“Xinh đẹp và nổi tiếng” – hàng trăm nữ diễn viên có thể phù hợp với miêu tả này. “Thông minh và tài năng” – cũng hàng chục người được công nhận như thế. Nhưng “trí thức và bản lĩnh” là những tính từ chỉ dành cho một số hiếm hoi các nghệ sỹ. Jodie Foster là một điển hình trong số đó.
3 tuổi, Alicia Christian Foster đã kiếm được tiền nhờ quảng cáo kem chống nắng và sữa tắm trẻ em. 10 tuổi đã là thần tượng của các khán giả nhí qua những vai diễn thiếu nhi trên truyền hình.
14 tuổi, cô bé Jodie Foster đã làm lay động hàng triệu con tim với vai diễn cô gái điếm vị thành niên trong Taxi driver (đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese) - tác phẩm giành Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1976 và ngay lập tức trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới.
29 tuổi trở thành diễn viên đầu tiên dành được hai giải Oscar ở tuổi dưới 30. Và cho đến nay, sau gần 100 năm lịch sử của giải thưởng điện ảnh nổi tiếng nhất hành tinh, Jodie Foster vẫn là người duy nhất làm được điều đó.
Ở giai đoạn hoàng kim nhất của sự nghiệp (thập niên 1990 và nửa đầu những năm 2000), Jodie được coi là người phụ nữ quyền lực nhất Hollywood, mặc dù độ phủ sóng trên truyền thông không thể so được với Julia Roberts hay Nicole Kidman.
Không chỉ là diễn viên tài năng, Jodie còn nắm quyền chủ động trong nhiều khâu của nền công nghiệp điện ảnh. Chị là đạo diễn, nhà sản xuất, biểu diễn ca khúc trong phim, thậm chí từng biên kịch và quay phim… Ở vị trí nào Jodie cũng nhận được sự đánh giá tích cực.
"Một phụ nữ lạ thường với một sự nghiệp lạ thường và một cuộc sống lạ thường” (Tạp chí điện ảnh Premiere của Pháp từng viết về Jodie cách đây hơn 20 năm). Chúng ta hiểu rằng đó hoàn toàn không phải là lời tâng bốc của báo chí mà nó xứng đáng dành cho Jodie.
Một phụ nữ lạ thường
Năm 1980, tốt nghiệp phổ thông với vị trí thủ khoa Lycée Francais ở Los Angeles (trường trung học Pháp ngữ nổi tiếng), khi tương lai xán lạn ở kinh đô điện ảnh đang chờ đón, Jodie đã không ngần ngại hạn chế đóng phim để theo học tại Đại học Yale danh tiếng.
Năm năm sau, với bằng cử nhân văn chương, Jodie quay lại Hollywood. Nhiều người lo rằng cô bé Alicia ở tuổi trưởng thành sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng của vầng hào quang quá lớn khi còn nhỏ, nhưng Jodie đã làm yên tâm những khán giả ái mộ và nhanh chóng xác lập tên tuổi với tư cách một "diễn viên lớn".
Jodie Foster được mệnh danh là “người đẹp trí thức nhất Hollywood”. Không nhiều diễn viên được đánh giá cao ở yếu tố này như vậy. Lứa sau Jodie có Edward Norton - tốt nghiệp ngành Lịch sử tại ĐH Yale, Jennifer Connelly - từng học Ngữ văn tại Đại học Yale và Kịch nghệ tại Đại học Stanford và Natalie Portman - cử nhân ngành Tâm lý học tại Đại học Harvard.
Jodie Foster biết đọc từ năm lên 3 tuổi. Jodie là thành viên danh dự của hội Mensa, cộng đồng dành cho những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới. Ngoài ra, cô có thể nói thành thạo 5 thứ tiếng gồm: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia.
Jodie từng thoại tiếng Pháp trong các phim Moi, fleur bleue (1977) của đạo diễn Pháp gốc Việt Eríc Le Hung, The blood of others (1984) phiên bản tiếng Pháp của Claude Chabrol và Un long dimanche de Fiancailles (2004) của Jean-Pierre Jeunet.
Năm 1976, khi tham dự LHP Cannes ở tuổi 14 cùng kiệt tác Taxi driver, Jodie Foster đã khiến nhiều phóng viên và khán giả bất ngờ khi trả lời phỏng vấn trôi chảy bằng tiếng Pháp. Năm 2011, diễn viên này lại càng làm người Pháp yêu mến hơn khi thể hiện ngôn ngữ này trên cương vị chủ tịch ban giám khảo giải César - được coi như giải Oscar của điện ảnh Pháp. Và dân Pháp còn quen thuộc với giọng nói của Jodie nhiều lần khác nữa khi chị mang các phim của mình đến LHP Cannes hay khi được liên hoan phim danh tiếng này trao giải Thành tựu trọn đời năm 2021.
Năm 2011, trong chiến dịch quảng bá bộ phim The beaver do Jodie làm đạo diễn trong khuôn khổ LHP Cannes, chị đã trả lời phỏng vấn bằng tiếng Italia và gây ấn tượng về chất giọng đẹp.
Rất nhiều khán giả yêu thích và tán dương giọng nói của chị qua các vai diễn và các talkshow truyền hình. Mọi người khen chị nói ngoại ngữ như "người bản xứ", "nghe Jodie nói như thưởng thức rượu ngon lâu năm", "nếu gặp thần đèn ban điều ước, thì điều tôi ước đầu tiên là nói tiếng Pháp được như Jodie Foster"...
Một sự nghiệp lạ thường
Jodie Foster năm nay 61 tuổi nhưng đã có tới... 58 năm làm việc trên trường quay.
Sau thập niên 1970 tung hoành trên màn ảnh nhỏ rồi màn ảnh rộng qua các vai diễn thiếu nhi, qua thập niên 1980 nổi lên là ngôi sao triển vọng, đến thập niên 1990 và 2000 trở thành ngôi sao nữ hàng đầu, Jodie Foster thưa thớt đóng phim hơn từ những 2010 trở về sau. Và năm nay, chị đã có sự trở lại thành công với vai phụ trong bộ phim tiểu sử thể thao Nyad đang được đánh giá cao. Vai diễn hứa hẹn sẽ mang về cho Jodie thêm nhiều đề cử ở mùa giải sắp tới.
Nhân dịp này, người ta có cơ hội nhìn lại sự nghiệp của Jodie. Với 80 vai diễn (gần 50 phim điện ảnh và hơn 30 phim truyền hình) trải dài qua các giai đoạn của cuộc đời cho thấy một khả năng diễn xuất đa dạng.
Ở lứa tuổi 13 - 14, cô bé Jodie đã có một loạt vai chính ấn tượng trong những bộ phim mà bây giờ người ta còn tìm xem sau hàng thập kỷ. Hình ảnh Jodie đầy biến hoá từ một ca sỹ nhí lộng lẫy trong bộ phim hài găng-xtơ trẻ em kinh điển Bugsy Malone, đến cô nhóc giản dị, điềm tĩnh trong bộ phim tâm lý, ly kỳ The little girl who lives down the lane cho đến cô học sinh tomboy hoán đổi thân xác với người mẹ trong bộ phim hài giả tưởng tuổi teen kinh điển Freaky Friday sau này được Hollywood remake với Lindsay Lohan.
Từ một cô gái điếm vị thành niên ngây thơ và bàng quan trong tuyệt tác Taxi driver (1976) đến cô bồi bàn là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp tập thể trong The Accused (1988).
Từ nhân viên FBI tập sự trí tuệ, bản lĩnh trong siêu phẩm The silence of the lambs (1991) đến người vợ duyên dáng, mẫn cảm trong phim tình cảm, lãng mạn Sommersby (1993).
Từ cô cao bồi xinh đẹp, tinh quái trong tác phẩm hành động hài lấy bối cảnh miền Tây Maverick (1994) đến cô gái hoang dã xa cách cuộc sống văn minh trong phim Nell (1994).
Từ nhà khoa học thông minh, say nghề trong bộ phim khoa học viễn tưởng Contact (1997) đến cô giáo dạy tiếng Anh trí thức, dịu dàng trong bộ phim tiểu sử, chính kịch, lãng mạn Anna and the King (1999).
Thập niên 2000 Jodie chuyển hướng với một loạt tác phẩm tội phạm, ly kỳ và dạng vai phụ nữ mạnh mẽ, gai góc có phần hơi một màu nhưng diễn xuất của chị vẫn ấn tượng: Từ người mẹ can đảm một mình đấu lại lũ trộm trong Panic Room (2002) đến người mẹ can trường, kiên trung dành lại sự sống cho con mình trong FlightPlan (2005) đến người dẫn chương trình phát thanh cô độc, quyết liệt trả thù cho hôn phu bị sát hại trong The brave one (2007)…
Giai đoạn qua tuổi trung niên và về già, Jodie tiếp tục có những bộ phim đáng nhớ như Inside man (2006), Carnage (2011) và nữ nhà văn trong bộ phim này đã mang về cho chị đề cử Quả cầu vàng thứ 7.
Năm 2021 Jodie tham gia phim The Mauritanian (2021) - bộ phim xuất sắc dựa trên cuốn hồi ký best seller Nhật ký tù Guantanamo của Mohamedou Ould Slahi. Vai diễn nữ luật sư trắc ẩn đấu tranh cho tự do của nam chính đã mang về cho Jodie một đề cử Quả cầu vàng lần thứ 8.
Chị còn tham gia bộ phim tiểu sử Nyad mới ra mắt trên Netflix tháng 11 năm nay. Jodie vào vai người huấn luyện viên nữ đồng hành của Nyad đã có một màn thể hiện chân thật, hứa hẹn sẽ gặt hái nhiều thành công mùa giải này khi bây giờ đã sớm được đề cử ở 2 giải của Hiệp hội phê bình phim Chicago và Hiệp hội phê bình phim Las Vegas.
Cho đến nay, Jodie đã có bộ sưu tập giải thưởng đáng ngưỡng mộ gồm 2 giải Oscar, 3 giải Quả cầu vàng, 3 giải Bafta... Đặc biệt chị đã hai lần được trao giải Thành tựu trọn đời ở hai giải thưởng hàng đầu thế giới là giải Quả cầu vàng năm 2013 và tại LHP Cannes năm 2021 - một điều hy hữu ngay cả với những diễn viên xuất chúng.
Không chỉ thế, Jodie Foster còn làm đạo diễn. Ở Hollywood, nữ minh tinh thì nhiều như lá mùa thu nhưng nữ đạo diễn thì hiếm như sao buổi sớm. Nữ minh tinh làm đạo diễn lại càng hiếm hoi hơn nữa, và Jodie Foster ghi dấu ấn khá tích cực ở vai trò này.
Jodie thực hiện phim ngắn từ năm 1978 khi mới 16 tuổi và làm phim truyền hình đầu tay 10 năm sau đó, ở tuổi 26.
Các tập phim truyền hình mà chị làm đạo diễn được đánh giá rất cao (điểm trên IMDB từ 7.0 đến 8.0.) Các bộ phim điện ảnh Jodie thực hiện: Little man Tate (1991), Home for the holidays (1995), The beaver (2011) và Money monster (2016).
Jodie còn là nhà sản xuất và thể hiện ca khúc trong phim. Có thể nói không quá lời, Jodie Foster có một chỗ đứng đáng ngưỡng mộ không chỉ như một ngôi sao, mà hơn thế nữa.
Một cuộc sống lạ thường
Người ta còn nhớ hơn 40 năm trước, cả nước Mỹ xôn xao bởi sự kiện tổng thống Ronald Reagan bị ám sát hụt và Jodie Foster là người chịu nhiều áp lực nhất khi John Hinckley - tên thủ phạm - thừa nhận gã hành động để gây sự chú ý của chị do bị ám ảnh bởi bộ phim Taxi driver mà chị thủ vai, trong đó có chi tiết người tài xế taxi Travis Bickle (Robert De Niro thủ vai) định ám sát ứng viên tổng thống.
Sự kiện ầm ĩ khắp thế giới. Cánh báo chí bám xung quanh khuôn viên Đại học Yale. Các phe phái chính trị cũng lợi dụng làm phức tạp tình hình. Sau này, nó trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều ca khúc, bộ phim và cả tiểu thuyết, thậm chí có cả một ban nhạc lấy tên là “Jodie Foster's Army” bắt nguồn từ sự kiện này.
Một sự kiện drama như thế sẽ khiến nhiều ngôi sao tận dụng như một sự khuếch trương tên tuổi nhưng Jodie bước qua nó với thái độ bản lĩnh. Chị hầu như từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn báo chí và truyền hình đề cập đến câu chuyện này và chỉ nhắc đến nó đúng 3 lần: Cuộc họp báo vài ngày sau vụ tấn công, một bài báo mang tựa đề "Why me?" trên tạp chí Esquire mà chị viết năm 1982 và trong một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 1999.
Chị nói trong cuộc phỏng vấn với Charlie Rose trên chương trình 60 Minutes 2 năm 1999: "Tôi không muốn đề cập đến việc này nhiều. Tôi không bao giờ muốn trở thành một diễn viên được nhớ đến vì sự kiện đó, bởi vì nó không liên quan đến tôi" mặc dù, như chia sẻ trong bài báo "Why me?", sự kiện hồi ấy làm cô bé 18 tuổi áp lực và tổn thương nhiều.
Những năm 1990 – 2000, Jodie Foster được báo chí săn sóc đặc biệt bởi là siêu sao hàng đầu. Tuy nhiên, khác với nhiều ngôi sao phủ sóng bởi chuyện đời tư hay nhan sắc, Jodie cực kỳ kín tiếng và bảo vệ cuộc sống cá nhân của mình một cách trọn vẹn nên rất ít khi cánh báo chí khai thác được gì. Điều đó khiến nhiều người thậm chí còn không ý thức chị là ngôi sao hàng đầu.
Khi ấy, với cuộc sống riêng tư có phần đặc biệt (là mẹ của hai đứa trẻ không cha), Jodie khiến nhiều người tò mò, nhưng không ai biết thêm được thông tin gì ngoài vài bức ảnh cánh paparazzi chụp chị đi chơi với hai bé trong công viên ở New York.
Lúc ấy, một số báo chí đã dấy lên tin đồn Jodie là người đồng tính khi người anh trai bất tài của chị tiết lộ điều này. Tuy nhiên, Jodie điềm nhiên bước qua các đồn đoán này và bảo vệ được sự riêng tư cho mình.
Đến năm 2013, khi nhận giải Thành tựu trọn đời tại lễ trao giải Quả cầu vàng, Jodie đã có màn come out nổi tiếng trong bài phát biểu nhận giải gây xúc động lòng người. Hàng loạt sao Hollywood và đông đảo khán giả đã bày tỏ sự thán phục và thương cảm với chị.
Khi cộng tác với Jodie trong bộ phim Contact năm 1997, đạo diễn Robert Zemekis (tác giả Forest Gump) đã nhận xét: "Jodie Foster vừa đẹp vừa có phong cách, vừa mạnh mẽ mà không cần đánh mất nữ tính". Đó có lẽ cũng là cảm nhận của nhiều người về nữ ngôi sao điện ảnh sáng nhất trong thế hệ sinh trong thập niên 60 của thế kỷ trước.