Theo một tài liệu do một quan chức Iraq giấu tên cung cấp cho hãng tin AP, từ năm 2013 chính quyền Iraq đã tuyên án tử hình, bằng cách treo cổ, đối với 3.130 tù phạm dính líu quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), ngay cả người nấu bếp cho bọn IS cũng bị tuyên án treo cổ .

Iraq cứng rắn với IS, treo cổ cả người nấu bếp của quân khủng bố

22/03/2018, 16:06

Theo một tài liệu do một quan chức Iraq giấu tên cung cấp cho hãng tin AP, từ năm 2013 chính quyền Iraq đã tuyên án tử hình, bằng cách treo cổ, đối với 3.130 tù phạm dính líu quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), ngay cả người nấu bếp cho bọn IS cũng bị tuyên án treo cổ .

4 tay súng IS bị bắt từ một địa đạo ở Mosul - Ảnh: Getty Images

Trong số những người sẽ bị xử treo cổ có em gái của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, và những người nước ngoài đến Iraq chiến đấu cho bọn IS.

Nấu bếp cho bọn IS cũng bị tử hình

Từ tài liệu có danh sách 27.849 tù phạm ở Iraq, hãng tin AP có ít nhất 19.000 người bị bắt hoặc bị tù vì bị buộc tội dính líu khủng bố. Nhưng con số thật có thể cao hơn, vì còn nhiều tù phạm bị cảnh sát Iraq, tình báo quân đội Iraq và quân người Kurd giam nhốt.

Trong số những người bị bắt, có 8.861 người bị buộc tội dính líu tới khủng bố, kể từ đầu năm 2013. AP dẫn lời một sĩ quan tình báo Iraq nói đa số nhóm tù phạm này dính líu bọn IS.

11.000 tù phạm còn lại đang bị điều tra hoặc chờ ngày hầu tòa.

Lính Mỹ giám sát tù phạm Iraq được thăm nuôi ở trạì tù Bucca - Ảnh: Getty Images

Tổ chức Giám sát Nhân quyền hồi tháng 11.2017 cũng ước tính có 20.000 tù phạm ở Iraq, và cảnh báo việc Iraq áp dụng quá chặt các luật chống khủng bố, sẽ khiến xảy ra chuyện đánh đồng bọn chiến đấu lì lợm với những người chỉ dính líu tối thiểu với bọn IS.

Nhà nghiên cứu trưởng Belkis Wille của tổ chức Giám sát Nhân quyền nói: “Dựa vào những cuộc gặp các quan chức chính phủ, tôi cho rằng không ai biết tổng số tù phạm, kể cả Thủ tướng Iraq”.

Thủ tướng Haider al-Abadi đã kêu gọi tăng tốc xử treo cổ những người bị kết án tử hình. Từ năm 2014, có 250 vụ xử treo cổ gồm 100 vụ trong năm 2017, đánh dấu một nỗ lực rõ ràng về sự thực hiện lời kêu gọi của ông Al-Abadi. Nhưng LHQ cảnh cáo cách này tăng nguy cơ công lý xử oan sai mà không thể nào khắc phục được hậu quả.

Vì án tử hình không chỉ giáng xuống những người bị kết tội đã có những hành vi bạo lực, mà cả với người thân của kẻ dính líu với bọn IS hoặc với người ủng hộ bọn này. Theo một báo cáo của Giám sát Nhân quyền, trong nhóm bị án tử hình có cả những đầu bếp và người làm việc trong các bệnh viện do bọn IS điều hành.

Bà Sarah Leah Nilson, trưởng nhánh Trung Đông của Giám sát Nhân quyền, nói: “Tư pháp Iraq không thể phân biệt tội phạm của các bác sĩ bảo vệ mạng sống dưới chế độ IS với kẻ gây tội ác chống lại loài người”.

Nói về vụ xử tử hình 42 tù phạm hồi tháng 9.2017, chủ nhiệm nghiên cứu Trung Đông của tổ chức Nhân quyền quốc tế, bà Lynn Maalouf nói chính quyền Iraq lạm dụng án tử hình, trong nhiều vụ trước có người bị xét xử không công bằng, bị tuyên án chết, và một số vụ có người bị tra tấn buộc “nhận tội”.

Nhưng người phát ngôn Saad al-Hadithi của chính phủ Iraq nói: “Chính phủ tin tưởng từng tội phạm và quân khủng bố đều bị trừng trị thích đáng”.

Quân đội Iraq đánh bọn IS ở vùng biên giới giáp Syria - Ảnh: Getty Images

Nguy cơ tái phạm sai lầm khi nhốt chung quá đông bọn IS

Vào lúc quân Iraq và quân Kurd đánh bọn IS ở vùng biên giới giáp Syria và có các cuộc không kích yểm hộ của Mỹ, họ đã bắt hàng ngàn tù nhân. Chính phủ Iraq không có nhiều thời gian hoặc thiện cảm dành cho những người bị giải về thủ đô Baghdad, và các tòa án Iraq chỉ mất chừng 30 phút để tuyên án tử hình đối với các bị cáo.

Khi chiếm đóng Iraq, Mỹ từng nhận ra việc giam nhốt quá nhiều nghi phạm với nhau có thể gặp phải hậu quả ngoài ý muốn: nhiều chỉ huy IS cấp cao đã họp ngay tại trại giam Bucca (nam Iraq) và chúng có cơ hội lập mạng lưới để truyền bá tư tưởng thánh chiến.

Khi quân Mỹ chiếm đóng quản lý trại giam này, thủ lĩnh IS Al-Baghdadi từng trải qua gần 5 năm ở nhà tù do quân Mỹ chiếm đóng điều hành này.

Một quan chức Bộ Nội vụ Iraq, phụ trách việc giam nhốt nghi phạm IS ở khu vực quanh thành phố Mosul, nói với AP rằng số tù phạm hiện nay đã chuyền nhau những bài giảng đạo kích động hành vi cực đoan, và xem ra chúng liên lạc được với thế giới bên ngoài, dù nhà tù có thiết bị chặn sóng điện thoại di động.

Đa số tù phạm bị giam nhốt, và bị treo cổ, là tín đồ Hồi giáo dòng Sunni. Việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2013 đã gây ra xung đột tôn giáo từng được kiểm soát tốt thời Tổng thống Saddam Hussein.

Nhánh Hồi giáo dòng Shiite nắm quyền lực thời hậu Hussein đã ra tay mạnh với nhánh Sunni, khiến cộng đồng này căm phẫn và trở thành mảnh đất màu mỡ cho bọn IS tuyển quân khi chúng chiếm miền Bắc Iraq.

Vì thế, khi thành phố Mosul thất thủ và rơi vào tay bọn IS, một số người dân đón mừng chúng như lực lượng giải phóng, dù chủ nghĩa cực đoan và bạo lực của bọn này sớm hủy diệt nhiều người dân.

Và khi bỏ tù, xử tử hình hàng ngàn người Sunni, dù chỉ một số ít người dính líu bọn IS, chính phủ Iraq có thể tái phạm sai lầm, cho phép bọn IS lại chiếm được cảm tình của người dân.

Nhưng một quan chức Iraq giấu tên tin tưởng sai lầm quá khứ sẽ không lặp lại. Ông nói với AP: “Lính Mỹ trả tự do cho bọn bị bắt. Nhưng với chính quyền Iraq, bọn chúng sẽ đều nhận phải án tử hình”.

Bảo Vĩnh (theo AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Iraq cứng rắn với IS, treo cổ cả người nấu bếp của quân khủng bố