Hạ tầng riêng phục vụ IoT vẫn là một rào cản, ngay cả với những nước phát triển, nên cơ hội vẫn còn rộng mở. Đặc biệt, IoT giúp cho cuộc chơi trở nên công bằng hơn không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn đối với các quốc gia.
Ngày 6.3, Hội thảoCông bố sách“Internet vạn vật (IoT) – Từ truyền thông đến hiện thực” của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB)đã được tổ chứctại Hà Nội.
Ý tưởng khá giống nhau
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Xuân Đích – Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp (Bộ KH&CN) cho biết trong vài năm trở lại đây, IoT được nhắc tới, có mặt ở nhiều nơi và ngày càng trở nên gần gũi hơn với đời sống. Các chuyên gia thế giới chỉ ra rằng IoT chính là nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Đích, IoT đã có mặt trong các lĩnh vực của đời sống như giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, năng lượng hiệu quả… Ở các nước phát triển như Đức, Anh, Canada, Mỹ, Nhật… doanh nghiệp đã biết tận dụng tối đa để áp dụng IoT; qua đó làm đòn bẩythúc đẩy kinh tế - xã hội.
Ông Trần Xuân Đích – Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp (Bộ KH&CN) - Ảnh: Thu Anh
Tuy nhiên, ông Đích cũng chỉ ra rằng hầu hết các dự án thí điểm thường chỉ tập trung vào một số ý tưởng khá giống nhau như hệ thống quản lý giao thông vận tải, xử lý rác thải rắn, an ninh công cộng, các hệ thống năng lượng thông minh… Thực tế, việc triển khai IoT vẫn chưa cân xứng với những gì được đồn thổi.
“Do hạ tầng riêng phục vụ IoT vẫn là một rào cản, ngay cả với những nước phát triển nên cơ hội vẫn còn rộng mở. Đặc biệt, IoT giúp cho cuộc chơi trở nên công bằng hơn không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn đối với các quốc gia”, ông Đích phân tích.
Hạ tầng công cộng đi kèm chính sách
Ông Prasanna Lal Das - Chủ biên báo cáo "Internet vạn vật - Từ truyền thông đến thực tiễn" cho biết IoTcó tiềm năng rất lớn nhưng đòi hỏi Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân và xã hội dân sự phải tiến hành một cách có hệ thống và dựa trên thông tin đầy đủ.
Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB), báo cáo này là bước đi đầu tiên nhằm đánh giá tiến độ của Chính phủ các nước trong quá trình đưa IoT vào trong hoạt động của mình. Bộ công cụ sẽ là một bước đệm tạm thời giúp Chính phủ các nước sớm xúc tiến công việc nếu họ còn đang trong giai đoạn xây dựng chương trình; và công tác nâng cấp kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu còn đòi hỏi nỗ lực rất lớn tại các nước.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà nước trong việc tạo thuận lợi cho IoT, nhóm chuyên gia WB chia sẻ: Một số ví dụ về triển khai IoT hiệu quả nhất cho thấy cần phải có hạ tầng công cộng và khung pháp quy/chính sách đi kèm; chính phủ các nước giữ vai trò quan trọng quy định tới sự thành, bại của các sáng kiến IoT.
Đại diện WB trình bày báo cáo - Ảnh: Thu Anh
Đáng chú ý, theo các chuyên gia WB, quá trình nghiên cứu một loạt các đô thị trong khuôn khổ đánh giá, họ đã quan sát thấy những chương trình thí điểm IoT thành công nhất thường có chung các đặc điểm.
Cụ thể, các đặc điểm đó bao gồm: Lãnh đạo biết khơi nguồn cảm hứng để khởi động dự án, thúc đẩy tiến độ và duy trì phát triển. Phần lớn các chương trình IoT đều được dẫn dắt bởi chính quyền thành phố/đô thị/địa phương, không phải chính quyền Trung ương. Thương hiệu “đô thị thông minh” là một động lực chính của các chương trình IoT. Các nhân tố “điều phối” độc lập, bên thứ ba đóng vai trò chính trong triển khai. Chú trọng vào yếu tố địa phương và Đối tác công tư có thể là một mô hình bền vững.
Nhìn vào tình hình ở Việt Nam, ông Trần Xuân Đích bày tỏ: “Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ cuộc CMCN 4.0, nhưng tôi tin rằng đây chính là cơ hội để Việt Nam vươn mình, cạnh tranh trên trường quốc tế. Bằng các chính sách đúng đắn, Việt Nam từng bước áp dụng IoT vào cuộc sống thực tế và bước đầu có những thành quả đáng ghi nhận trong các lĩnh vực: nông nghiệp thông thông minh, giao thông thông minh…”.
Tuy nhiên, theo ông Đích, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển bằng cách ứng dụng IoT trong cuộc sống.
Thu Anh