin vào tầm nhìn của người dùng, cho phép họ thực hiện và nhận cuộc gọi cũng như nội dung.

Tim Cook bắt đầu công khai tầm nhìn đó vào năm 2016, nói rằng AR vượt trội hơn VR vì “mang lại khả năng cho cả hai chúng tôi cùng ngồi và hiện diện rất rõ ràng”. Sau đó, Giám đốc điều hành Apple đã chỉ trích kính VR tại một hội nghị ở bang Utah (Mỹ), nói rằng “rất ít người sẽ cho rằng việc được bao bọc trong một thứ gì đó là chấp nhận được”.

Những lời chỉ trích của Tim Cook về VR bắt đầu lắng xuống khi Apple quyết định xây dựng một thiết bị sẽ sử dụng chính phương pháp đó – thiết kế tai nghe kèm theo mà ông từng cho là không thể chấp nhận được.

Lý do cho sự thay đổi rất rõ ràng: Kính AR thực sự vẫn còn nhiều năm nữa mới trình làng. Khả năng thu nhỏ thành phần cần thiết, công nghệ pin, ống kính, hỗ trợ phần mềm và khả năng sản xuất vẫn chưa sẵn sàng cho thời điểm quan trọng. Hoặc theo lời của Tim Cook khoảng một năm sau khi chê bai VR: “Công nghệ dành cho kính AR không tồn tại để làm điều đó một cách chất lượng. Công nghệ hiển thị cần thiết, cũng như đặt đủ thứ xung quanh khuôn mặt của bạn - có những thách thức lớn với điều đó. Trường nhìn, chất lượng của màn hình, nó vẫn chưa có”.

Thay vì trì hoãn đến năm 2025 hoặc lâu hơn, khi kính AR thực sự có thể khả thi, Apple sẽ đi theo con đường thực tế và phát hành một sản phẩm tạm thời cung cấp công nghệ thực tế hỗn hợp tốt nhất hiện nay. Đây có vẻ là quyết định đúng đắn của Apple, đặc biệt là khi hãng không muốn nhường thị trường phần cứng đầy hứa hẹn cho Meta Platforms.

Kịch bản tương tự cũng xảy ra với ô tô điện tự lái của Apple. Khi Apple bắt đầu chế tạo một chiếc xe vào đầu những năm 2010, quyền tự chủ không phải là ưu tiên chính. Apple tập trung hơn vào việc làm thế nào để có thể cạnh tranh với Detroit và Tesla về thiết kế, công nghệ pin, tích hợp phần cứng và phần mềm cũng như vật liệu cao cấp.

Song sau vài năm phát triển, các lãnh đạo Apple đã quyết định rằng một chiếc ô tô sẽ cần sự khác biệt rõ ràng để xứng đáng được tung ra thị trường. Apple nhanh chóng tập trung vào việc tung ra một chiếc ô tô có khả năng tự lái hoàn toàn và không có bàn đạp hay vô lăng.

Theo đuổi một thứ đã làm điên đảo toàn bộ ngành công nghiệp ô tô, tham vọng đó nhanh chóng gây tổn hại cho Apple, dẫn đến thay đổi nhân sự quản lý, sa thải nhân viên và khởi động lại dự án.

Một thỏa hiệp khác đã xảy ra. Apple gác lại kế hoạch tung ra một chiếc ô tô điện tự lái hoàn toàn. Thay vào đó, hãng đang chế tạo một chiếc ô tô điện truyền thống hơn với vô lăng và bàn đạp. Vẫn sẽ có các khả năng tự chủ, nhưng chúng sẽ hướng đến việc lái xe trên xa lộ.

Một chiếc ô tô điện Apple sẽ vẫn có thể nổi bật so với các đối thủ nhờ các tính năng độc đáo và khả năng tích hợp các sản phẩm khác của công ty. Khả năng tự lái sẽ dần dần cải thiện và mở rộng sang các khu vực địa lý mới, nhưng Apple không còn chờ đợi để phát hành xe cho đến khi nó đạt đến cấp độ 5 - đỉnh cao khó nắm bắt của ngành công nghiệp ô tô.

Các danh mục sản phẩm chính tiếp theo của Apple có thể không thay đổi thị trường theo cách mà iPod, iPhone và iPad từng làm. Thế nhưng giờ đây, chúng ít có khả năng bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng hơn nhờ Apple thực tế hơn một chút.

Apple trì hoãn sản xuất ô tô của mình cho đến năm 2026 khi giảm bớt công nghệ tự lái.

Kế hoạch của Apple về ô tô điện đã trải qua sự thay đổi cơ bản khác: Chuyển từ phương tiện tự lái hoàn toàn (có thể đưa bạn từ điểm A đến điểm B mà không cần sự can thiệp của tài xế) sang một thứ gì đó truyền thống hơn một chút. Kế hoạch mới là một chiếc ô tô có vô lăng và bàn đạp với chức năng tự lái cho đường cao tốc, nhưng không phải đường thành phố.

Apple đã thực hiện thay đổi này sau nhiều năm nỗ lực hướng tới một tầm nhìn tự chủ hoàn toàn mà có thể sẽ không khả thi trong nhiều thập kỷ. Cùng với sự thay đổi cơ bản, Apple đã lùi kế hoạch phát hành khoảng một năm đến năm 2026 và đang đặt mục tiêu bán ô tô điện của mình cho người tiêu dùng với giá dưới 100.000 USD mỗi chiếc.

Công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ cũng đang tìm kiếm một đối tác để phát triển nền tảng cơ bản của nó (hệ thống lái và cơ sở ô tô).

Bài liên quan
Kiện Apple vì bị bạn trai cũ gắn AirTag vào bánh xe ô tô để theo dõi
Một phụ nữ kiện bạn trai cũ gắn AirTag vào bánh ô tô để tìm ra nơi cô chuyển đến khi muốn tránh bị anh ta quấy rối.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế hoạch thực dụng hơn của Apple với ô tô điện tự lái và tai nghe thực tế hỗn hợp