Các quan chức Trung Quốc tập trung tại Bắc Kinh trong tuần này để vạch ra giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử để chọn ra Tổng thống Mỹ cố chống lại sự tăng trưởng của Trung Quốc dù ông Trump hay Biden đắc cử.

Kế hoạch Made in China 2025 bị Mỹ bóp nghẹt, Trung Quốc đổi chiến lược phát triển kinh tế

Nhân Hoàng | 26/10/2020, 11:00

Các quan chức Trung Quốc tập trung tại Bắc Kinh trong tuần này để vạch ra giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử để chọn ra Tổng thống Mỹ cố chống lại sự tăng trưởng của Trung Quốc dù ông Trump hay Biden đắc cử.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ xoay quanh đổi mới công nghệ, tự lực kinh tế và môi trường sạch hơn. Các quan chức cũng sẽ đặt ra mục tiêu trong 15 năm tới khi Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách thực hiện lời thề trẻ hóa quốc gia bằng cách giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và các ngành chiến lược khác.

Theo trang Bloomberg, nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang hồi phục nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, nếu theo sát quỹ đạo tăng trưởng của những năm gần đây thì có thể sẽ vượt qua Mỹ trong vòng một thập kỷ tới.

Viễn cảnh về những xích mích ngày càng sâu sắc với Mỹ là cơ sở cho chiến lược của ông Tập Cận Bình đẩy nhanh các kế hoạch nhằm bảo vệ Trung Quốc khỏi những biến động từ nền kinh tế thế giới.

Fred Hu, người sáng lập Primavera Capital - quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh, nói: “Nó phản ánh sự đánh giá lại theo chủ nghĩa hiện thực của Trung Quốc về tình hình toàn cầu hiện tại. Tự lực cánh sinh là phát triển một số năng lực trong nước thông qua đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm - PV) và đổi mới, một phản ứng cần thiết và thận trọng với những bất ổn bên ngoài. Song, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ từ chối chính sách mở cửa lâu đời của mình và hướng nội”.

Fred Hu trước đây làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và lãnh đạo Goldman Sachs Group (ngân hàng đầu tư đa quốc gia) tại Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình và các quan chức khác gần đây khẳng định nền kinh tế sẽ mở cửa hơn nữa với vốn nước ngoài và cạnh tranh, phản ánh những lo ngại về cách thế giới sẽ nhìn nhận các kế hoạch sắp tới. Trong bài phát biểu tại thành phố Thâm Quyến tháng 10.2020, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ nhưng làm dịu thông điệp đó bằng cách nói rõ rằng ông muốn một “hệ thống kinh tế mở mới”.

Ông Tập muốn tránh để các kế hoạch mới trở thành “cột thu lôi” trong mối quan hệ đang xấu đi của Trung Quốc với Mỹ và các đối thủ thương mại khác, có thể đồng nghĩa với việc tiếng nói xung quanh họ giảm bớt. Một chiến lược trước đó có tên Made in China 2025 đã đi vào bóng tối sau khi khiến chính quyền Trump nóng mắt và thúc đẩy sự bất an ở châu Âu cùng các nền kinh tế khác có nguy cơ thua cuộc trước sự cạnh tranh đang gia tăng.

ke-hoach-made-in-china-2025-bi-my-bop-nghet(1).jpg
Trung Quốc thất bại với kế hoạch Made in China 2025 do tác động từ Mỹ 

“Việc nhấn mạnh vào việc khuyến khích lưu thông trong nước sẽ không báo hiệu rằng Trung Quốc đang đóng cửa với thế giới. Chúng tôi kỳ vọng kế hoạch sẽ khuyến khích thương mại hai chiều và thúc đẩy thương mại dịch vụ”, Chang Shu và David Qu, hai nhà kinh tế học của trang Bloomberg nhận xét.

Hiện có chung sức từ nhiều nước, gồm cả Mỹ và Úc, để hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược. Lập trường hiếu chiến của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc hiện có sự ủng hộ của lưỡng đảng, và các quan chức Trung Quốc lo ngại ông Joe Biden có thể còn thực hiện hiệu quả hơn bằng cách tập hợp các đồng minh lại với nhau để kìm hãm sự phát triển của nước này.

"Đó là lý do vì sao các kế hoạch mới sẽ ít rõ ràng hơn và không cụ thể như trước đây, bởi kế hoạch Made in China 2025 đã mang lại rất nhiều rắc rối cho Trung Quốc và tăng phản ứng từ Mỹ. Vì vậy, tôi hy vọng họ sẽ tập trung vào các gợi ýt chung và mơ hồ về các chi tiết cụ thể”, Chen Zhiwu, Giám đốc của Viện Toàn cầu Châu Á tại Đại học Hồng Kông, cựu cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết.

Các quan chức đã lập luận rằng những gì tốt cho Trung Quốc sẽ tốt cho thế giới. Hôm 21.10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên trích dẫn báo cáo của các phương tiện truyền thông cho biết 1/3 lợi nhuận của Mercedes Benz AG đến từ Trung Quốc trong quý 3/2020 và doanh thu phòng vé hơn 2 tỉ USD của Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Bắc Mỹ trong năm nay.

“Điều này chứng tỏ rằng thị trường khổng lồ của Trung Quốc sẽ tạo ra động lực bền vững cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và thế giới”, ông Triệu Lập Kiên nói.

ke-hoach-made-in-china-2025-bi-my-bop-nghet1.jpg
Phân tích theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bloomberg dự đoán tăng trưởng GDP của các nước trong thời gian 2024-2025, trong đó Trung Quốc dẫn đầu với 27,7%

Dựa trên những ước tính mới nhất của trang Bloomberg, Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất thế giới trong những năm tới. 

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm nay sau khi các nhà chức trách tích cực ngăn chặn coronavirus. Tuy nhiên, số lượng các quốc gia coi các công ty công nghệ Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia đang tăng lên. Một số đang hợp tác để chuyển sự phụ thuộc vào nhập khẩu khỏi Trung Quốc khi những lời chỉ trích ngày càng tăng về các chính sách nội địa của nước này. Các công ty toàn cầu cũng đang đánh giá chuỗi cung ứng của họ do các báo cáo về cưỡng ép lao động và việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cùng áp đặt luật an ninh ở Hồng Kông.

Sự phản kháng từ cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy Trung Quốc hướng nội để tìm các nguồn tăng trưởng. Đến nay, thuế quan và các biện pháp trừng phạt hầu như không thay đổi được hành vi của Trung Quốc.

Bắc Kinh duy trì một danh sách đen rộng lớn về các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc có thể nhắm làm mục tiêu. Các hành động gần đây nhằm vào hàng xuất khẩu của Úc cho thấy Trung Quốc sẵn sàng trả đũa khi cảm thấy lợi ích của mình bị đe dọa.

Một nỗ lực phối hợp với các nước châu Âu, Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ có thể khó chống lại hơn và đẩy Trung Quốc vào con đường bị cô lập hơn.

Fred Hu cho biết sự thận trọng ở nước ngoài sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư ra quốc tế của Trung Quốc. Khả năng đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn vào các thị trường như Mỹ, Anh hoặc Úc sẽ thu hẹp lại và tham vọng xung quanh các dự án khác, chẳng hạn như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường có chữ ký của ông Tập, phải điều chỉnh lại.

Mục tiêu tăng trưởng

Các kế hoạch 5 năm, một di sản của nền kinh tế Trung Quốc, gần đây đã tập trung vào tái cơ cấu công nghiệp và duy trì tốc độ tăng trưởng từ trung bình đến cao. Truyền thông nhà nước đưa tin Trung Quốc có thể sẽ hạ thấp mục tiêu GDP trong kế hoạch sắp tới khi nước này chuyển sang tăng trưởng chất lượng cao. Trong khi các cuộc thảo luận sẽ có sau cuộc họp, toàn bộ tài liệu sẽ chỉ được công bố rộng rãi tại một phiên họp Quốc hội thường niên vào tháng 3.2021.

Wang Tao, chuyên gia tại ngân hàng UBS Group ở Hồng Kông, nói dựa trên sự tự lực trong khi vẫn được hưởng lợi từ toàn cầu hóa như mục tiêu kép được các quan chức Trung Quốc gọi là “tuần hoàn kép”, nhưng sẽ là thách thức vì những giọng điệu diều hâu với Trung Quốc vẫn tồn tại.

Bà Wang Tao nói: “Trung Quốc đang đối mặt với một môi trường phát triển bên ngoài nhiều thách thức hơn. Trong tương lai, Trung Quốc phải tham vọng hơn về cải cách và mở cửa trong nước. Nó có thể sẽ tăng lên”.

Mỹ bóp nghẹt kế hoạch Made in China 2025



Made in China 2025 là kế hoạch chiến lược của Trung Quốc được công bố bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường và Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 5.2015. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả nó như là một "sáng kiến để nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc" lấy cảm hứng trực tiếp từ Công nghiệp 4.0 của Đức.

Đó là một nỗ lực để chuyển dịch nền sản xuất của Trung Quốc lên cao hơn trong chuỗi giá trị. Các mục tiêu bao gồm việc tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng yếu lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Kế hoạch này tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao bao gồm cả ngành công nghệ dược phẩm hiện đang kiểm soát bởi các công ty nước ngoài.

Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) tin rằng đây là “một mối đe dọa thực sự đến vị thế dẫn đầu nền công nghệ của Mỹ”. Chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường duy trì quan điểm rằng kế hoạch này phù hợp với các nghĩa vụ đối với WTO của Trung Quốc.

Ngày 15.6.2018, Chính quyền của Donald Trump đã áp đặt mức thuế cao với hàng hóa của Trung Quốc. Vụ việc căng thẳng này đã leo thang thành chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Danh sách thuế quan trọng tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch Made in China 2025, bao gồm các sản phẩm liên quan đến CNTT và robot.

Bài liên quan
Chuyên gia chỉ các công ty cách rút khỏi Trung Quốc êm thấm, tránh bị kiện
Vấn đề lao động và phương tiện truyền thông xã hội là điều mà các công ty Nhật Bản phải đối mặt khi muốn rút khỏi Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế hoạch Made in China 2025 bị Mỹ bóp nghẹt, Trung Quốc đổi chiến lược phát triển kinh tế